Tin nông nghiệp ĐBSCL ứng dụng canh tác lúa thông minh

ĐBSCL ứng dụng canh tác lúa thông minh

Tác giả Hoàng Vũ - Minh Đảm, ngày đăng 28/07/2017

Vụ HT 2017, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông 13 tỉnh, thành ĐBSCL cùng Cty CP Phân bón Bình Điền đã tổ chức thăm đồng đánh giá kết quả các mô hình “Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu” tại ĐBSCL.

Các nhà khoa học xuống ruộng kiểm tra lúa

Đây là dịp các nhà khoa học xuống tận nhà, lội từng ruộng mô hình kiểm tra nhằm đưa ra khuyến cáo giúp nông dân giảm thiểu việc sử dụng lượng giống, tránh bón thừa phân đạm, giảm số lần phun thuốc BVTV…

Ông Trần Văn Sơn, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long cho biết mô hình đã triển khai được 4 vụ tại các huyện Mang Thít, Vũng Liêm, Trà Ôn và Tam Bình… Khuyến cáo bà con giảm lượng giống gieo sạ từ 140 - 180kg/ha xuống còn 80kg/ha. Bón phân 3 đợt, đợt 1 là 10 ngày sau sạ, đợt 2 là 18 ngày sau sạ, đợt 3 là 40 ngày sau sạ, không bón thừa phân đạm. Thời gian phun thuốc trừ sâu ăn lá là ít nhất sau 40 ngày đầu sau sạ để giảm lượng thuốc BVTV.

Thực hiện mô hình, lượng giống tiết kiệm được 100kg/ha, giảm số lần phun thuốc BVTV xuống còn 2 - 3 lần (mô hình truyền thống là 5 - 6 lần phun/vụ), giảm công chăm sóc xuống còn dưới 500.000 đồng/ha. Tiết kiệm chi phí chăm sóc cả vụ giảm xuống 2 -3 triệu đồng/ha.

Anh Lê Hữu Tấn ở ấp 7, xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình cho biết, bước đầu thấy lượng phân thuốc giảm rất nhiều so với phương thức canh tác truyền thống. Đã giảm được gần 10kg phân bón/1.000m2/vụ. Hiện lúa đã 70 ngày tuổi chỉ phun 2 lần thuốc trừ sâu. Lượng giống đã giảm xuống còn 80kg/ha, tiết kiệm được khoảng 60 - 70kg lúa giống/ha. Lúa trổ đều, bông dài, số hạt trên bông cao. 

TS Hồ Văn Chiến, nguyên GĐ Trung tâm BVTV phía Nam khuyến cáo bà con yên tâm thực hiện giảm lượng giống sạ thưa để cây lúa đẻ nhiều nhánh, không cạnh tranh dinh dưỡng và cho bông dài, nhiều hạt. Không nên phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ ngay từ 40 ngày đầu sau sạ vì thời điểm này lá vẫn còn khả năng phục hồi và nuôi dưỡng hạt lúa. Đối với dịch bệnh rầy nâu, không nên phun các loại thuốc tiêu diệt ngay mà phun thuốc chống lột xác để rầy bỏ ăn mà chết từ từ vì thuốc này không gây hại nhiều đến thiên địch. Cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng là yếu tố quan trọng để giảm lượng thuốc phun xịt và khống chế dịch bệnh.

Mô hình canh tác lúa thông minh tại Bạc Liêu

GS.TS Mai Văn Quyền, Trưởng ban cố vấn chương trình Canh tác lúa thông minh nhận định, nếu thực hiện kỹ thuật của chương trình mỗi vụ toàn vùng ĐBSCL tiết kiệm trên 100.000 tấn lúa giống, 115.500 tấn ure và thuốc BVTV… quy ra tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng, trong khi mỗi ha đều cho lợi nhuận cao hơn 4,5 triệu đồng so với canh tác lúa ngoài mô hình.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-bo-sua-kham-kha Nuôi bò sữa khấm khá du-du-xen-tieu-mang-lai-hieu-qua-kep Đu đủ xen tiêu mang…