Tin thủy sản Bệnh đốm trắng trên tôm và những điều cần biết

Bệnh đốm trắng trên tôm và những điều cần biết

Tác giả Ngọc Khuê, ngày đăng 21/07/2018

Tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi được hơn 13.500 ha tôm nước lợ, đạt 30% kế hoạch và các hộ đang tiếp tục thả nuôi theo lịch mùa vụ. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm đang chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi như giá tôm thương phẩm giảm thấp, dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Tôm nuôi bị bệnh đốm trắng

Hiện có khoảng 5% diện tích thả nuôi bị thiệt hại, tập trung nhiều ở vùng nuôi thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung, Trần Đề. Nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố môi trường, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, tiếp đến là bệnh đốm trắng có xu hướng gia tăng trong điều kiện mưa kéo dài làm môi trường ao nuôi biến động và nhiệt độ giảm thấp. Ông Tăng Thanh Chí, Phó Phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Tình đến ngày 10/5, huyện Mỹ Xuyên đã thả nuôi tôm nước lợ trên 7.550 ha. Hiện tôm đã hơn 1 tháng tuổi, phát triển tốt. Tuy nhiên cũng có một số diện tích bị thiệt hại do tôm bị bệnh hoại tử gan tụy” .

Theo các nhà khoa học, bệnh đốm trắng trên tôm lây lan nhanh và mức độ gây hại rất lớn. Thời gian gây bệnh thường từ tháng nuôi thứ hai trở đi, khi lượng chất thải nuôi tôm xuất hiện nhiều. Môi trường nước ao nuôi bị ô nhiễm, gây stress cho tôm. Mầm bệnh có thể đã ủ trong tôm hoặc xâm nhập từ bên ngoài vào qua nguồn nước, hoặc các loại ký chủ trung gian (cua, còng, cáy, chim..). Khi thời thiết thay đổi sẽ tạo điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn bùng phát gây ra dịch bệnh. Bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng nuôi tôm trong cả nước,và xảy ra quanh năm.

Sơ đồ lây truyền của bệnh

Bệnh lây từ tôm bệnh sang tôm khỏe, từ vật chủ trung gian mang mầm bệnh và từ tôm mẹ sang tôm còn, có khả năng phát sinh thành dịch trên diện rộng. Tỉ lệ chết có thể trên 90% trong vòng 3 – 4 ngày. Chẩn đoán bệnh dựa vào triệu chứng bệnh tích như: tôm thường nổi lên mặt nước, bỏ ăn, bơi lờ đờ, hoạt động yếu, đỏ thân. Dưới vỏ xuất hiện nhiều đốm trắng đường kính 0,5 – 3mm, các đốm trắng này không thể làm mất bằng cách cọ rửa hoặc xử lý qua nhiệt.

Vì xác định mầm bệnh đốm trắng có thể xuất phát từ con giống, nên nhiều năm nay, ông Thái Văn Quận ở xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên, đều chọn nguồn cung cấp giống có uy tín, chất lượng. Ông thả nuôi với mật độ vừa phải, vừa sức quản lý. Theo ông, thả giống ít, tỉ lệ sống sẽ cao hơn, thu hoạch tôm với kích cỡ lớn thì vẫn có lời.

Chài lưới kiểm tra mật độ phát triển và dịch bệnh của tôm nuôi

Bên cạnh yếu tố con giống, bệnh đốm trắng còn có thể lây truyền ngang từ nhiều thành phần trong ao sau khi thả giống, do đó quản lý tốt môi trường ao nuôi và tăng cường sức khỏe cho tôm sẽ giúp hạn chế mầm bệnh đốm trắng và các bệnh khác. Ông Tăng Thanh Chí, Phó Phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên, khuyến cáo các hộ nuôi tôm: “Đó là những ao đang nuôi thì phải quản lý tốt các yếu tố môi trường, quản lý tốt khâu thức ăn, tránh để thức ăn dư thừa trong ao. Còn những ao chưa thả giống nên cải tạo và xử lý nước thật kỷ; chọn con giống chất lượng để thả nuôi. Còn những ao bị thiệt hại thì phải khử trùng ao nuôi, nguồn nước trước khi xả ra sông, cải tạo lại ao cho kỷ trước khi thả nuôi lại. Đề nghị Sở NN&PTNT triển khai sớm việc hỗ trợ hóa chất để bà con diệt mầm bệnh để tránh lây lan”. Ông Đào Văn Bảy, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng cho biết: “Chi cục đang triển khai các chương trình giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ và cá tra. Tất cả tôm giống khi nhập vào địa phương ở các trại ương dưỡng thì chúng tôi lấy mẫu định kỳ mỗi tuần để phân tích 6 loại bệnh truyền nhiễm như: Đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy cấp… Giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi như những ao tôm bị thiệt hại sẽ lấy mẫu về phân tích. Giám sát cơ sở an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu theo Thông tư số 14 của Bộ NN&PTNT. Giám sát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở tôm, tép tự nhiên ở nguồn nước đầu nguồn để cảnh báo cho người dân khi lấy nước vào ao nuôi tôm”.

Công tác lấy mẫu xét nghiệm, phân tích dịch bệnh trên tôm nuôi

Trong trường hợp ao tôm bị đốm trắng, thực hiện các biện pháp cách ly ao bệnh với các ao còn lại, những ao nuôi gần ao nhiễm bệnh không có dấu hiệu bệnh có thể duy trì bằng cách giảm thiểu các nguyên nhân gây căng thẳng như định kỳ 4 - 5 ngày sử dụng men vi sinh bổ sung vào ao nuôi nhằm phân hủy các chất hữu cơ trong ao, tạo môi trường tốt cho tôm. Thạc sĩ Trần Tuấn Phong, Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng, khuyến cáo: “Do ảnh hưởng nắng nóng nên bệnh gan bắt đầu xuất hiện trên tôm nuôi nước lợ cộng với thời tiết chuyển mùa từ nắng sang mưa nên điều kiện môi trường sẽ có biến động lớn, khi có những đợt mưa kéo dài, nhiệt độ môi trường hạ thấp, đây là điều kiện để bệnh đốm trắng trên tôm phát triển. Do đó, bà con phải lưu ý. Đối với những ao nuôi bị thiệt hại do bệnh đốm trắng, nếu tôm đạt đầu con thì thu hoạch ngay, nếu tôm quá nhỏ thì xử lý bằng hóa chất và giữ lại trong ao nuôi khoảng 1 tuần mới xả ra môi trường để hạn chế dịch bệnh lây lan. Ao nuôi bị bệnh đốm trắng thì phải khử trùng trước khi cải tạo lại ao hoặc thả cá rô phi để cải tạo lại môi trường ao nuôi. Các ao tôm đã phát hiện bệnh, cần cải tạo lại, để trống ít nhất 1 tháng trước khi thả nuôi đợt mới”./.


Có thể bạn quan tâm

tu-tao-co-hoi-lot-bat-tren-cat-nuoi-ca-loc Tự tạo cơ hội: Lót… anh-huong-cua-viec-bo-sung-phu-gia-thuc-an-len-kiem-soat-dich-benh-tren-tom-tai-ecuador Ảnh hưởng của việc bổ…