Tin thủy sản Đại học Kiên Giang nghiên cứu thành công cá dày sinh sản nhân tạo

Đại học Kiên Giang nghiên cứu thành công cá dày sinh sản nhân tạo

Tác giả Lục Tùng, ngày đăng 16/10/2020

Sau hơn 2 năm sưu tầm, thuần dưỡng, nghiên cứu, Khoa Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Trường Đại học Kiên Giang) đã thành công trong việc cho cá dày sinh sản nhân tạo.

Cá dày con được sinh sản nhân tạo. Ảnh: LT

Tiến sĩ Nguyễn Bạch Loan – Bộ môn Khoa học vật nuôi (Khoa Nông nghiêp – Phát triển nông thôn) – Chủ  nhiệm đề tài, cho biết, hiện đàn cá con đã đạt 4cm, sức khỏe tốt, sẵn sàng đưa ra nuôi trong môi trường tự nhiên.

Được biết cá dày (hay cá dầy), có tên khoa học là Channa lucius, là 1 trong 4 loài cá nước ngọt thuộc giống cá Channa phân bố nhiều ở vùng hạ lưu  Mekong.  Thoạt nhìn, cá dày có hình dáng giống với cá lóc, nhưng ngắn, tròn hơn. Đặc biệt là hoa văn, màu sắc vảy bắt mắt hơn. Với chất lượng thịt thơm ngon, bổ dưỡng, cá dày được nhiều người chấp nhận mua với giá cao, luôn ở mức trên 100.000đ/kg...

Chính điều này đã dẫn đến nạn săn bắt ráo riết, cộng với môi trường thiên nhiên đang chịu nhiều tác động từ áp lực ô nhiễm là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm mạnh số lượng trong môi trường tự nhiên. Trong khi đó, việc nghiên cứu cho cá dày sinh sản nhân tạo, vì nhiều lý do chưa mang lại kết quả như mong đợi.

Chính vì thế, việc tiến sĩ Nguyễn Bạch Loan và cộng sự thành công trong việc cho cá dày sinh sản nhân tạo có ý nghĩa rất lớn. Bởi đó không chỉ kéo loài cá đặc sản này khỏi nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai không xa, mà còn mở ra triển vọng tích cực cho việc tạo thêm sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có giá trị thu hút du lịch. Hơn thế nữa, theo tiến sĩ Loan, nó còn góp phần cung ứng nguồn con giống thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo các nghiên cứu, cá dày có khả năng thích nghi rất tốt với môi trường khắc nghiệt. Không chỉ sống tốt ở môi trường nước có nhiệt độ dao động từ 15 - 39 độ C và ngưỡng pH đạt từ 2,7 - 10,3, cá dày còn có thể sống trong môi trường nước có độ mặn đạt ngưỡng cao khoảng 22‰ nên rất rộng đường chăn nuôi. Không chỉ  thích hợp để nuôi lồng, bè trên các nhánh sông, kênh, mương, cá dày còn có thể nuôi thả tự nhiên tại các mương trong các mô hình cây trồng, cây ăn trái.


Có thể bạn quan tâm

ung-dung-cong-nghe-trong-san-xuat-giong-ca-tram-den Ứng dụng công nghệ trong… mo-hinh-nuoi-ca-that-lat-thuong-pham-cho-thu-nhap-on-dinh Mô hình nuôi cá thát…