Chủ Động Ứng Phó Lụt Bão
Trước khi mùa mưa bão năm nay bắt đầu, huyện Châu Thành A đã chủ động xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân, cùng cơ sở vật chất nhà nước.
Tính mạng là chính
Trên cơ sở đó, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT-TKCN) huyện Châu Thành A đã yêu cầu các phòng, ban ngành, đoàn thể cùng các xã, thị trấn trên địa bàn phải hết sức đề cao cảnh giác với thiên tai nói chung, giông lốc nói riêng để chủ động xây dựng phương án ứng phó, tránh để thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chằng chống nhà cửa, phát quang cây xung quanh nhà và gần đường dây điện. Đồng thời, khuyến cáo người dân tìm nơi trú ẩn an toàn, tuyệt đối không đi ra đường khi có giông to, gió lớn.
Di dời dân cư, nhất là người già yếu, trẻ em đến nơi an toàn theo phương châm “phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”. Ông Phan Thanh Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gòi, khẳng định: “Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác ứng phó, giảm nhẹ thiên tai của thị trấn là ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân”.
Vì vậy, trước khi mùa mưa bão bắt đầu, Rạch Gòi đã chủ động liên hệ với các chủ phương tiện tàu, ghe có tải trọng từ 20 tấn trở lên trên địa bàn tham gia vận chuyển con người, tài sản đến nơi an toàn khi có tình huống mưa bão bất ngờ xảy ra. “Hiện mỗi ấp của thị trấn đã có từ 5-7 chiếc tàu, ghe sẵn sàng tham gia ứng phó thiên tai trong suốt mùa mưa lũ năm nay.
Bên cạnh đó, đơn vị đã chuẩn bị bố trí xong nhiều điểm giữ trẻ tập trung ở các điểm trường tại một số ấp của thị trấn”, ông Lâm thông tin.
Đến thời điểm này, huyện Châu Thành A đã kiện toàn xong BCH PCTT-TKCN các cấp và xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể trên cơ sở phát huy phương châm 4 tại chỗ, cũng như phân công cán bộ trực 24/24 để kịp thời báo cáo, ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng ban Mặt trận ấp Xáng Mới A, là người trực tiếp tham gia vào đội phòng chống thiên tai của ấp cho biết: “Khi có thông tin nhà sập, tốc mái, các thành viên trong đội sẽ khẩn trương đến hiện trường. Trước hết là tìm kiếm, cứu nạn cho người dân, rồi mới hỗ trợ dọn dẹp, gia cố lại nhà cửa đối với hộ bị ảnh hưởng”.
Bớt lo ngập úng
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A Hồ Hoàng Ưng cho rằng, chủ động ứng phó, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai được xem là nhiệm vụ trọng tâm đối với huyện trong thời điểm này. Đặc biệt là tình hình thiên tai năm nay được dự báo là diễn biến rất khó lường.
Vì thế, đơn vị đã yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân, tránh trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước dẫn đến thiệt hại về người, tài sản cho bản thân, gia đình mình.
Cho nên, ngay từ thời điểm triển khai thực hiện chiến dịch giao thông - thủy lợi mùa khô năm 2014, huyện đã thực hiện lồng ghép công tác xây dựng đường gắn với đê bao chống lũ, góp phần hạn chế tối đa thiệt hại về nhà, ruộng vườn của người dân.
Đáng kể, trong quá trình triển khai thực hiện, hầu hết các xã, thị trấn đã tích cực phát huy phương thức xã hội hóa thông qua giải pháp tuyên truyền, vận động trong dân, cùng nhà tài trợ khắp nơi đóng góp công sức, tiền của để cùng nhà nước gia cố đê bao, cống đập đề phòng ngập úng.
Nổi bật là các mô hình tôn cao bờ đê, gia cố lại cống đập, đảm bảo khép kín hoàn chỉnh trên từng khu vực sản xuất hàng chục héc-ta, với chi phí thực hiện từ vài chục đến vài trăm triệu đồng tại các ấp như 2B, xã Tân Hòa; ấp Nhơn Thọ, xã Nhơn Nghĩa A; ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn...
Ngoài ý nghĩa giảm bớt gánh nặng đầu tư cho nhà nước thì các mô hình thủy lợi được thực hiện theo phương thức xã hội hóa kể trên đã cho thấy người dân ngày càng có ý thức hơn trong công tác phòng chống lũ lụt, bảo vệ ruộng vườn cho gia đình mình.
Theo anh Huỳnh Thanh Thúy, đang canh tác trên 1ha vườn cam mật và sầu riêng ở ấp Xáng Mới A, thị trấn Rạch Gòi, phần lớn các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như cam sành, cam mật, sầu riêng đều rất “sợ” nước. Vì vậy, nhà vườn rất đồng tình với chủ trương làm đê bao chống lũ của chính quyền địa phương.
Bởi không ít người dân nơi đây đã từng đối mặt với tình cảnh “đứng ngồi không yên” trước nguy cơ vườn trái cây của gia đình bị xóa sổ trong trận lũ lịch sử 3 năm trước đây do bờ bao không đảm bảo.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ