Mô hình kinh tế Vẫn Lạm Dụng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật

Vẫn Lạm Dụng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật

Ngày đăng 09/10/2014

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, từ năm 2011 đến nay, hàng năm Việt Nam nhập và sử dụng từ 70-100 ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Khối lượng và chủng loại thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng tại nước ta cao gấp nhiều lần nhu cầu sử dụng cho sản xuất nông nghiệp.

Hiện Đồng Nai đang triển khai nhiều chương trình sản xuất nông nghiệp sạch, đạt chuẩn quốc tế nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.

* Vô tư xài thuốc độc

GS.Nguyễn Thơ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thực vật Việt Nam, kể: “Tôi và nhiều người đã đến tham quan các vườn trái cây đặc sản nhưng không dám ăn thử khi thấy ở đây nông dân phun quá nhiều thuốc trừ sâu, bệnh. Đâu đâu cũng diễn ra tình trạng lạm dụng thuốc diệt cỏ, loại thuốc được xếp vào hàng độc hại nhất hiện nay. Việc lạm dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học ở nước ta đã đến mức báo động”.

Quan sát cảnh phun thuốc trừ sâu tại ruộng trồng dưa hấu và các loại rau củ của một nông dân tại xã Phú Hòa (huyện Định Quán), nhiều người không khỏi e ngại trước cảnh nông dân này đi chân trần, tay không, không che khẩu trang nhưng vẫn pha chế và đi phun thuốc trừ sâu cho vườn rau quả.

Vỏ thuốc trừ sâu được vô tư vứt ngay bên mép của hồ nước tưới chung cho cả khu vực sản xuất vốn đầy chai lọ, bao bì của những loại thuốc trừ sâu đã sử dụng trước đó.

Thực tế, nhiều chủ đại lý thuốc BVTV vẫn “hồn nhiên” tư vấn cho nông dân mua sử dụng thuốc hóa học, dù thị trường không thiếu dòng sản phẩm sinh học an toàn. Các chủ đại lý chỉ tư vấn qua loa về cách sử dụng và sẵn sàng bán cho người dùng cùng lúc nhiều loại thuốc để xử lý một loại sâu, bệnh với cam đoan đạt hiệu quả ngay tức thì.

Th.S Trần Thị Phương Chi, người thực hiện mô hình trồng lúa sạch tại huyện Vĩnh Cửu, nhận xét: “Tình trạng sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc để diệt trừ sâu bệnh rất nguy hiểm vì nguy cơ tồn dư thuốc trong sản phẩm cao, tác hại đến môi trường và chính bán thân người sử dụng. Nông dân tốn chi phí hơn mà lại tăng nguy cơ dịch bệnh bùng phát do lờn thuốc”.

Theo Th.S Chi, thị trường không thiếu các dòng thuốc BVTV sinh học an toàn, hiệu quả nhưng nông dân không mấy mặn mà. Có loại thuốc sinh học sử dụng rất tốt nhưng một thời gian sau tìm mua không còn vì đại lý chê sản phẩm này ít lợi nhuận. Vấn đề đáng lo ngại là thị trường thuốc BVTV hiện do các đại lý kinh doanh thường chỉ quan tâm đến lợi nhuận thao túng. Chính vì vậy, khi có một nhãn hàng uy tín được nông dân chuộng, ngay lập tức có cả chục sản phẩm nhái na ná xuất hiện khiến người mua dễ lầm lẫn.

* Hướng đến sản xuất an toàn

Hiện nay, nông dân ngày càng quan tâm đến các mô hình sản xuất nông nghiệp tốt, bền vững. Nông dân tự ứng dụng các phương pháp phòng trừ sâu bệnh bằng các phương pháp tự nhiên, như: trồng lúa sạch theo mô hình ruộng lúa bờ hoa; trồng hoa cỏ trong vườn cây, nuôi kiến vàng để trừ sâu bệnh bằng phương pháp tự nhiên.

Ông Đoàn Văn Le, nông dân tại xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom) đã thử nghiệm hiệu quả mô hình nuôi kiến vàng để bảo vệ cây trồng thay cho thuốc BVTV. Ông Le chia sẻ: “Thức ăn của kiến là các loại sâu, bọ, côn trùng. Từ khi nuôi kiến trong vườn, tôi hầu như không sử dụng thuốc trừ sâu, vườn cây không xuất hiện sâu, bệnh, năng suất lại tăng. So với cách làm truyền thống, mỗi hécta cây trồng tôi giảm được khoảng 10 triệu đồng/năm về chi phí thuốc BVTV”.

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, việc triển khai Thông tư 14/2011 của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn về quản lý sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Tính đến cuối tháng 6-2014, chỉ có 507/1.219 cơ sở do cấp tỉnh quản lý đã được kiểm tra; cấp huyện có 1.423/5.230 cơ sở được kiểm tra.

Kết quả phân loại sau kiểm tra, tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ đạt tiêu chuẩn còn thấp, cấp tỉnh chỉ 31% trên tổng số cơ sở kiểm tra đạt loại A; cấp huyện chỉ đạt 16%. Một số lỗi vi phạm phổ biến là: không xây dựng hệ thống quản lý chất lượng cơ sở; bố trí nhà xưởng và kho chứa không đạt tiêu chuẩn; không có phiếu kiểm tra chất lượng từng lô sản phẩm trước khi xuất xưởng...

Ông Hoàng Văn Lập, một trong những nông dân đầu tiên trồng đậu phộng dại trong vườn tiêu tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), cho biết mô hình này giúp che phủ tránh xói mòn, giữ độ ẩm cho đất và tạo vi sinh vật, các loại côn trùng có lợi phát triển nhằm cải tạo đất, giảm lây lan nấm, bệnh…

“Tôi còn tự ủ phân hữu cơ, không lạm dụng phân, thuốc hóa học mà chuyển sang dùng các loại thuốc sinh học trong phòng trừ sâu bệnh. Đây là hướng sản xuất an toàn, giảm chi phí đầu tư mà năng suất cây trồng lại tăng và luôn giữ ổn định ở mức cao” - ông Lập nói.

Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và một số chứng nhận đạt chuẩn quốc tế Global GAP, 4C... với các yêu cầu, như: sản phẩm an toàn, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, đảm bảo về lao động... đã thuyết phục được nhiều nông dân của Đồng Nai làm theo.

Hiện Đồng Nai đã phát triển được cả 100 hécta cây ca cao đạt chuẩn 4C và đang triển khai mô hình trồng cà phê theo chuẩn này. Hiệu quả thực tế sản xuất cho thấy, việc hạn chế lạm dụng thuốc BVTV hóa học giúp cây trồng phát triển bền vững, an toàn và mở thêm cơ hội về thị trường xuất khẩu.


Có thể bạn quan tâm

dau-ra-nao-cho-san-xuat-lon Đầu Ra Nào Cho Sản… trien-vong-xuat-khau-thuy-san-sang-trung-dong Triển Vọng Xuất Khẩu Thủy…