Mô hình kinh tế Cây trồng chuyển gen phải thông tin, thông tin và thông tin

Cây trồng chuyển gen phải thông tin, thông tin và thông tin

Ngày đăng 05/10/2015

Trong số các quốc gia có khuynh hướng thúc đẩy phát triển cây trồng chuyển gen, Việt Nam càng lúc càng có cái nhìn cởi mở hơn đối với loại cây này, cụ thể là cây bắp.

Quang cảnh buổi tọa đàm Cây trồng biến đổi gen: Nguồn thực phẩm của tương lai? do TBKTSG tổ chức ngày 24-9-2015.

Kể từ tháng 3-2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức cho phép trồng đại trà ba giống bắp chuyển gen NK66 Bt, NK66 GT và Nk66 BT/GT của Công ty Syngenta.

Và cũng giống như nhiều nơi khác trên thế giới, ở Việt Nam, những tranh cãi về nguy cơ ảnh hưởng xấu của cây trồng chuyển gen đến môi trường và sức khỏe con người chưa bao giờ nguôi.

Thực phẩm chuyển gen có tác động xấu đến sức khỏe con người hay không?

Tại cuộc tọa đàm về cây trồng biến đổi gen do TBKTSG tổ chức hồi tuần trước diễn giả chính là Tiến sĩ sinh học Trang Quan Sen (đến từ Cộng hòa Liên bang Đức), đã bày tỏ rõ quan điểm lo ngại.

Theo ông, dù chưa có một kết luận khoa học nào về những tác động xấu của thực phẩm chuyển gen đến sức khỏe con người, nhưng như vậy không có nghĩa là nó không có ảnh hưởng xấu.

Ông cho rằng có hai vấn đề cơ bản mà không ít người vẫn nhầm lẫn, cần được làm rõ.

Thứ nhất, với kỹ thuật cắt gen lạ từ sinh vật khác loài ghép vào cây trồng (chẳng hạn cắt gen Bt lấy từ vi khuẩn Bacillus thuringiensis ghép vào cây bắp để diệt côn trùng), cây sẽ có gen hoàn toàn mới.

Xin nhắc lại đây là gen hoàn toàn mới, mang tính mong muốn.

Như vậy, ông Sen cho rằng cách gọi “cây trồng biến đổi gen” xem ra không ổn, mà phải gọi đúng hơn là “cây trồng chuyển gen”, vì “biến đổi gen” có thể khiến nhiều người hiểu chính là gen gốc của cây bị biến đổi.

Thứ hai, có sự khác biệt về độc tính giữa gen Bt tự nhiên và gen Bt trong cây chuyển gen. Gen Bt tự nhiên xuất hiện dưới dạng tinh thể (protoxin), không độc, nó chỉ độc trong môi trường ruột của một số ấu trùng.

Còn protein do cây bắp Bt tạo ra xuất hiện dưới dạng lỏng và có ngay tính độc (toxin), ấu trùng và loài khác đều có thể bị hại.

Cách duy nhất giúp người tiêu dùng thực hiện quyền lựa chọn có sử dụng thực phẩm chuyển gen hay không là dán nhãn hàng hóa.

Một số nước châu Âu quy định dán nhãn đối với thực phẩm có thành phần chuyển gen ở tỷ lệ 0,9%. Ở Việt Nam, Nghị định 38/2012 quy định thực phẩm chứa thành phần chuyển gen trên 5% phải được dán nhãn.

Theo ông Sen, những kiến thức sinh học mang tính phân biệt như vậy cần được hiểu đúng. Tuy nhiên, không rõ do vô tình hay cố ý, chúng đã không được truyền thông một cách chuẩn xác và mang tính nhấn mạnh.

Trở lại với câu hỏi vì sao cho đến nay vẫn chưa có ghi nhận nào về tác động xấu của thực phẩm từ cây trồng chuyển gen đến sức khỏe con người, bất chấp những tiến bộ khoa học kỹ thuật trên thế giới về công nghệ sinh học trong mấy mươi năm? Và phải chăng bấy nhiêu thời gian cũng đã đủ để chứng minh là cây trồng chuyển gen vô hại?

Là người vẫn thường xuyên theo dõi về cây trồng chuyển gen, ông Sen cho biết ít thấy một nghiên cứu độc lập nào về vấn đề này, có lẽ do những ràng buộc gắt gao về bản quyền của các nhà nghiên cứu - sản xuất giống.

Thử hình dung một cá nhân hay một tổ chức muốn nghiên cứu độc lập về một loại giống chuyển gen của Monsanto chẳng hạn, họ chỉ có thể tiến hành nghiên cứu khi được sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền chính là Monsanto. Điều này ắt hẳn là không dễ!

Lại có ý kiến cho rằng Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) có quy trình quản lý an toàn thực phẩm rất khắt khe. Một khi tổ chức này đã có sự cho phép đối với cây trồng chuyển gen thì có thể tin rằng chúng... không thể không an toàn!

Ông Sen dẫn tài liệu từ Tiến sĩ Hoàng Khánh Hòa đang nghiên cứu tại Mỹ (http://trực tuyến.sfsu.edu/rone/GEessays/FDAdocuments.html), cho rằng đa số người Mỹ không biết FDA đã không thông qua quy trình kiểm tra an toàn đối với thực phẩm chuyển gen như đối với các loại thực phẩm thông thường khác.

Sự thật này chỉ được phanh phui sau khi có một số luật sư kiện FDA vào năm 1998. Vấn đề là đến nay, vụ kiện này vẫn chưa đi đến hồi kết!

Tại cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch HĐTV Công ty Nguồn Sinh Thái, đã nêu suy nghĩ cá nhân của “một người ngoại đạo”, rằng nếu các nhà nghiên cứu - sản xuất giống cây trồng chuyển gen đã làm được cuộc cách mạng lớn lao thay đổi thế giới theo chiều tốt đẹp hơn, rằng nếu thực phẩm chuyển gen hoàn toàn không có hại gì đến sức khỏe con người

Họ chẳng dại gì mà không “tự dán nhãn” điều đó cho thế giới biết, không phải đợi bị buộc phải dán nhãn hàng hóa có thành phần chuyển gen.

Dành quyền lựa chọn trồng cây chuyển gen cho nông dân?

Trong khi những lập luận đối kháng vẫn cứ dùng dằng thì cây trồng chuyển gen vẫn tiếp tục được trồng, tập trung chủ yếu ở Nam và Bắc Mỹ rồi xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới.

Ở Việt Nam, đứng trước quyết định của Chính phủ cho trồng bắp chuyển gen đại trà, PGS.TS. Ngô Thị Xuyên, Trưởng dự án Nông nghiệp xanh, Công ty Mục tiêu môi trường và cộng đồng, nêu quan điểm ủng hộ việc để nông dân tự quyết định trồng hay không trồng bắp chuyển gen.

Xác lập thái độ đối với sinh vật chuyển gen nói chung, bà Xuyên cho rằng không nên cực đoan khước từ những thành tựu lớn lao của công nghệ chuyển gen, vì ứng dụng của gen biến đổi là khá đa dạng, vấn đề là chọn loại gen nào, cho mục tiêu cụ thể gì.

TS. Trần Thượng Tuấn, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, cũng đồng ý khi nói ủng hộ hay phản đối cây trồng chuyển gen thì phải cụ thể vào loại cây chuyển gen nào với mức độ ảnh hưởng của nó ra sao. Tuy nhiên, ông không đồng tình với lập luận để nông dân tự quyết định việc trồng cây chuyển gen.

Theo ông, “như vậy là trút trách nhiệm nặng nề từ phía các trung tâm nghiên cứu, các cơ quan quản lý lên người nông dân”.

PGS. Lê Bảo Lâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển, Đại học Mở TPHCM, cũng cho rằng vấn đề phát triển cây trồng chuyển gen thuộc trách nhiệm của các nhà chuyên môn, những người làm chính sách, không nên đùn đẩy cho nông dân.

Theo ông Lâm, trong một môi trường thông tin thiếu minh bạch, bà con nông dân không có đủ cơ sở cho sự lựa chọn của mình.

Ngay cả việc giải bài toán về mối tương quan giữa chi phí sản xuất với giá cả và đầu ra cho sản phẩm, nhiều khi họ còn không có đủ dữ liệu. Đó là chưa kể vấn đề cây chuyển gen vẫn đang là “trò chơi” của các nước lớn (ta chỉ là nước nhỏ, bị ảnh hưởng) in dấu những tập đoàn giống, tập đoàn phân bón có thế lực mạnh và kỹ năng tiếp thị “siêu phàm”.

Tiến sĩ nông nghiệp Đỗ Ngọc Quỳnh đến từ Lâm Đồng, người từng học ở Đức và hiện đang làm việc gắn bó hàng ngày với bà con nông dân, đã chia sẻ suy nghĩ:

“Nói về thực phẩm chuyển gen, đó là vấn đề ở trên trời, còn nông dân và người tiêu dùng của chúng ta thì đang ở dưới đất, không thể đòi hỏi họ phải có kiến thức sinh học tường tận về vấn đề này và thực tế là họ không có môi trường thông tin khách quan, minh bạch.

Tôi đã từng cùng một số nông dân tham dự vài hội thảo mang danh khoa học nhưng thực chất là có sự lobby của các công ty giống, công ty phân bón, có cả tặng quà cho khách tham dự. Nên nói để nông dân tự quyết định việc trồng cây chuyển gen thì... thật khó quá!”.

Một vấn đề quan trọng nữa là khi quyết định trồng cây chuyển gen có nghĩa là chấp nhận phụ thuộc giống, cả về lượng lẫn về giá cả.

Nông dân phải mua giống cho mỗi vụ và không kiểm soát được chi phí đầu vào. Ở bình diện quốc gia, ông Sen tỏ ra e ngại một khi diện tích trồng cây chuyển gen đã tăng đáng kể: “Không thể tưởng tượng nếu một ngày nào đó, vì một lý do nào đó, các công ty bỗng dưng ngưng cung cấp giống...”.

Đó là chưa kể tình trạng “vi phạm bản quyền không mong muốn” do lai phấn chéo (hoa của cây bắp chuyển gen phát tán sang ruộng bắp truyền thống ở gần đó), nhất là khi Việt Nam đã cho trồng bắp chuyển gen trên diện rộng.

Ông Sen cho biết đã có “tiền lệ” ở Ấn Độ, nông dân ở ruộng bắp truyền thống bị công ty bán giống bắp chuyển gen kiện vì vi phạm bản quyền. Kết quả, nông dân là bên thua cuộc!

Do vậy, ông Sen cho rằng trong tương lai, vấn đề bản quyền ở Việt Nam cũng sẽ rất phức tạp.

Và theo ý kiến của ông Nguyễn Quang Bình, Giám đốc Công ty CTA, nông dân cần phải được cảnh báo, được hiểu hết những vấn đề liên quan trước khi họ quyết định trồng cây chuyển gen.

Và trong hoàn cảnh thông tin nhá nhem như hiện nay, việc cần thiết trước tiên để hỗ trợ nông dân chính là thông tin, thông tin và thông tin!

Quyền chọn lựa thực phẩm nào cho người tiêu dùng?

Tại cuộc tọa đàm có khá nhiều câu hỏi phơi bày sự hoang mang: bắp hạt cứng/hạt dẻo, bắp vị ngọt/vị nhạt, bắp có hạt màu, bắp gọi là bắp Mỹ..., liệu bắp nào là bắp chuyển gen?

Bao nhiêu phần trăm dầu đậu nành, đậu hũ... mà chúng ta đang ăn hàng ngày được làm từ đậu nành chuyển gen nhập khẩu? Làm sao để người tiêu dùng phân biệt được loại thực phẩm nào có thành phần chuyển gen?...

TS. Lê Thị Kính đến từ Công ty Giống cây trồng miền Nam nói rằng ngay cả người làm chuyên môn trong lĩnh vực giống cây trồng như bà cũng không thể phân biệt được bằng mắt thường thực phẩm nào có thành phần chuyển gen.

Cách duy nhất giúp người tiêu dùng thực hiện quyền lựa chọn có sử dụng thực phẩm chuyển gen hay không là dán nhãn hàng hóa. Ông Sen cho biết một số nước châu Âu quy định dán nhãn đối với thực phẩm có thành phần chuyển gen ở tỷ lệ 0,9%.

Ở Việt Nam, Nghị định 38/2012 quy định thực phẩm chứa thành phần chuyển gen trên 5% phải được dán nhãn. Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều người, việc thực thi của doanh nghiệp là chưa nghiêm túc và việc kiểm tra từ phía cơ quan chức năng thì gần như buông lỏng.

Theo ông Trang Quan Sen, để minh bạch và công bằng đối với người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cần có cơ chế giám sát, kiểm tra, chế tài nghiêm minh đối với việc thực thi các luật định đã được ban hành.

Một nhà báo có mặt tại cuộc tọa đàm cũng đã lên tiếng với tư cách một công dân đóng thuế, đòi hỏi các cơ quan chức năng của Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo môi trường sống an toàn cho người dân. 

Cây trồng chuyển gen, năng suất và vấn đề an ninh lương thực

Tháng trước, hai công ty Monsanto và Syngenta đã tổ chức đoàn khách tham quan những ruộng bắp chuyển gen trồng trình diễn tại An Giang, Đồng Tháp.

Đây là khu vực có tỷ lệ sâu đục thân lớn gây thiệt hại cho cây bắp.

Kết quả từ cuộc trình diễn cho thấy giống bắp chuyển hai gen Bt/GT cho năng suất trung bình ở hai tỉnh là 11 tấn (quy ra bắp khô)/héc ta, còn giống bắp tương tự nhưng không có chuyển gen cho năng suất 7 tấn bắp khô/héc ta.

Giá được thương lái mua đối với bắp thường là 3.950 đồng/ki lô gam, đối với bắp chuyển gen Bt/GT là 4.000 đồng/ki lô gam (do bắp chuyển gen Bt/GT có độ ẩm ít hơn).

Tuy nhiên, TS. Lê Thị Kính cho rằng số liệu về năng suất trung bình của bắp chuyển gen của Monsanto và Syngenta trồng khảo nghiệm ở nhiều địa phương của Việt Nam cho năng suất không cao hơn so với giống bắp lai cùng loại.

Thông tin từ Tiến sĩ Trang Quan Sen tại cuộc tọa đàm về nguồn thực phẩm từ cây trồng biến đổi gen do TBKTSG tổ chức hồi tuần trước dẫn số liệu thống kê hồi tháng 2-2014 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, cho thấy sau 15 năm, năng suất trung bình của cây chuyển gen không cao hơn năng suất cây truyền thống.

Dân số thế giới năm 2050 dự kiến tăng lên đến 9 tỉ người. Một trong những lập luận của những người ủng hộ phát triển cây trồng chuyển gen từ trước đến nay là giống cây cho năng suất cao sẽ góp phần đáng kể giải quyết nạn đói trên thế giới.

Theo TS. Trang Quan Sen, nạn đói hiện nay không phải do thiếu thực phẩm, mà do phân phối lương thực không đồng đều.

Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) cho rằng mức sản xuất lương thực trên thế giới hiện nay đủ để nuôi mọi người, nếu các nước công nghiệp như Mỹ, châu Âu không tiêu hủy hơn 40% thực phẩm vì quá hạn sử dụng hay để giữ giá.

Bên cạnh đó, vào khoảng đầu năm 2000, tại Mỹ đã xuất hiện nhiều loại cỏ kháng thuốc diệt cỏ Glyphosat, là hậu quả của việc sử dụng quá nhiều loại thuốc này trước đó.

Đến năm 2015, diện tích cỏ kháng Glyphosat ở Mỹ đã lên hơn 30 triệu héc ta.

Từ số liệu về năng suất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, xác nhận của FAO về an ninh lương thực cùng những tác động xấu đến môi trường, đến sự đa dạng sinh học và những nghi ngại về vấn đề an toàn đối với sức khỏe con người từ cây trồng chuyển gen, ông Sen nêu quan điểm cá nhân: cây trồng chuyển gen chưa có cơ sở thuyết phục để trở thành “nguồn thực phẩm của tương lai”. Ngọc Hùng


Có thể bạn quan tâm

toa-dam-di-tim-gia-tri-gia-tang-cho-hat-gao-viet-nam Tọa đàm đi tìm giá… xoa-vong-luan-quan-cho-nong-dan Xóa vòng luẩn quẩn cho…