Chưa hết rầu vì giá, nông dân lại não lòng nhìn lúa ngập trong nước
Ghi nhận của PV tại Cà Mau và Bạc Liêu, do ảnh hưởng của thời tiết xấu (mưa lớn kéo dài cùng dông lốc) trong những ngày qua làm hàng ngàn ha lúa ngập trong nước, ảnh hưởng không chỉ trực tiếp tới năng suất mà còn gây rất nhiều khó khăn cho người dân trong việc thu hoạch
Hàng ngàn ha lúa ở Cà Mau và Bạc Liêu bị đổ sập mấy ngày qua do mưa lớn.
Tại Cà Mau, số liệu từ Sở NN&PTNT cho biết, có khoảng 3.500/ 36.000 ha lúa hè thu bị giảm năng suất trong đợt ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua.
Ước tính mức độ thiệt hại trung bình khoảng 30 % năng suất. Tập trung nhiều nhất tại huyện Trần Văn Thời khoảng 2.500 ha/hơn 26.000 ha.
Anh Nguyễn Hữu Chiến có hơn 1 ha lúa ở xã Trần Hợi bày tỏ: “Lúa đang tới ngày thu hoạch mà mưa như thế này coi như chết, diện tích lúa của tôi đã đỗ ngã và ngập khoảng 50%. Nếu không mưa thì ước khoảng 30 giạ/công, nhưng giờ thì không biết còn được bao nhiêu nữa, công sức 3 tháng trời nay như trắng tay”.
Vụ hè thu vừa qua, tỉnh Bạc Liêu xuống giống khoảng 60.000 ha, tập trung nhiều tại các huyện Hồng Dân, Phước Long, Vĩnh Lợi. Ước tính sản lượng khoảng 6 tấn/ha. Lúa đã ra bông, mưa lớn lại kéo dài nhiều ngày khiến phần lớn bị đổ sập, phần thì đứng chịu trận khi không thể thu hoạch.
Tính riêng huyện Vĩnh Lợi, vụ này bà con xuống giống 17.000 ha. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, đợt mưa vừa qua làm gần 1.000 ha lúa đổ ngã. Diện tích lúa bị ảnh hưởng năng suất còn gấp nhiều lần.
Thời tiết cực đoan không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa của người dân, mà còn tác động đến thị trường. Do mưa kéo dài ngày, ruộng đồng ngập nước, thương lái không thu mua lúa, làm giá lúa tiếp tục giảm sâu.
Theo người dân nơi dây, đầu vụ giá lúa 5451 được 4.800 đồng/kg, sau đó giảm dần. Đợt mưa vừa qua, không có thương lái mua, nhiều người dân gặt chất đống đợi chờ, một số người đành bung lúa ra sân, mặc dù mưa cứ kéo dài ngày, còn giá lúa thì cứ lao dốc từng ngày.
Ông Nguyễn Văn Hơn (ấp Nam Hưng, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) cho biết: Mấy ngày vừa qua, giá lúa giảm liên tục, đang giữ giá 4.600 đồng/kg bỗng nhiên xuống còn 4.300 đồng/kg (giống 5451). “Theo hợp đồng, tới ngày chúng tôi phải cắt lúa bán cho họ, nhưng mưa quá không cắt được, thương lái đến lấy lại tiền cọc và bỏ đi, lúa không ai mua”, ông Hơn xót xa nói.
Nếu người trồng lúa tại Bạc Liêu biết được giá lúa tại các địa phương vùng sâu, vùng xa của Cà Mau thì chắc họ cũng có niềm an ủi. Những ngày này, đi dọc về các vùng ngọt hóa trên địa bàn tỉnh Cà Mau, mọi người sẽ dễ dàng bắt gặp không khí ảm đạm của người dân, ai cũng lộ trên khuôn mặt sự lo lắng, buồn rầu bởi họ không chỉ phải chịu ảnh hưởng của thời tiết mà giá lúa vụ này thấp đến não lòng.
Ghi nhận thực tế của chúng tôi tại các xã vùng sâu của Cà Mau như: xã Tân Lộc (huyện Thới Bình); xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời), giá lúa hiện dao động từ 3.800 đồng - 4.000 đồng/kg.
Theo nhiều hộ dân cho biết, năm nay nhờ chủ động trong sản xuất cùng với việc sử dụng giống lúa chất lượng nên năng suất lúa đạt khá cao, có nhiều hộ năng suất đạt đến 5,5 tấn/1 ha. Tuy nhiên, thời tiết ảnh hưởng liên tục trong những ngày qua khiến năng suất ấy đã không còn nữa và đang đứng trước nguy cơ thua lỗ.
Do lúa ngập sâu nên máy gặt đập liên hợp không thể nào vào thu hoạch được, còn thuê mướn nhân công cắt tay thì rất khó.
Hiện nay, lực lượng này tại địa phương gần như không còn mà nếu có còn họ cũng ăn với giá khá cao, trung bình từ 500.000 đồng - 700.000 đồng/công.
Lại thêm chuyện cắt tay sẽ không có máy suốt, bởi từ khi có máy gặt đập liên hợp đến nay loại máy này rất khó tìm.Nông dân không bán được lúa đành đổ ra sân trùm bạt để đó.
Nông dân không bán được lúa đành đổ ra sân trùm bạt để đó.
Đó là tình cảnh của nhiều người dân sản xuất lúa hè thu trên địa bàn Cà Mau. Ông Lê Văn Thương (ngụ xã Khánh Hải) buồn rầu nói: “Lúa sập, mình chỉ biết đỡ cho nó đứng dậy rồi chờ cho nước rút thôi chứ biết làm chi. Máy gặt đập liên hợp vào cắt cũng không được còn mướn cắt tay thì chi phí cao, mất thêm rất nhiều khâu vận chuyển, suốt, phơi,… tỷ lệ hao hụt cũng rất lớn, chắc chắn vụ này lỗ”.
Lại thêm thực trạng những hộ đã thu hoạch xong lúa vẫn nằm trơ trước sân nhà, nằm co ro trong những mành áo mưa trắng xóa, không bán được, cũng không phơi được, dẫn đến chất lượng gạo không đảm bảo,…
Nhìn thực trạng cây lúa tại vùng tận cùng Tổ quốc mà xót xa, cứ như muôn vàn khó khăn đang chất chồng trên đầu người trồng lúa Cà Mau. Trong khi đó, chính quyền cũng đã ra sức cùng người dân ứng phó.
Ông Nguyễn Văn Tranh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết: Ngay sau khi xảy ra mưa lớn kéo dài trên địa bàn, Sở NN&PTNT đã họp khẩn, triển khai các biện pháp hỗ trợ nông dân khắc phục thiệt hại do mưa bão. Theo đó, đã huy động tất cả các máy bơm nước và nguồn nhân lực xuống cơ sở hỗ trợ nông dân.
“Trong lúc nông dân đang điêu đứng vì lúa rớt giá thì cơn bão số 3 lại gây thêm rất nhiều khó khăn cho người dân. Trước tình hình này, chúng tôi đang thống kê lại các thiệt hại và có biện pháp hỗ trợ phù hợp”, ông Tranh nói.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ