Mô hình kinh tế Nhu Cầu Chuyển Đổi Giống Lúa Chất Lượng Cao Kháng Được Sâu Bệnh Của Nông Dân

Nhu Cầu Chuyển Đổi Giống Lúa Chất Lượng Cao Kháng Được Sâu Bệnh Của Nông Dân

Ngày đăng 04/11/2014

Nông dân Sóc Trăng đã xuống giống gần 70.000 ha lúa Đông Xuân 2014 - 2015, chủ yếu là các giống lúa chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường, đặc biệt các dòng lúa thơm được sử dụng nhiều trong vụ này;

Tuy nhiên dù là vụ có điều kiện sản xuất thuận lợi, nhưng với thời tiết diễn biến phức tạp, thì nhà nông vẫn rất cần các giống lúa vừa cho năng suất chất lượng cao, vừa có khả năng kháng được sâu bệnh và điều kiện bất lợi.

Ông Lê Văn Tần ở xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề cho biết với 9 công ruộng tầm lớn, vụ hè thu vừa rồi ông sử dụng giống OM 4900, năng suất 700 - 800kg lúa tươi/ha.

Năng suất vụ hè thu thường không cao vì thời tiết không thuận lợi, nhưng giá cả ổn định nên nông dân có thu nhập cao. Tuy nhiên dịch bệnh gây hại nhiều, nếu như các năm trước, vụ này chi phí đầu tư cho 1 công tầm lớn khoảng 1,7 triệu đến 1,8 triệu đồng thì năm nay tăng cao hơn.

Tuy ngành nông nghiệp tỉnh không khuyến cáo sử dụng các giống lúa phẩm cấp thấp như IR 50404, PC10, OM 576… nhưng theo nhiều nông dân mức độ nhiễm sâu bệnh của các giống này rất thấp, ít tốn chi phí phòng trừ, giá lúa tươi chỉ thua các giống lúa thơm nhẹ khoảng 250 – 300 đồng/kg, nhưng bù lại năng suất lúa khá cao.

Theo Chi Cục bảo vệ thực vật Sóc Trăng, năm 2014 một số đối tượng dịch hại gia tăng như bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, nhện gié, rầy nâu sâu cuốn lá, nhưng nhờ nông dân quản lý tốt nên hạn chế khả năng gây hại, bảo vệ được năng suất và sản lượng lúa của vùng.

Tuy nhiên sự bộc phát và thay đổi đặc tính của nhiều loại dịch hại vẫn luôn là mối quan tâm. Hơn nữa do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nhu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa và chuyển đổi cơ cấu sản xuất nên đất lúa sẽ giảm diện tích. Do đó nhu cầu giống lúa mới là một trong những giải pháp cần thiết để phát triển sản xuất ổn định, bền vững.

Theo đó, tiêu chí lựa chọn giống lúa sản xuất của nông dân không chỉ là năng suất chất lượng cao, mà còn là khả năng kháng được một số dịch bệnh và chống chịu được môi trường bất lợi như phèn, mặn, ngộ độc hữu cơ… Các giống lúa chất lượng thấp tuy nhiễm sâu bệnh ít hơn nhưng thị trường tiêu thụ rất khó, giá thấp.

Ngày nay, khi việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ cao và các kỹ thuật chăm sóc đồng ruộng khoa học được hầu hết nông dân thuần thục, thì việc sản xuất các giống lúa chất lượng cao đã không là khó khăn với nông dân. Ngược lại chất lượng là tiêu chí bắt buộc để nông dân có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường. Do đó nhà nông Sóc Trăng ưu ái chọn sản xuất các giống lúa thơm, lúa đặc sản, các diện tích còn lại thì hơn 80% là sản xuất các giống lúa như OM 6976, OM 4900, OM 5451, OM 7347 .

Tính riêng huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, trong hơn 22.600 ha lúa Đông Xuân, đã có trên 85% sản xuất các giống lúa thơm, riêng cánh đồng lớn ở xã Viên Bình thì toàn bộ 2.200 ha đã sử dụng giống ST5. Theo ông Kim Rong - nông dân ở đây cho biết: lúa ST5 cho gạo thơm, mềm, chống chịu sâu bệnh khá tốt. Năng suất bình quân trên 8 tấn/ha, giá bán cao hơn lúa thường từ 2.000 đến 2.500 đồng/kg, nên thu nhập cũng cao hơn lúa thường từ 6 - 8 triệu đồng/ha .

Như vậy, chi phí đầu vào và lợi nhuận của nông dân phụ thuộc rất nhiều vào việc chọn giống lúa để sản xuất, việc có những giống lúa chất lượng cao kháng sâu bệnh là điều mà nông dân trông đợi. Ngày nay, các nhà khoa học đã đưa thêm tiêu chí kháng sâu bệnh vào quá trình chọn tạo giống lúa mới, để đảm bảo nhu cầu chuyển đổi giống lúa cho nông dân.


Có thể bạn quan tâm

chat-cao-su-roi-trong-cay-gi Chặt Cao Su Rồi Trồng… nong-dan-dak-lak-dau-dau-vi-nan-trom-cap-ca-phe Nông Dân Đắk Lắk "Đau…