Mô hình kinh tế Cán bộ hội viên gắn kết nhờ 3 lá cọ

Cán bộ hội viên gắn kết nhờ 3 lá cọ

Ngày đăng 23/09/2015

Hội là cầu nối giữa doanh nghiệp với hội viên

Trao đổi với bà Khổng Thị Thảo, chúng tôi được biết Hội ND Hà Nam đã có rất nhiều năm liên kết phối hợp Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thực hiện chương trình bán phân bón trả chậm cho bà con ND. Trong đó, các cấp Hội ND của tỉnh đứng ra tín chấp, hỗ trợ cho ND mua phân bón và được chậm trả trong vòng 3-6 tháng.

Bón phân lân đơn supe Lâm Thao kết hợp đạm và kali với tỷ lệ 10kg đạm: 10kg kali: 20kg lân đơn/sào ruộng đã giúp ND cải tạo 5 sào đất hoang chua mặn thành ruộng lúa cho năng suất cao không kém những mảnh ruộng đất "ngọt" khác (khoảng trên 2 tạ/sào/vụ). 

Cũng theo bà Thảo, Hội và doanh nghiệp đã phối hợp chặt chẽ trên nhiều mảng, nhất là chuyển giao các lớp khoa học kỹ thuật, trình diễn các mô hình điểm nhằm nâng cao hiểu biết, hướng dẫn bà con cách sử dụng phân bón đúng cách, hiệu quả. Chương trình được triển khai tới toàn bộ 6 huyện, thành phố, tổng cộng 112 xã, phường, thị trấn. Hàng năm, Hội cung cấp khoảng trên 1.000 tấn phân bón trả chậm cho bà con ND.

Ngoài việc bán phân bón trả chậm, Hội ND tỉnh Hà Nam còn phối hợp đồng bộ với các cấp cơ sở và đặc biệt là Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thực hiện các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn.

Ngoài mô hình trồng lúa, Hà Nam còn tiến hành các mô hình trồng cây ăn quả, rau màu như: Mô hình trồng chuối tại các xã Hòa Hậu (huyện Lý Nhân); xã  Thụy Lôi và xã Khỏa Phong (huyện  Kim Bảng); mô hình trồng các loại rau củ xuất khẩu cà chua, khoai tây, bắp cải trồng vào vụ đông xuân...

Theo phân tích của bà Khổng Thị Thảo, xu hướng của bà con ND bây giờ là sản xuất, gieo trồng trên diện tích lớn hơn trước, lượng phân bón cần nhiều. Tuy nhiên, nhiều hội viên ND vẫn còn gặp một số khó khăn về vốn đầu tư sản xuất đầu vào.

Vì vậy, chương trình hỗ trợ bán phân bón trả chậm được xem như một giải pháp hàng đầu nhằm hỗ trợ ND giảm thiểu chi phí đầu tư ngay từ đầu vụ, khắc phục những khó khăn trước mắt, an tâm sản xuất và cũng là để động viên họ gắn bó với đồng ruộng hơn, tránh tình trạng nhiều ND bỏ ruộng lên thành phố làm ăn.

Chương trình tín chấp mua phân bón trả chậm cho ND đã được Hội ND tỉnh Hà Nam triển khai từ nhiều năm trước đây. Sau một thời gian vì một vài lý do mà bị gián đoạn, vài năm trở lại đây, nhờ vào nỗ lực xây dựng kinh tế hợp tác của cán bộ hội các cấp, ND cùng với doanh nghiệp, chương trình đã lại phát triển và dần đi vào ổn định. Đến nay, chương trình đã và đang được bà con ND rất tin tưởng.

“Tôi rất mừng vì sự nỗ lực cố gắng của chúng tôi đã mang lại điều gì đó có ích cho bà con, được bà con tin tưởng, yêu quý. Nhiều ND  nhận xét rằng, các cấp hội làm được như này thì ở bên ngoài họ đỡ bị ép giá, yên tâm tin tưởng vào phân bón các cấp hội chuyển giao, lại được chậm trả để họ có điều kiện canh tác tốt hơn” - bà Thảo chia sẻ.

Niềm vui của ND- nguồn động viên lớn cho cán bộ

"Cá nhân tôi thấy, chương trình hỗ trợ phân bón trả chậm không chỉ có ý nghĩa với bà con mà còn rất ý nghĩa với cán bộ chúng tôi. Thông qua chương trình này, cán bộ ở các cấp đã gần gũi với dân hơn, chúng tôi xuống tận địa bàn các xã nhiều hơn, gặp gỡ nhiều hơn và nắm bắt kịp thời tình hình, tâm tư nguyện vọng của bà con. Chúng tôi ngày càng gắn bó với hội viên hơn và được bà con yêu quý”.

Bà Khổng Thị Thảo - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Nam

Mặc dù nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của hội viên ND, nhưng trong quá trình thực hiện chương trình, cán bộ các cấp cũng gặp phải nhiều khó khăn, nhất là việc thay đổi nhận thức của bà con, thay đổi thói quen của họ. Đơn cử như việc ứng xử với giá phân bón, bà con thường thích mua phân rẻ, ưa cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại phân bón, chất lượng và giá cả rất đa dạng, nông dân không hiểu biết sâu rộng về từng loại. Có thể có những loại phân bón một hai năm đầu rất có hiệu quả, cho năng suất cao, nhưng sau đó sẽ làm cho đất bị thoái hóa...

“Có ND chỉ cần biết là “tôi cần thì tôi lấy, tôi thấy phân này rẻ, vụ này bón tốt thì giờ tôi cứ lấy loại phân bón này, còn đằng sau đấy như thế nào thì tôi không biết”. Vì thế, cán bộ hội đã phải rất vất vả để giúp bà con hiểu được giá trị của những loại phân bón chất lượng”- bà Thảo trao đổi.

Trong các buổi sinh hoạt, các lớp tập huấn, cán bộ các cấp cố gắng tuyên truyền, quan tâm đến bà con, truyền đạt cho họ từ kỹ thuật lý thuyết đến thực tiễn gieo trồng. Hàng năm, Hội ND Hà Nam thường tổ chức các lớp tập huấn phủ kín cả sáu huyện, thành phố trên toàn tỉnh với sự tham gia của cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp và các nhà phân phối.

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh phát triển chương trình hỗ trợ phân bón trả chậm đến từng cấp cơ sở, Hội ND tỉnh đã tổ chức thi đua giữa các đơn vị, cá nhân; ai  làm tốt sẽ được khen thưởng. Ngược lại, đơn vị và cá nhân làm chưa tốt mà để xảy ra khó khăn, bất cập nào đó thì có hình thức xử lý.

Trong câu chuyện cởi mở của nữ thủ lĩnh Hội ND tỉnh Hà Nam, có rất nhiều câu chuyện vui về chương trình phân bón trả chậm mà cán bộ Hội ND mang về sau mỗi chuyến về với hội viên. Có những câu chuyện dù rất nhỏ nhưng vô cùng thú vị. Đó là lần công tác ở Kim Bảng, chúng tôi gặp bác Tư, một ND vô cùng chất phác.

Bác nói với chúng tôi: “Tôi có hàng chục năm làm nông nghiệp, đất nhà tôi lại mang tính chua, từ khi bắt đầu làm nông, tôi chỉ dùng phân bón Lâm Thao. Sau đó tôi phát hiện ra một loại phân bón khác cũng hợp với chất đất, nên đổi sang dùng phân bón đó, hai ba năm đầu rất tốt nhưng sau đó đất lại thoái hóa, còn phân lân Lâm Thao vẫn tốt.

Tôi mới bảo con trai vẽ cho một hình ba nhành lá cọ, một bên là biểu tượng của loại phân bón kia rồi cắm vào hai đầu thửa ruộng để đánh dấu và theo dõi, so sánh. Ban đầu, hàng xóm đi qua ai cũng cười nhà tôi vì họ chưa hiểu sự so sánh của tôi, thế mà giờ thấy được hiệu quả nên ở xóm tôi, ai cũng dùng phân bón này”.

“Đó chỉ là một trong những câu chuyện mộc mạc mà chúng tôi được nghe, được biết. Cứ mỗi người ND như bác Tư lại cho chúng tôi thêm nguồn động lực mới, thêm hào hứng hơn để đem đến ND những điều tốt nhất, quan tâm chăm sóc đến từng mảnh ruộng của bà con” - bà Thảo vui vẻ kể. 


Có thể bạn quan tâm

lam-sao-de-giong-ga-dong-tao-khong-bi-an-cap-ra-nuoc-ngoai Làm sao để giống gà… chua-het-rau-vi-gia-nong-dan-lai-nao-long-nhin-lua-ngap-trong-nuoc Chưa hết rầu vì giá,…