Tin thủy sản Chủ động quản lý môi trường và phòng, chống bệnh cho tôm nuôi mùa nắng nóng

Chủ động quản lý môi trường và phòng, chống bệnh cho tôm nuôi mùa nắng nóng

Tác giả Hà Phương, ngày đăng 22/05/2018

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh diễn biến thời tiết đang có nhiều bất lợi, nhiệt độ tăng cao trong ngày và thường xuyên xuất hiện những con mưa giông trên diện rộng vào chiều tối. Điều này làm môi trường ao nuôi tôm thay đổi đột ngột, tôm nuôi yếu, kém ăn, giảm sức đề kháng và dễ nhiễm bệnh.

Hệ thống sục khí được vận hành đảm bảo cho tôm sinh trưởng và phát triển ở Kim Sơn. Ảnh: Trường Giang 

Để hạn chế rủi ro thiệt hại, đặc biệt là phòng, chống hiệu quả dịch bệnh cho tôm nuôi, Sở Nông nghiệp&PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với UBND huyện Kim Sơn, các xã vùng ven biển triển khai các giải pháp tăng cường quản lý môi trường, hướng dẫn chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho con tôm.

Năm nào cũng vậy, những cơn mưa đầu mùa luôn làm cho người nuôi tôm trên địa bàn huyện Kim Sơn lo lắng. Ông Ninh Văn Cường, xóm 6, xã Kim Đông chia sẻ: Hơn 1 tuần qua, ban ngày trời nắng nóng, có hôm nhiệt lên tới 36-37 độ, tối đến lại xuất hiện những cơn mưa giông nhiệt giảm xuống còn 25 độ, chênh nhau cả chục độ, gây sốc làm tôm nuôi yếu. 

Mặc dù, tôi đã thực hiện một số biện pháp như tăng lượng nước trong ao, thường xuyên bổ sung vitamin và khoáng chất cho tôm nhưng đã phát hiện 1 ao có tình trạng nước đục, tôm chết rải rác. Tôi thấy, nếu còn tiếp tục nắng mưa xen kẽ kiểu này thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên tôm là rất cao.

Anh Nguyễn Văn Trung, Giám đốc HTX Thủy sản Kim Đông cho biết: Vụ này, bà con trong vùng tập trung thả giống từ ngày 3/3 và đến nay đã cơ bản kết thúc quá trình này. Toàn xã thả được 52 triệu con tôm giống, trong đó có 20 triệu tôm sú và 32 triệu con tôm thẻ chân trắng. 

Ngoài ra, còn có 1 triệu con cua và một số cá nước lợ khác. Nhìn chung thời tiết từ đầu vụ đến nay khá ổn định, tôm cua sinh trưởng phát triển tốt hơn cùng thời điểm năm ngoái. Tuy nhiên từ ngày 2/5 đến nay, trên địa bàn đã ghi nhận một số hộ nuôi có tình trạng tôm chết với biểu hiện tôm bị hồng thân, cong thân và một số thì không rõ nguyên nhân. 

Hiện HTX đã cử cán bộ đến kiểm tra, thống kê đồng thời yêu cầu các hộ này phải tiến hành khử trùng nước, xử lý triệt để mầm bệnh xong mới được xả nước ra ngoài môi trường, tránh lây lan bệnh ra vùng nuôi.

Đến thời điểm này, diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện Kim Sơn đạt khoảng 2.115 nghìn ha, trong đó, diện tích nuôi tôm sú quảng canh là 1.985 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh là 130 ha. Số lượng giống đã thả là 150 triệu con, trong đó tôm sú 56 triệu còn lại tôm thẻ chân trắng. 

Tuy nhiên, từ đầu tháng 5, trên địa bàn đã ghi nhận tình trạng nắng nóng cục bộ, nhiệt độ môi trường nước tăng cao, có thời điểm vượt ngưỡng thích hợp cho tôm sinh trưởng phát triển. Bên cạnh đó những cơn mưa giông đầu mùa cũng làm nhiệt độ, độ mặn, pH của nước ao biến động lớn và đột ngột, các loại khí độc xuất hiện và tăng cao, nước ao nuôi bị phân tầng... Tại một số ao nuôi đã xảy ra hiện tượng tôm bị sốc môi trường, chết rải rác.

Theo Trạm Thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh (Chi cục Thủy sản), Trạm vừa thu một số mẫu nước tại các vùng nuôi thủy sản trên địa bàn để kiểm tra. Kết quả cho thấy chất lượng môi trường nước thời gian này đang có sự biến động mạnh, hàm lượng ôxy rất thấp, đã phát hiện một số mẫu nước có hàm lượng khí độc vượt ngưỡng chịu đựng của con nuôi thủy sản.

Kỹ sư Phạm Văn Thùy, Phó Trạm trưởng Trạm Thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh khuyến cáo: Nhiệt độ là yếu tố quan trọng tác động lên sinh lý phát triển của tôm. Khi nắng to, nhiệt độ nước tăng nhanh lúc này cường độ trao đổi chất trong tôm tăng, tôm ăn mạnh, đi kèm là chất thải nhiều, dễ gây ô nhiễm môi trường nước, gây thiếu ô xy, vi khuẩn phát triển mạnh, tôm hay mắc các bệnh như phân trắng, hoại tử gan tụy… 

Để tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ phát sinh bệnh cho tôm nuôi bà con cần tăng cường quản lý ao nuôi, thực hiện một số biện pháp kỹ thuật sau: Thực hiện tốt công tác xây dựng cải tạo ao nuôi, bố trí hệ thống quạt nước, sục khí hợp lý. 

Bên cạnh đó cũng cần để một phần diện tích khu nuôi để xây dựng ao lắng, xử lý nước. Trong quá trình nuôi giữ mực nước ao ổn định (1,3-1,5m). Khi trời nóng kéo dài có thể dùng lưới, bạt để che một phần ao, tránh nhiệt độ nước trong ao tăng quá cao. 

Về chế độ chăm sóc, cần cho tôm ăn đầy đủ, thức ăn đảm bảo chất lượng, phù hợp với khả năng sử dụng của tôm, quản lý chặt chẽ lượng thức ăn sử dụng, định kỳ bổ sung vitamin và khoáng chất cho tôm, thao tác đánh bắt, kiểm tra tôm nhẹ nhàng, các dụng cụ nuôi cần được khử trùng tránh lây lan mầm bệnh. 

Luôn giữ môi trường ao nuôi ổn định, duy trì chế độ quạt nước hợp lý, cung cấp đủ oxy cho tôm nuôi; khi có các cơn mưa lớn kéo dài, độ mặn có sự phân tầng, cần phải thay nước tầng mặt và lấy nước tầng đáy để ổn định độ mặn…Khi ao nuôi có dấu hiệu bị bệnh cần báo cho thú y địa phương, cơ quan chuyên môn phối hợp để theo dõi, kiểm tra, lấy mẫu, xác định nguyên nhân tôm chết, kiểm tra các yếu tố môi trường nuôi. 

Đặc biệt, những ao tôm bị bệnh cần khử trùng nước, tiêu diệt mầm bệnh triệt để trước khi thải nước ra ngoài, tránh lây lan bệnh ra vùng nuôi. Bên cạnh đó, bà con cũng lưu ý, khi tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm nên thu hoạch ngay, tránh những sự cố bất lợi và dịch bệnh có thể xảy ra.

Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT đề nghị các xã ven biển cần điều tra, nắm chắc tình hình sản xuất trên địa bàn, thống kê rõ số hộ nuôi, thời gian thả giống, số lượng giống và nguồn gốc lấy giống. Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ những ao tôm bị chết, bệnh, yêu cầu chủ ao phải có trách nhiệm xử lý triệt để mầm bệnh trước khi xả nước ra môi trường. Song song với đó, quản lý tốt rác thải, nước thải sinh hoạt trong dân; di chuyển các hộ chăn nuôi (gà, vịt, lợn…) quy mô lớn ra khỏi vùng nuôi, tránh ảnh hưởng đến môi trường nước vùng nuôi. 

Hiện nay, Chi cục đang tiếp tục triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh nuôi trồng trên địa bàn, thường xuyên lấy mẫu quan trắc cảnh báo môi trường, theo dõi chặt chẽ các vùng nuôi để nắm tình hình. Nếu gặp bất trắc trong quá trình nuôi như: dịch bệnh, thời tiết..., ngành chức năng sẽ có hướng dẫn kịp thời cho người nuôi.


Có thể bạn quan tâm

lan-dau-tien-nuoi-thu-tu-hai-ngu-dan-hai-ha-thang-lon Lần đầu tiên nuôi thử… ky-sinh-trung-gay-chuyen-gioi-o-tom-va-giap-xac Ký sinh trùng gây chuyển…