Chăm sóc cây hồ tiêu vào mùa mưa
Nguyên nhân chính gây hủy diệt cả vườn tiêu là do các loại dịch hại nguy hiểm như bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm, trong đó có việc đầu tư chăm sóc không đúng mức.
Hồ tiêu là cây lâu năm, nhưng có bộ rễ yếu. Rễ hồ tiêu rất nhạy cảm với điều kiện canh tác bất lợi và các loại sâu bệnh hại nguy hiểm sinh ra từ đất. Sau một thời gian dài hồ tiêu bị rớt giá và rớt thấp đến tận đáy trong vòng 20 năm qua, nhiều nhà vườn đã lơ là đầu tư, chăm sóc, dẫn đến nhiều vùng trồng tiêu đã bị xóa sổ.
Nguyên nhân chính gây hủy diệt cả vườn tiêu là do các loại dịch hại nguy hiểm như bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm gây ra. Nhưng cũng có một phần do việc đầu tư chăm sóc không đúng mức làm cây tiêu suy yếu, khi bị bệnh tấn công, cây tiêu không chống đỡ nỗi.
Những vườn tiêu vẫn phát triển tốt trong giai đoạn hiện nay, sau thời kỳ rớt giá đều là những vườn đã giữ được nhịp độ chăm sóc, bón phân, quản lý sâu bệnh hại kịp thời trong thời gian qua.
Những khuyến cáo kỹ thuật chăm sóc vườn tiêu một cách bền vững, ổn định bao giờ cũng dựa vào yêu cầu của cây. Ngay cả khi giá tiêu cao ngất ngưởng, lợi nhuận rất cao thì nông dân cũng không nên lạm dụng bón phân hóa học cũng như thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh hại nhằm đạt năng suất thật cao.
Khi giá tiêu có hạ thấp, người làm vườn cũng cần phải cung cấp đủ dinh dưỡng theo nhu cầu của cây, bao gồm bón cả phân hữu cơ và vô cơ để có thể giữ vườn được khỏe mạnh, giữ được năng suất ổn định.
Hiện nay, khi giá hồ tiêu có nhích lên, nông dân lại bắt đầu quay lại chăm sóc vườn tiêu tốt hơn, trồng thêm diện tích mới hoặc phục hồi các vườn tiêu bị suy yếu trong thời gian qua.
Cần dựa vào hiện trạng của vườn để xác định có nên phục hồi vườn tiêu bị suy kiệt hay không. Nếu vườn tiêu có tỷ lệ cây chết trên 30% và số cây còn lại bị vàng lá tháo đốt, suy kiệt nặng chiếm tỷ lệ khá cao, kiểm tra rễ thì thấy bị rệp sáp hại rễ hoặc tuyến trùng gây u sưng, rễ bị thối nhiều thì không nên phục hồi mà nên phá bỏ, luân canh với cây trồng khác vài năm trước khi trồng lại cây tiêu.
Những vườn bị suy yếu nhẹ do ít chăm sóc đầu tư trong thời gian qua, tỷ lệ cây chết không cao có khả năng phục hồi thì bà con phục hồi như sau:
- Trồng dặm lại cây bị chết. Nếu là trụ chết thì nhổ luôn cả trụ, đào hố rộng, phơi đất kỹ trong suốt mùa nắng. Vệ sinh đồng ruộng thật kỹ, đem hết các tàn dư thực vật của cây bị chết, bị vàng lá ra khỏi lô và tiêu hủy.
- Bón phân hữu cơ vào những hố trồng dặm với khối lượng lớn, 20 kg phân chuồng hoai mục/hố. Lân và vôi bón lót cùng phân chuồng. Trộn phân lấp hố trước khi trồng ít nhất là 20 ngày. Khi trồng lại tiêu trên các hố này không nên trồng sâu mà trồng ngang mặt đất.
- Ngoài các cây trồng dặm ra, toàn vườn tiêu cần được bón phân hữu cơ vào đầu mùa mưa, 10 - 15 kg phân chuồng/trụ tiêu. Nếu không có phân chuồng tốt, thay bằng các loại hữu cơ chế biến, ưu tiên cho các loại phân hữu cơ chế biến có chứa các vi sinh vật đối kháng với các vi sinh vật gây hại rễ hồ tiêu.
Phân hữu cơ ngoài tác dụng cung cấp dinh dưỡng còn làm đất tơi xốp hơn, cải thiện đặc tính lý, hóa, sinh tính của đất, do vậy giúp cây tiêu có bộ rễ khỏe hơn và vườn cây sẽ nhanh chóng được phục hồi.
- Bón phân khoáng một cách hợp lý theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây. Tuy đã bón phân hữu cơ với lượng lớn nhưng các chất dễ tiêu trong phân hữu cơ mà cây có thể hấp thụ được ngay thường ít nên vẫn phải bón phân khoáng kịp thời cho cây tiêu. Loại phân NPK có tỷ lệ đạm, lân và kali phù hợp cho cây hồ tiêu giai đoạn đầu mùa mưa là các công thức có đạm và lân cao hơn kali.
Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền có các loại phân phù hợp cho hồ tiêu giai đoạn đầu mùa mưa như: 16-16-8 9S hoặc Đầu Trâu tăng trưởng 19-12-6 TE hoặc Đầu Trâu Hồ tiêu 17-13-9 TE... bón cho mỗi trụ 200g. Đến lúc cây cây đã ra hoa và đậu quả thì sử dụng các loại phân NPK chuyên dùng cho hồ tiêu như 19-9-19 TE hoặc NPK 16-8-16 TE; 17-7-17 TE; Đầu Trâu Chắc hạt 16-6-19 TE... bón 2 - 3 lần trong suốt thời kỳ nuôi quả, mỗi lần bón từ 200-250g/trụ.
- Phun thêm phân bón lá giúp vườn tiêu nhanh chóng phục hồi, phun 2 - 3 lần trong mùa mưa. Đầu mùa mưa sử dụng loại Đầu Trâu MK 30-10-5. Giai đoạn nuôi trái sử dụng Đầu Trâu MK 901 để giúp trái lớn nhanh và giảm rụng gié.
Việc phòng trừ sâu bệnh hại nguy hiểm trên cây hồ tiêu được khuyến cáo theo hướng áp dụng các biện pháp canh tác hợp lý, bón phân hợp lý, khuyến khích sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ hơn là dùng thuốc hóa học. Thuốc hóa học không đươc khuyến cáo sử dụng định kỳ trên toàn vườn tiêu mà chỉ sử dụng khi cần thiết.
Việc thường xuyên sử dụng thuốc hóa học, nhất là các loại thuốc được đưa vào đất để phòng trừ tuyến trùng, rệp sáp, nấm bệnh gây hại bộ rễ tiêu có thể tiêu diệt luôn các loại vi sinh vật hữu ích trong vườn tiêu, làm mất cân bằng hệ vi sinh vật trên đồng ruộng, do vậy không tạo được điều kiện thuận lợi cho rễ cây hồ tiêu phát triển tốt.
Để phòng trừ các dịch hại nguy hiểm như bệnh chết nhanh, chết chậm, rệp sáp hại rễ hồ tiêu, trong mùa mưa cần rong tỉa cây trụ sống cho vườn tiêu được thông thoáng. Vườn tiêu phải thoát nước tốt trong mùa mưa, không để nước đọng trong gốc tiêu.
Sử dụng các chế phẩm sinh học có vi sinh vật đối kháng như Trichoderma, Pseudomonas, Paecilomyces, Metarhizum….. 2 - 3 lần trong mùa mưa. Thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu bệnh và phòng trị kịp thời bằng thuốc hóa học theo nguyên tắc bốn đúng.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ