Mô hình kinh tế Đầu Ra Nào Cho Sản Xuất Lớn?

Đầu Ra Nào Cho Sản Xuất Lớn?

Ngày đăng 09/10/2014

Đồng Nai đang xây dựng các đề án nhằm hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đề án xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng chất lượng cao theo chuẩn quốc tế cho nhiều cây trồng chiếm diện tích lớn trên địa bàn tỉnh, như: điều, cà phê, mía...

Đến nay, một số mô hình cánh đồng lớn đã được đưa vào thực tế. Tuy nhiên, bài toán đầu ra, yếu tố quyết định cho sự thành bại trong đầu tư sản xuất vẫn là câu hỏi khó.

* Vẫn là câu hỏi khó

Ông Lý Phát Sinh, Chủ nhiệm Liên hiệp Câu lạc bộ năng suất cao Lang Minh (huyện Xuân Lộc), chia sẻ: “Các thành viên trong câu lạc bộ đã liên kết thực hiện sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích khoảng 350 hécta lúa. Chúng tôi cũng ứng dụng tốt cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất.

Tuy nhiên, vụ lúa vừa rồi nông dân vẫn lo lắng vì giá lúa quá bấp bênh. Chúng tôi rất e ngại những lợi thế trên sẽ biến thành rủi ro vì thu hoạch đồng loạt với sản lượng lớn mà không được đảm bảo về đầu ra thì khó tránh khỏi rơi vào cảnh trúng mùa rớt giá”.

Nông dân Đồng Nai rất quan tâm và ủng hộ các chương trình xây dựng cánh đồng lớn với chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ do tỉnh triển khai. Trong đó, vấn đề đầu ra cho nông sản, mức giá trần trong bao tiêu sản phẩm luôn là nội dung được quan tâm hàng đầu.

Thực tế, đa số các doanh nghiệp (DN) tham gia trong chuỗi liên kết với vai trò tiêu thụ nông sản lại chưa có lời giải cụ thể cho vấn đề này với lý giải mặt hàng nông sản luôn biến động rất bất thường.

Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, cho biết: “Huyện được chọn là điểm thực hiện nhiều mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, như: cây điều, xoài, ca cao, cà phê...

Các DN đã về địa phương triển khai dự án nhưng đa số vẫn dừng lại ở việc giới thiệu mô hình mà chưa thực hiện hợp đồng cụ thể trong vấn đề bao tiêu, đầu tư để nông dân yên tâm triển khai. Nông dân, địa phương đã sẵn sàng để thực hiện sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn, vấn đề mấu chốt hiện nay là kết nối khâu tiêu thụ”.

Theo ông Lâm Văn Nghĩa, Bí thư Huyện ủy huyện Vĩnh Cửu, địa phương có nhiều lợi thế để phát triển vùng nguyên liệu mía. “Không ai tính giỏi hơn người nông dân về hiệu quả sản xuất. Quan trọng nhất của việc liên kết giữa DN và nông dân vẫn là đầu ra cho nông sản.

Tuy vấn đề giá phải tuân theo quy luật thị trường, nhưng DN cần cam kết mức giá sàn thấp nhất; cam kết về thời điểm thu mua; cần công khai, minh bạch về vấn đề tính chữ đường…” - ông Nghĩa nói.

* Tìm lợi thế cạnh tranh

Ông Nguyễn Văn Thiết, Trưởng đại diện UTZ Certified (chương trình chứng nhận toàn cầu sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm) tại Việt Nam, nhận xét diện tích trồng trà của Việt Nam rất lớn nhưng thế giới hầu như chưa biết đến hoặc không đánh giá cao chất lượng trà Việt.

Sản xuất trà an toàn theo chuẩn toàn cầu nói riêng và cho nông sản nói chung là bước chuẩn bị quan trọng để xây dựng uy tín thương hiệu cho nông sản Việt vào thị trường quốc tế. Tuy nhiên, chi phí đầu tư vào sản xuất và để có được các chứng nhận quốc tế này là không nhỏ, DN cần có chiến lược xây dựng lộ trình thực hiện căn cứ theo nhu cầu của thị trường.

Ông Đỗ Hải, một trong những khách hàng lớn của Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An là nông dân thực hiện mô hình trồng mía với diện tích lớn, ứng dụng cơ giới hóa nên giảm được 50% chi phí đầu tư so với cách làm thủ công truyền thống, cho rằng: “Không phải cây tiêu cho giá trị cao là đổ xô vào làm mà nông dân phải căn cứ vào điều kiện đất, khí hậu... để chọn cây trồng phù hợp.

Bước vào hội nhập, việc so sánh về lợi thế cạnh tranh của cây trồng không chỉ dừng lại ở quy mô địa phương, một nước mà phải tính rộng ra toàn cầu. Cụ thể, Đài Loan đã bỏ cây mía vì nhận thấy họ không nhiều lợi thế cạnh tranh so với các vùng lãnh thổ khác”.


Có thể bạn quan tâm

thanh-lap-hop-tac-xa-ca-cao-thong-nhat Thành Lập Hợp Tác Xã… van-lam-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat Vẫn Lạm Dụng Thuốc Bảo…