Chăn Nuôi Vịt An Toàn Sinh Học Hạn Chế Dịch Bệnh
Thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi vịt ở huyện Đông Hòa (Phú Yên) đã thực hiện mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học (ATSH) nhằm hạn chế dịch bệnh, cung ứng nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng. Mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực.
CHO LÃI CAO, ÍT DỊCH BỆNH
Theo Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, tổng đàn vịt của huyện hiện có khoảng 480.000 con, trong đó có hơn 200.000 con vịt đẻ trứng, đây là đàn vịt được nuôi duy trì suốt năm. Các nơi có nghề nuôi vịt khá tập trung là xã Hòa Xuân Đông, thị trấn Hòa Vinh… Nghề nuôi vịt đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân của địa phương. Tuy nhiên, vì người nuôi vịt có tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi chạy đồng, ít chú trọng đến công tác tiêm phòng và phòng ngừa dịch bệnh nên nghề chăn nuôi vịt đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm có thể lây sang người. Trước thực trạng này, nhiều ngành chức năng đã quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi vịt địa phương những biện pháp chăn nuôi hiệu quả, an toàn. Trong đó, nuôi vịt ATSH là mô hình được nhiều người dân tin tưởng và lựa chọn.
Tháng 4/2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã triển khai mô hình điểm nuôi vịt sinh sản ATSH tại xã Hòa Xuân Đông (Đông Hòa). Qua đó, người dân được tuyên truyền, hướng dẫn để thay đổi thói quen chăn nuôi, hướng đến hình thức chăn nuôi bán công nghiệp với mô hình ATSH, cung cấp cho thị trường nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh.
Ông Đặng Văn Chức ở thôn Bàn Thạch (xã Hòa Xuân Đông), một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: “Trước đây, chúng tôi thường nuôi vịt theo kiểu chạy đồng, ít quan tâm đến vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi, vệ sinh môi trường nên đàn vịt thường bị dịch bệnh. Đồng thời, việc áp dụng kỹ thuật chăm sóc chưa đúng, cho vịt ăn thất thường nên thời điểm bước vào sinh sản không đồng đều, tỉ lệ trứng thấp. Từ khi tham gia mô hình, được cán bộ hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cách phòng dịch, vệ sinh môi trường, đàn vịt có tỉ lệ sinh sản đạt hơn 85%, tỉ lệ cho trứng khoảng 90%, trứng to, trọng lượng vịt tăng… vượt trội so với cách nuôi trước đây nên lợi nhuận thu được cũng tăng cao. Bình quân mỗi tháng thu nhập khoảng 8 triệu đồng/1.000 con vịt sinh sản, nguồn thu nhập này sẽ tăng thêm nếu số lượng nuôi nhiều hơn”. Còn ông Trần Hoa ở thôn Phú Khê 1 (xã Hòa Xuân Đông) cho hay: Mặt nổi trội nhất của mô hình nuôi vịt ATSH là dịch bệnh được hạn chế đáng kể. Trong gần 2 năm nuôi vịt theo mô hình này, đàn vịt không hề bị nhiễm bệnh gì. Theo ông Hoa, khi nuôi theo mô hình ATSH, ngay từ đầu vào đàn vịt đã được chọn giống tốt, cộng với việc không cho chạy đồng, thực hiện đầy đủ việc tiêm vắc xin phòng bệnh, xử lý chất thải nên dịch bệnh được hạn chế, rủi ro cũng giảm hẳn.
NHÂN RỘNG MÔ HÌNH
Nhận thấy hiệu quả mà mô hình nuôi vịt ATSH mang lại, nhiều hộ chăn nuôi vịt trên địa bàn và những địa phương khác đã học tập, làm theo. Ông Chức cho biết: Thời gian qua, có nhiều hộ chăn nuôi vịt đến tham quan và học hỏi. Sau khi được gia đình hướng dẫn, nhận thấy hiệu quả nên nhiều người đã đăng ký mua giống về nuôi. Đến nay, tôi đã cung cấp cho thị trường khoảng 30.000 con giống Khaki Campbell từ mô hình cho người chăn nuôi. Trong đó, 7.000 con được cung ứng cho các hộ nuôi trên địa bàn huyện, hiện vẫn còn nhiều hộ tiếp tục đặt mua giống để nuôi theo mô hình này. Ông Nguyễn Tín ở xã Hòa Xuân Đông cho hay: Qua tham quan, học tập, nhận thấy hiệu quả và những lợi ích thiết thực từ mô hình mang lại, trong vụ tới tôi sẽ chuyển sang đầu tư nuôi vịt theo mô hình ATSH nhằm hạn chế dịch bệnh và cung ứng nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Theo ông Phan Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Đông, từ những mô hình điểm chăn nuôi vịt ATSH được triển khai trên địa bàn, đến nay nhiều hộ nuôi vịt của địa phương đã tiếp cận được quy trình nuôi này. Nhận thấy những hiệu quả tích cực mà mô hình mang lại nên nhiều hộ chăn nuôi đã thay đổi được thói quen, giảm hẳn tình trạng nuôi vịt chạy đồng. Ông Nguyễn Thành, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết: Với những kết quả đạt được từ mô hình điểm ở huyện Đông Hòa, trung tâm đang tiếp tục triển khai mô hình này ở huyện Phú Hòa với mục đích đưa đến cho người dân những mô hình chăn nuôi bền vững, hiệu quả, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro và bảo vệ môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ