Tin nông nghiệp Bệnh nhiệt thán ở gia súc có biểu hiện bên ngoài như thế nào? Cách phòng và chữa bệnh?

Bệnh nhiệt thán ở gia súc có biểu hiện bên ngoài như thế nào? Cách phòng và chữa bệnh?

Tác giả Bùi Quý Huy, ngày đăng 17/04/2018

Nguyên nhân

Bệnh do vi khuẩn nhiệt thán gây ra, còn gọi là bệnh than. Nếu mổ gia súc ốm chết do bệnh này thì vi trùng tiếp xúc với không khí sẽ biến thành nha bào, tức là thành kén. Trái với vi khuẩn, kén nhiệt thán có sức sống rất dai dẳng: đun sôi 100 độ C sau 20 phút mới bị tiêu diệt. Ở trong đất sau 30 nãm hoặc lâu hơn, nha bào vẫn có thể gây bệnh cho gia súc.

Đường lây truyền

Vi khuẩn hoặc nha bào có thể xâm nhập vào cơ thể động vật qua các đường sau:

- Đường tiêu hóa: vi khuẩn hoặc nha bào theo thức ăn, nước uống vào cơ thể mà gây bệnh. Đây là đường truyền bệnh chủ yếu. Sau khi vào ruột, nha bào sẽ nở thành vi khuẩn.

- Đường da: vi khuẩn hoặc nha bào có thể xâm nhập qua vết xây xát ở da. Bệnh lây kiểu này rất phổ biến ở những người tham gia mổ thịt trâu, bò, ngựa mắc bệnh nhiệt thán.

- Đường hô hấp: gia súc có thể hít phải nha bào, vi khuẩn có trong bụi rậm phát tán trong không khí.

Bệnh lây truyền từ vùng có dịch nhiệt thán sang vùng khác chủ yếu do người đưa gia súc mắc bệnh hoặc phát tán các sản phẩm gia súc có mầm bệnh. Bệnh hay xảy ra ở các xã miền núi phía Bắc, nơi đã có bệnh nhiệt thán phát sinh từ nhiều năm trước, do nha bào vẫn tồn tại trong đất.

Biểu hiện bên ngoài của bệnh

Bệnh thường diễn biến theo hai thể là quá cấp tính và cấp tính

- Thể quá cấp tính: thường xảy ra vào thời kỳ đầu ở dịch, tỷ lộ chết gần 100%. Bệnh phát ra độtt ngột. Con vật đang ăn cỏ hoặc cày bừa, bỗng nhiên toát mồ hôi, run rẩy, thở gấp, dừng ăn uống hoặc làm việc, sốt cao, lưỡi thè ra, đầu gục xuống, mắt đỏ ngầu, loạng choạng, đứng không vững, quay cuồng. Sau đó ngã xuống, hậu môn hoặc âm hộ có thể chảy máu. Con vật chết nhanh chỉ trong vài giờ.

Có con như điên cuồng, đâm vào bụi rậm, nhảy xuống ao hoặc vác cả cày bừa chạy lồng lên, kêu rống vài tiếng rồi ngã gục xuống chết.

- Thể cấp tính: con vật ủ rũ, đờ đẫn, sốt cao 42 độ C, bỏ ăn, thở nhanh. Niêm mạc mắt đỏ bầm. Phân màu sậm đen có thể lẫn máu, nước tiểu lẫn máu. Mũi, miệng có sùi bọ màu hồng do lẫn máu. Vùng hầu, ngực, bụng sưng phù nóng và đau. Con vật chết sau 2 ngày vì ngạt thở. Tỷ lệ chết đến 80%.

Phòng trị bệnh

Chữa bệnh:

Vi khuẩn nhiệt thán rất mẫn cảm vói Penicillin nên chữa rất hiệu quả nhưng phải chữa sớm và đủ liều lượng thuốc.

Penicillin G: 4 - 5 lọ loại 1.000.000 đơn vị cho một trâu bò 200 - 250kg một lần tiêm bắp thịt. Sang ngày thứ ba trở đi, giảm liều còn 1/2 rồi 1/3 so với ngày đầu. Thường tiêm từ 3 - 4 ngày là khỏi bệnh.

Có thể kết hợp với một kháng sinh khác như Streptomycin hoặc chăm sóc tốt và tiêm thuốc trợ sức như:

Cafein 5ml: tiêm ngày 1 lần

Vitamin B1: 10 - 20ml: tiêm ngày 1 lần Vitamin C: 10 - 20ml: tiêm ngày 1 lần phòng bệnh

Phòng bệnh:

- Tiêm phòng văcxin nhiệt thán cho trâu, bò, ngựa, dê ở ổ dịch cũ và vùng nhiệt thán mỗi năm 01 lần. Tiêm bổ sung định kỳ cho trâu, bò, ngựa mới mua về.

- Không chăn thả trâu bò đến nơi có mả chôn gia súc chết.

- Không mổ thịt, tiêu thụ thịt gia súc ốm hoặc chết nghi là có bệnh.

- Khai báo với cán bộ thú y khi có gia súc ốm chết đột ngột.

- Vệ sinh, khử trùng chuồng trại.

(Nguồn: Một trăm câu hỏi đáp về bệnh gia súc-gia cầm / Bùi Quý Huy . - H.: Nông nghiệp, 2012. - 184tr., 21cm.- Đăng ký cá biệt: VB20103237)


Có thể bạn quan tâm

nong-dan-ven-song-lam-thu-nhap-cao-tu-trong-khoai-ho Nông dân ven sông Lam… nguyen-tac-6-khong-trong-san-xuat-rau-huu-co “Nguyên tắc 6 không” trong…