Tin thủy sản Lần đầu tiên nuôi thử tu hài, ngư dân Hải Hà thắng lớn

Lần đầu tiên nuôi thử tu hài, ngư dân Hải Hà thắng lớn

Tác giả Thái Hà (Trung tâm TT&VH Hải Hà), ngày đăng 22/05/2018

Với chiều dài bờ biển khoảng 35km, thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi trồng các loại thủy hải sản, những năm qua, đã có nhiều mô hình nuôi trồng hải sản ở Hải Hà mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng nuôi tu hài thì mới đây tại xã đảo Cái Chiên, các hộ sản xuất kinh doanh mới mạnh dạn đầu tư và cho năng suất cao.

Không khí thu hoạch tu hài thương phẩm của các hộ dân tại xã đảo Cái Chiên 

Ngồi 15 phút trên chuyến tàu cao tốc được cảm nhận không khí trong lành, hơi mặn nồng của gió biển chúng tôi đã có mặt tại thôn Cái Chiên, xã đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà. Chứng kiến không khí náo nhiệt của các hộ nuôi trồng hải sản đang nhanh tay thu hoạch vụ tu hài thương phẩm đầu tiên trên xã đảo, chúng tôi không khỏi phấn chấn. 

Đón tiếp chúng tôi là anh Phạm Văn Tài, trưởng nhóm tham gia thực hiện mô hình này. Nhìn gương mặt rạng ngời niềm vui trong mùa thu hoạch, anh Tài hăng say chia sẻ: "Sau nhiều lần đi thăm quan và học tập các mô hình nuôi hải sản của các địa phương trong tỉnh, qua khảo sát mặt nước, khí hậu và điều kiện địa hình, tháng 6 năm 2017 gia đình tôi cùng 3 hộ gia đình sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã đã mạnh dạn đầu tư trên 800 triệu đồng để thực hiện mô hình nuôi tu hài thương phẩm trên diện tích mặt nước 10.000m2 tại phía Đông Bắc của xã Cái Chiên, sau 1 năm nuôi trồng thì hiện nay gia đình đang tiến hành thu hoạch và ước tính sẽ cho hiệu quả kinh tế khá cao và vụ sau thì chi phí sẽ giảm hơn vì tận dụng được số lồng đã nuôi từ vụ trước. Nhưng khó khăn lớn nhất của mô hình là tại địa phương không có loại cát dành cho loại nhuyễn thể này, giống phải nhập từ Nha Trang về và đang nuôi theo hình thức quảng canh”.

Được biết mô hình nuôi thí điểm đầu tiên tu hài thương phẩm của nhóm hộ gia đình anh Phạm Văn Tài ở xã Cái Chiên là mô hình nuôi quảng canh trên diện tích mặt nước là 10.000m2, con giống được nhập từ Viện nghiên cứu phát triển con giống hải sản Nha Trang và được hướng dẫn kỹ thuật nuôi ươm con giống sau 1 tháng mới chuyển sang lồng nuôi theo tỷ lệ 55 con/1 lồng, tổng số lồng nuôi là 10.000 lồng.

Cầm con tu hài trên tay, anh Trần Văn Tặng người tham gia thực hiện mô hình hồ hởi nói “Chúng tôi phải vào tận huyện Vân Đồn tham quan và học tập kinh nghiệm cũng như quy trình, kỹ thuật nuôi của các hộ dân có dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực này và phải tìm hiểu khá chi tiết về loài nhuyễn thể này bởi tu hài là nhuyễn thể hai mảnh vỏ, sống vùi mình dưới lớp cát dày từ 35 – 40cm trở lên và phải là loại cát không pha bùn, để thực hiện mô hình này chúng tôi phải lấy cát từ Vân Đồn về nhằm đảm bảo cho tu hài sinh trưởng, phát triển tốt".

Thức ăn của tu hài là các loài tảo, phù du sinh vật có trong nước biển, để tạo nguồn thức ăn, chúng tôi đã cấy các loại tảo nhằm tạo môi trường tự nhiên cho tu hài, nuôi Tu hài không phải cho ăn nên hiệu quả kinh tế cao. Điều đặc biệt là quá trình hút nước, lọc thức ăn rồi phun nước ra ngoài của tu hài có tác dụng làm sạch môi trường nước biển”.  

Tu hài sinh trưởng phát triển tốt, số lượng con to đồng đều cho hiệu quả cao 

Để thực hiện mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, trong quá trình nuôi các chủ hộ đã tìm hiểu để tránh dịch bệnh nội ký sinh trùng Perkinsus, đảm bảo vùng nuôi kín gió, giàu phù du sinh vật, nước biển trong sạch không bị ô nhiễm, nước lưu thông tốt. Mặc dù là mô hình nuôi thí điểm đầu tiên nhưng với sự chịu khó tìm hiểu và dày công chăm sóc, sau 1 năm nuôi trồng tỷ lệ sống đạt trên 80%, tổng sản lượng thu hoạch ước đạt 15 tấn, theo tính toán thì tỷ lệ mỗi lồng nuôi đạt từ 1,4 - 1,6kg tu hài thương phẩm với giá bán buôn từ 185.000đ – 200.000đ/kg và bán lẻ thị trường là 270.000đ/kg trừ mọi chứ phí cho lãi xuất hàng tỷ đồng.

Đây là hướng đi mới, bước đầu đem lại hiểu quả kinh tế cao cho ngư dân nuôi trồng ở Hải Hà. Tuy nhiên để mô hình này phát triển bền vững, các chủ hộ nuôi trồng mong muốn được địa phương quan tâm tạo điều kiện về diện tích mặt nước biển để các hộ yên tâm đầu tư sản xuất, góp phần phát triển hơn nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.


Có thể bạn quan tâm

ky-thuat-nuoi-luon-thuong-pham-khong-bun Kỹ thuật nuôi lươn thương… chu-dong-quan-ly-moi-truong-va-phong-chong-benh-cho-tom-nuoi-mua-nang-nong Chủ động quản lý môi…