Tin nông nghiệp Có thể làm giàu từ nông nghiệp an toàn

Có thể làm giàu từ nông nghiệp an toàn

Tác giả Nam Giang, ngày đăng 10/05/2018

Các chuyên gia nông nghiệp cũng khẳng định: Làm nông nghiệp hoàn toàn có thể làm giàu.

Hiện nay, nông nghiệp an toàn đang là xu hướng mới được đầu tư phát triển. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, nông nghiệp an toàn đang là xu hướng mới được đầu tư phát triển, đặc biệt là các mô hình này đều được sản xuất bởi các bạn trẻ có cùng mục đích đưa kinh tế nông nghiệp đi lên, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Các chuyên gia nông nghiệp cũng khẳng định: Làm nông nghiệp hoàn toàn có thể làm giàu. Học nông nghiệp không phải chỉ đi ra ngoài đồng, mà hoàn toàn làm công nghiệp nông nghiệp. 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay Hà Nội đã xây dựng được 120 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng 15 mô hình so với cuối năm 2017.

Trong đó các địa phương có nhiều mô hình như: Mê Linh (18 mô hình), Gia Lâm (17 mô hình), Thường Tín (14 mô hình), Thanh Oai (9 mô hình), Phúc Thọ (8 mô hình), Đông Anh (8 mô hình)...

Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay tuy quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội. 

Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người/năm; trong đó một số địa phương có thu nhập cao như: Thạch Thất 52 triệu đồng/người/năm, Đông Anh 47 triệu đồng/người năm, Hoài Đức 42,5 triệu đồng/người/năm, Gia Lâm 41,2 triệu đồng/người/năm... 

Gia Lâm là một trong những huyện ứng dụng nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao của thành phố Hà Nội. Hiện nay, các diện tích cây ăn quả, hoa cây cảnh trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho giá trị thu nhập trung bình từ 250-350 triệu đồng/ha. 

Nhiều mô hình cây ăn quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thu nhập trung bình từ 300-400 triệu đồng/ha, cá biệt có những mô hình cho thu nhập cao khoảng từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ha.

UBND huyện Gia Lâm cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 dự kiến diện tích cây ăn quả hơn 2.073 ha (tăng hơn 1.042 ha). Diện tích cây ăn quả tăng mạnh tại một số xã Phù Đổng, Yên Thường, Dương Quang, Lệ Chi, Đa Tốn, Văn Đức, Đặng Xá, Kiêu Kỵ… chủ yếu chuyển từ đất trồng lúa, cây màu. 

Đặc biệt, UBND huyện cũng từng bước định hướng sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tiến tới theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nhằm nâng cao giá trị thu nhập. 

Anh Nguyễn Bá Việt ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, ngay sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp đã bắt tay vào tìm hiểu thị trường các loại thực phẩm an toàn.

Nhận thấy nhu cầu rất lớn của người dân Thủ đô với các loại sản phẩm này anh đã cùng những người bạn của mình mạnh dạn đầu tư trồng giống ổi lê Đài Loan cùng các loại rau quả khác để sản xuất theo mô hình nông nghiệp an toàn, công nghệ cao. 

Chính nhờ sự táo bạo trong cách làm đó, hiện nay hàng tháng mô hình của anh Việt cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn Hà Nội gần 20 tấn rau, quả các loại. 

Anh Nguyễn Bá Việt cho biết, hầu hết diện tích ổi ở đây được trồng trên chất đất thịt pha sét cải tạo từ các chân ruộng trũng, rất giàu vi lượng; trong đó có những vi lượng không thể thay thế, đã tạo nên hương vị thơm ngọt đặc trưng riêng cho chất lượng ổi của địa phương.

Giống ổi Đài Loan, có khả năng sinh trưởng rất khỏe, tái sinh cao, chống chịu tốt với điều kiện thời tiết bất thuận, quả to và sai, cho thu hoạch quanh năm. 

Cũng là một mô hình trồng trọt mang lại hiệu quả cao, anh Phạm Thế Việt, nông dân ở tổ dân phố Đào Nguyên, thị trấn Trâu Quỳ lại đầu tư vào mô hình trồng hoa lan trên mảnh đất hơn 400m2 thuê lại của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trâu Quỳ. 

Mô hình này theo anh Việt, mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với sản xuất lúa đơn thuần mà còn tận dụng được diện tích bởi đặc thù của giống lan có thể được trồng làm nhiều lớp. Theo tính toán, vụ cuối năm, vườn lan này có thể cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng. 

Anh Phạm Thế Việt cho biết, tháng 4/2013, anh và 9 hộ khác trong thôn được Trạm Khuyến nông huyện chọn thực hiện mô hình trồng lan thương phẩm.

Các hộ trong nhóm đã được cung cấp 4.200 cây giống, 30% lượng phân bón và được tập huấn quy trình kỹ thuật trồng lan. Nhóm của anh cũng đã đầu tư khoảng 30 triệu đồng làm nhà lưới và mua nguyên liệu phục vụ mô hình. 

Được cán bộ trạm khuyến nông huyện quan tâm giúp đỡ, cộng với nỗ lực quyết tâm cao của cả nhóm, lan Hồ điệp của nhóm anh phát triển khá; trong đó có khoảng 80% số cây nở hoa đúng dịp Tết.

Với giá bán từ 100.000 - 120.000 đồng/cây, nhóm của anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng. So với trồng nấm trước đây thì trồng lan Hồ điệp cho thu nhập cao hơn gần chục lần. 

Anh Phạm Thế Việt cho biết thêm, các hộ được thực hiện mô hình trồng lan do Trung tâm Khuyến nông thành phố đầu tư, hỗ trợ nếu chịu khó học hỏi nâng cao kỹ thuật thì trồng lan vừa nhàn, sạch sẽ, lại vừa có thu nhập cao hơn các hoài hoa khác; còn so với cấy lúa, trồng màu thì cao hơn nhiều lần. 

Chia sẻ về những thuận lợi khó khăn khi áp dụng mô hình công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, anh Phạm Thế Việt cho biết, khi bắt tay vào làm, khó khăn rất lớn.

Trong đó, khó khăn nhất là về vốn, thứ hai là nhân lực. Theo anh Việt nhân lực cho nền nông nghiệp công nghệ chất lượng cao đang thiếu và làm nông nghiệp hoàn toàn có thể làm giàu. 

Từ thực tế này cho thấy, nếu biết khai thác cũng như có hướng đi đúng đắn cùng với sự khuyến khích, hỗ trợ phù hợp, các mô hình này có thể tiếp tục được mở rộng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, phát triển xây dựng nông thôn mới.


Có thể bạn quan tâm

nong-dan-may-mo-trong-3-000-m2-tao-tren-doi-nui-tan-son Nông dân mày mò trồng… trong-hoa-loa-ken-thu-nhap-cao-o-thua-thien-hue Trồng hoa loa kèn thu…