Tin nông nghiệp Chuyển đổi sản xuất, đa canh mới nhanh làm giàu

Chuyển đổi sản xuất, đa canh mới nhanh làm giàu

Tác giả Đ.T.Chánh - Văn Vũ, ngày đăng 25/03/2022

Tham gia Dự án VnSAT, nông dân ở Giồng Riềng không chỉ chuyển đổi sản xuất lúa bền vững, mà còn đa canh lúa với rau màu, kết hợp nuôi thủy sản để làm giàu.

Nhờ tham gia dự án VnSAT, ông Dũng cũng như nhiều xã viên HTX Nông nghiệp Thành Nguyên đã áp dụng sạ thưa, giảm chi phí, cây lúa nở bụi, cho bông to hiệu quả. Ảnh: Văn Vũ.

Xóa thế độc canh cây lúa

Dọc theo con lộ bê tông nông thôn dẫn vào ấp Võ Thành Nguyên (xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang), nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất từ độc canh cây lúa sang mô hình lúa - rau màu khá hiệu quả. Nhiều hộ đã chuyển hướng sang đa canh để làm giàu ngay trên mảnh đất của mình. Thay vì sản xuất 3 vụ lúa/năm, nông dân ở đây chỉ làm vụ lúa chính đông xuân, còn lại trồng dưa hấu, bắp, cà chua, dưa leo, ớt… Những tháng mùa nước nổi thì nuôi cá ruộng, trên bờ tận dụng trồng màu.

Trên diện tích đất canh tác hơn 1 ha của gia đình, ông Đặng Văn Dũng, xã viên HTX Nông nghiệp Thành Nguyên đang canh tác vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 sắp đến ngày thu hoạch. Cùng anh Danh Kết, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của xã Ngọc Chúc ra thăm ruộng, ông Dũng gật gù đắc ý: “Nhìn dàn lúa màu vàng chanh, lá đòng to và đứng thẳng, bông lúa trĩu hạt là trúng mùa rồi. Nhờ tham gia Dự án VnSAT, nông dân ở đây đã thay đổi tập quán canh tác, sạ thưa, giảm chi phí mà lúa vẫn trúng”.

Từ khi tham gia Dự án VnSAT, ông Dũng đã chuyển sang canh tác 1 vụ lúa – 2 vụ màu. Ông chọn làm vụ lúa đông xuân vì cho hiệu quả kinh tế cao nhất, sau vụ lúa, ông tiếp tục trồng dưa hấu, rồi trồng bắp. Mùa nước nổi thì nuôi cá trên ruộng. Ngoài ra, ông còn tận dụng bờ đê quanh ruộng trồng cà chua, các loại dây leo như khổ qua, dưa leo… Theo ông Dũng, đa canh như vậy không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập, mà còn cải tạo, làm cho đất không bị suy kiệt dinh dưỡng như làm lúa liên tục.

Chỉ tay về phía con đường bê tông, ông Dũng bảo: “Dự án VnSAT đầu tư cho HTX để hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất đấy! Nó vừa là đê bảo vệ diện tích lúa, vừa là đường giao thông, vận chuyển hàng hóa, máy móc cơ giới phục vụ sản xuất lúa rất thuận tiện. Ngoài ra, Dự án VnSAT còn đầu tư trạm bơm điện công suất lớn, bơm tát chung cho HTX và rất chủ động”.

Nhờ Dự án VnSAT, nông dân ở đây ai cũng được tập huấn về kỹ thuật ‘3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” cả chục lần, giờ rất thành thạo. Ruộng chỉ gieo sạ 10 - 12 kg lúa giống/công nhưng vẫn hiệu quả. Sạ thưa vừa giảm chi phí, nhẹ phân, vừa đỡ phải phun thuốc do ít sâu bệnh. Nhờ có hạ tầng tốt, chủ động trong bơm tưới, áp dụng quy trình sản xuất lúa tiên tiến nên năng suất lúa luôn cao hơn so với ruộng ngoài vùng Dự án VnSAT.

Chuyển đổi sản xuất ở huyện nhiều xã nhất tỉnh

Giồng Riềng là huyện nhiều xã nhất tỉnh Kiên Giang, với 18 xã, 1 thị trấn, có nhiều sông ngòi, kênh rạch, tiềm năng chính là sản xuất nông nghiệp. Năm 2021, Giồng Riềng trở thành huyện nông thôn mới, với nhiều đổi thay trong tổ chức sản xuất và bộ mặt nông thôn. Khi Dự án VnSAT được triển khai, huyện Giồng Riềng có 2 xã được chọn tham gia là Ngọc Chúc và Thạnh Hưng.

Mỗi xã có 1 tổ chức nông dân tham gia thực hiện các nội dung của Dự án VnSAT, gồm HTX Nông nghiệp Thành Đạt (ấp Phạm Đình Nông, xã Thạnh Hưng) và HTX Nông nghiệp Thành Nguyên (ấp Võ Thành Nguyên, xã Ngọc Chúc). Mỗi điểm diện tích canh tác lúa tối thiểu là 500 ha, được Dự án VnSAT đầu tư hoàn thiện cơ sở hạng tầng, cống máng bơm tưới kiên cố, đường nội đồng, giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, Dự án tập huấn, nâng cao năng lực cho các tổ chức nông dân, tập huấn quy trình sản xuất lúa tiên tiến cho các xã viên…

Ngọc Chúc là xã thuần nông, với diện tích đất canh tác toàn xã 1.830 ha, nông dân chủ yếu làm lúa 2 vụ/năm, thời gian còn lại trồng rau màu, nuôi cá trên ruộng lúa… Ông Võ Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chúc phấn khởi nói: “Qua thực hiện Dự án VnSAT, nông dân được hưởng lợi rất lớn. Cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, phục vụ sản xuất hiệu quả hơn. Trong vùng triển khai Dự án tại Ngọc Chúc, được đầu tư 3 tuyến đường giao thông nông thôn, cầu bằng thép, 2 cống bơm kiên cố, trạm điện, mô tơ công suất lớn, nạo vét thủy lợi nội đồng…”

Theo ông Hoàng Anh, từ khi Dự án VnSAT được triển khai, nông dân được tập huấn, đã giúp thay đổi rất nhiều về tập quán canh tác lúa. Nông dân quan tâm lựa chọn giống lúa tốt cho sản xuất, gieo sạ thưa, chỉ 80 - 100 kg lúa giống/ha, bón phân cân đối, bơm tát tập thể… Giá thành sản xuất lúa giảm, thu nhập tăng lên. Từ đó, Dự án đã tạo được sức lan tỏa, nông dân ngoài vùng Dự án cũng học tập làm theo, tạo thành phong trào chuyển đổi sản xuất rộng lớn.

Ông Trần Ngọc Khải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Giồng Riềng cho biết, sản xuất nông nghiệp là tiềm năng và là thế mạnh của huyện. Trong đó, diện tích quy hoạch sản xuất lúa là 47.000 ha, được bố trí sả xuất lúa 3 vụ/năm hoặc 2 vụ lúa - 1 vụ rau màu, nuôi cá trên ruộng vào mùa nước nổi. Năm 2022, huyện có kế hoạch sản xuất lúa với tổng diện tích 118.400 ha, sản lượng thu hoạch 776.900 tấn, trong đó lúa chất lượng cao chiếm khoảng 94%. Cụ thể, vụ đông xuân sản xuất 46.600 ha, sản lượng 363.600 tấn, vụ hè thu 46.800 ha, sản lượng 280.800 tấn, còn lại là vụ thu đông 25.000 ha, sản lượng 132.500 tấn.

Theo ông Khải, năm 2021 trên địa bàn huyện có 10 mô hình sản xuất đa canh tổng hợp, cho hiệu quả kinh tế cao, với tổng diện tích 7.207 ha. Tiêu biểu như mô hình 2 lúa - rau màu, mô hình 2 lúa - cá - rau màu, chuyển đổi cây màu trên đất ruộng, mô hình nuôi thủy sản ao mương vườn. Các mô hình đa canh tổng hợp có thu nhập từ 102 - 235 triệu đồng/ha.

Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa được ngành chức năng thực hiện tốt, sản xuất lúa theo mô hình “1 phải, 5 giảm” với diện tích 400 ha, liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn được 1.168 ha. Sản xuất lúa theo phương pháp cấy triển khai thực hiện được hai điểm, với quy mô diện tích 53 ha ở xã Thạnh Lộc và Hòa Thuận. Liên kết hỗ trợ một phần lúa giống, vật tư, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất, giúp nông dân giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất lúa.

Các mô hình cánh đồng lớn, mô hình nhân giống lúa xác nhận, chương trình kết hợp “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” được nông dân tiếp cận và ứng dụng đạt hiệu quả. Hướng dẫn nông dân các biện pháp canh tác, quản lý sâu, bệnh hại trên cây lúa được triển khai thực hiện tốt nên năng suất và sản lượng các vụ đều đạt cao.

Huyện cũng khuyến cáo nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nhằm tìm một hướng đi mới thuận lợi và hiệu quả hơn. Sử dụng các giống chất lượng cao, tạo đầu ra thuận lợi cho các doanh nghiệp tiêu thụ lúa hàng hóa, như giống Jasmine 85, OM5451, Đài Thơm 8… Sử dụng các giống lúa chất lượng cao vừa là mục tiêu, vừa là biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất và phẩm chất gạo trong sản xuất lương thực, phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Dự án Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) được triển khai tại huyện Giồng Riềng từ năm 2017, gồm HTX Nông nghiệp Thành Đạt (xã Thạnh Hưng) và HTX Nông nghiệp Thành Nguyên (xã Ngọc Chúc), mỗi nơi 500 ha. Qua đó, Dự án đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, kiên cố hóa cống máng bơm tưới, giúp phục vụ sản xuất hiệu quả, lưu thông đi lại thuận tiện.

Dự án cũng tập huấn cho bà con xã viên về các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, giảm chi phí sản xuất, ghi chép nhật ký sản xuất… Sự dụng giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, sạ thưa từ 10 - 12 kg/công thay cho tập quán sạ dày 15 - 20 kg lúa giống/công như trước đây.

Việc giảm giống, cơ giới hóa khâu gieo sạ như cấy hoặc sạ bằng máy, đã giúp giảm chi phí đầu vào, giảm lượng phân bón, giảm chi phí quản lý dịch hại, giảm số lần phân thuốc/vụ. Từ đó, giúp bà con hạ giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng quy trình sản xuất lúa tiên tiến mà dự an VnSAT đã chuyển giao ra các HTX khác trên địa bàn.


Có thể bạn quan tâm

ba-do-cho-nong-dan-tai-canh-ca-phe 'Bà đỡ' cho nông dân… nuoi-tho-sinh-san-huong-sinh-ke-tot-cho-ba-con Nuôi thỏ sinh sản, hướng…