Mô hình kinh tế Chặt Cao Su Rồi Trồng Cây Gì?

Chặt Cao Su Rồi Trồng Cây Gì?

Ngày đăng 04/11/2014

Giá mủ cao su đầu mùa khai thác nằm ở mức 30 triệu đồng/tấn khiến nhiều người có diện tích cao su lớn bỏ cạo để dưỡng cây, chờ giá nhích lên tí đỉnh rồi cạo. Bởi nếu cạo với giá mủ thấp nhưng phải thuê nhân công làm trọn gói từ a tới z sẽ không lời đồng nào, trong khi đó chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngày càng leo thang.

Nhiều người trồng cao su hy vọng giá mủ cao su sẽ lên vào giữa năm như mọi khi hoặc chậm thì sẽ vào những tháng cuối năm khi nhu cầu mủ thị trường thế giới tăng giá sẽ tăng. Tuy nhiên, giá cao su sau đó liên tục giảm. Thường thì khi giá nằm 30 triệu đồng/tấn mủ, nhiều thương lái và người trồng cao su cho rằng giá như vậy là đã “sát đáy”.

Vậy mà giá mủ càng ngày càng rớt thê thảm, có lúc chỉ 20 triệu đồng/tấn mủ. Còn bây giờ đã là cuối tháng 10, tức là vào những tháng này mấy năm trước giá mủ cao su tăng, nhưng năm nay chỉ ở mức 21 - 22 triệu đồng/tấn mủ. Vì vậy dân trồng cao su “méo mặt” bảo nhau vậy là giá cao su không có… “đáy”.

Giá mủ xuống thấp, những hộ, doanh nghiệp trồng với diện tích nhiều bỏ cạo để dưỡng cây đã đành nhưng với những hộ vay tiền ngân hàng để đầu tư vào cao su thì như “ngồi trên đống lửa”. Dù lãi suất hiện nay đã giảm khá mạnh nhưng bỏ cạo mủ cao su nghĩa là không có thu nhập để trả lãi ngân hàng.

Mặt khác, có hộ đang đến kỳ hạn trả nợ gốc ngân hàng nên đành bấm bụng sang nhượng lại vườn cao su với giá rẻ. Tuy nhiên, khi cao su đang ở thời “đỉnh” thì nhiều người tranh giành nhau trồng, tranh giành nhau mua. Còn bây giờ, nhiều diện tích cao su rao bán nhưng vẫn… “ế như chợ chiều”.

Không sang nhượng được vườn thì hạ cây cao su bán gỗ. Với những hộ có cao su đã lớn tuổi, cây tốt thì còn bán được giá cao, còn những hộ cao su chỉ hơn 10 năm tuổi mà phải hạ bán đối với người làm vườn “đau như muối xát vào vết thương”… Anh Trương ở Lạc Tánh (Tánh Linh) vừa hạ 5 ha cao su bán mà tiếc như người mất hồn.

“Mình phải bấm bụng hạ cao su bán để trả tiền gốc cho ngân hàng”. Cao su già họ mua 400.000 đồng/cây, mỗi ha khoảng 500 cây bán cũng được 200 triệu đồng. Cao su mình “chưa đủ độ tuổi già” nên bị ép giá còn được 2 phần. Vậy mà cũng phải dứt ruột hạ bán chứ lấy tiền đâu trả ngân hàng”, anh Trương tâm sự.

Hạ cây cao su bán thì còn dễ nhưng trồng cây gì để có hiệu quả kinh tế mới là khó. Bài toán thị trường, đầu ra cho sản phẩm nông, lâm nghiệp hồi giờ vẫn bấp bênh khiến người dân lúng túng khi muốn chuyển đổi cây trồng.

Anh Trương đang định trồng keo lá tràm vì thị trường đang “sốt”, cỡ nào cũng có thương lái đến hỏi mua. Tuy nhiên, anh vẫn lo lắng bởi bây giờ trồng, 5 năm sau khai thác liệu có còn giá tốt hay lại như mủ cao su. Mới đây, Hiệp hội Cao su Việt Nam dự báo 2 năm nữa sức tiêu thụ mủ cao su mới nhích lên về giá và sản lượng.

Nhiều hộ, doanh nghiệp vững tài chính có thể dưỡng cây “trụ” được. Nhưng nhiều hộ, doanh nghiệp không mạnh tiềm lực kinh tế thì việc chặt cây cao su bán mỗi ngày càng gần hơn… Chặt cao su, trồng lại cây gì, người dân phải thực sự suy tính kỹ càng…


Có thể bạn quan tâm

tuoi-mia-tiet-kiem-nuoc Tưới Mía Tiết Kiệm Nước nhu-cau-chuyen-doi-giong-lua-chat-luong-cao-khang-duoc-sau-benh-cua-nong-dan Nhu Cầu Chuyển Đổi Giống…