Trồng lúa Đón đồng và nuôi hạt lúa Đông Xuân

Đón đồng và nuôi hạt lúa Đông Xuân

Tác giả QN, ngày đăng 27/03/2018

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHÍNH CỦA LÚA ĐX GIAI ĐOẠN ĐÒNG TRỖ NĂM NAY

Theo Bộ NN-PTNT trên đồng ruộng toàn quốc hiện có 1.552.275 ha lúa vụ đông xuân, trong đó riêng Nam bộ là 1.322.154 ha, chia ra giai đoạn mạ: 534.554 ha, giai đoạn đẻ nhánh: 512.186 ha, giai đoạn đòng trỗ 140.899 ha, giai đoạn chín: 124.602 ha. Như vậy từ nay đến Tết Tân Mão, việc chăm sóc lúa phần lớn đều diễn ra ở giai đoạn đòng trỗ, giai đoạn quyết định đến năng suất, chất lượng của vụ lúa chính trong năm và cũng là giai đoạn cây lúa mẫn cảm nhất với điều kiện ngoại cảnh.

Thời tiết đang có nhiều bất lợi, rét đậm rét hại ở phía Bắc và trở lạnh, có nhiều sương mù ở phía Nam. Với ĐBSCL còn có một trở ngại khác, đấy là do năm nay không có lũ lớn nên phần lớn bà con nông dân đều bón tăng lượng đạm, đầu vụ do có nhiều mưa lớn nên mật độ cây lúa không đều, nhiều chỗ thưa nhưng nhiều chỗ lại quá dày do bà con tăng lượng giống bù hao. Những yếu tố trên đã mang đến cho vụ lúa ĐX giai đoạn đón đòng và nuôi hạt có những đặc điểm chính như sau:

Đặc điểm sinh lý: Thời điểm xác định cây lúa bước vào giai đoạn này với những giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày thì có thể theo cách tính thông thường là lấy thời gian sinh trưởng của cây lúa trừ đi 50. Tuy nhiên thời điểm phân hóa đòng chính xác còn phụ thuộc vào chế độ bón phân, nếu trong 2 lần bón trước bị dư đạm (lá xanh đậm) thì sẽ chậm lại vài ngày, ngược lại nếu thiếu đạm thì sẽ sớm một vài ngày. Để xác định chính xác ngắt một cây lúa ra, tước hết lá nếu thấy đốt trên cùng xuất hiện “tim đèn” thì cây lúa đã bước vào giai đoạn đón đòng và nuôi hạt. Đây cũng là giai đoạn mà cây tự phục hồi và bù trừ ít, nhất là khi lá đòng đã mọc thì không còn khả năng bù trừ nên phát hiện sâu hại lá thì cần diệt trừ ngay.

Đặc điểm dinh dưỡng: Đây là giai đoạn cây cần nhiều dinh dưỡng và các nguyên tố vi lượng (TE) để giúp cho quá trình thụ phấn, thụ tinh được tốt, trổ thoát, trổ nhanh không nghẹn đòng. Với các nguyên tố đa lượng, cây cần 2 nguyên tố chính là đạm và kali. Với ĐBSCL lượng đạm cần thiết cho cả vụ là khoảng 90 kg N nguyên chất/ha (khoảng 200 kg Urea), chia ra bón lần 1 (7-10 ngày sau sạ) – 30%, bón lần 2 (18-20 ngày sau sạ) 40% và 30% còn lại dành cho bón đợt này. Với lúa sinh trưởng và phát triển bình thường, lá màu vàng chanh thì tỷ lệ N/K là 5/5, nếu lá xanh xanh đậm trong khung 5-6 bảng so màu lá lúa (dư N) thì 4 N/6 K, nếu lá bị vàng (khung 1-2 trong bảng so màu lá lúa) thì bón 6N/4K. Lưu ý nên bón phân vào buổi chiều mát, vì bón vào buổi sáng thì còn nhiều sương trên lá làm phân bám vào gây cháy lá.

Đặc điểm dịch hại: Điều kiện thời tiết se lạnh, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn là thuận lợi cho việc tích lũy vật chất khô, tiền đề của năng suất cao. Tuy nhiên điều kiện thời tiết trên cộng với đặc điểm sinh lý sức đề kháng thấp của cây lúa giai đoạn này cũng thuận lợi cho dịch hại tấn công. Dịch hại chính trong giai đoạn này là sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu và nấm bệnh đạo ôn.

+ Sâu cuốn lá nhỏ: Do không còn khả năng bù trừ nên khi phát hiện sâu cuốn lá nhỏ cần diệt trừ nhưng cần lưu ý là nếu dùng thuốc trừ sâu phổ rộng để trừ sâu cuốn lá nhỏ thì làm cho thiên địch bị chết và đấy là nguyên nhân tạo nên bộc phát rầy nâu. Thống kê các đợt bộc phát rầy nâu đều có liên quan tới việc sử dụng thuốc trừ sâu phổ rộng trong dịp gần với Tết Nguyên đán.

+ Rầy nâu: So với nhiều năm, diện tích bị nhiễm RN năm nay đều rất thấp kể cả diện tích lẫn mật số. Tuy nhiên cần phải hết sức cảnh giác vì tiềm năng rầy tấn công vẫn cao. Đây cũng là giai đoạn khó phòng trừ rầy. Khi phát hiện nhiễm thì phải bình tĩnh xem xét, nếu mật số rầy di trú thấp, có thiên địch thì không cần phun xịt, đợi đến khi lứa rầy cám xuất hiện thì dâng nước cao tận chảng ba để dồn rầy lên lá rồi phun xịt mới có hiệu quả cao.

+ Bệnh đạo ôn: Thống kê cho thấy toàn Nam bộ hiện có gần 50.000 ha bị nhiễm bệnh đạo ôn và rất có khả năng tăng mạnh trong tuần này vì thời tiết lạnh và độ ẩm cao. Cần sử dụng thuốc đặc trị bệnh đạo ôn.

NÊN SỬ DỤNG PHÂN CHUYÊN DÙNG

Nhiều bà con nông dân ĐBSCL cho biết họ đã tự phối trộn phân đơn theo công thức phân chuyên dùng cho lúa của Bình Điền nhưng sao không hiệu quả như bón phân chuyên dùng của Bình Điền. Thực ra phân chuyên dùng của Bình Điền ngoài các nguyên tố N, P, K được ghi trên bao bì còn nhiều nguyên tố khác mà đáng kể là silic và các nguyên tố vi lượng.

Theo các nhà khoa học, để đạt năng suất 9,3 T hạt và 8,3 T rơm rạ cho mỗi ha, cây lúa cần sử dụng 217 kg N, 309 kg kali và 69 kg lân nguyên chất. Ngoài ra cây còn sử dụng 38 kg canxi, 39 kg magie, 3 kg Miolipđen, 0,3 kg Bo, 0,4 kg kẽm. Nếu tự phối trộn thì nông dân chỉ phối trộn được các nguyên tố đa và trung lượng, còn các nguyên tố vi lượng thì rất khó vì liều lượng chỉ tính theo đơn vị phần triệu (ppm).

Phân chuyên dùng của Bình Điền đã qua 3 thế hệ chính, những năm trước năm 2000, Bình Điền có phân chuyên dùng cho lúa Đầu trâu 997, Đầu trâu 998, Đầu trâu 999. Trước năm 2008, Bình Điền nghiên cứu và đưa ra thị trường Phân chuyên dùng cho lúa + TE và hiện nay là phân chuyên dùng cho lúa Agrotain + TE. Với thế hệ mới này, chẳng những tiết kiệm được 20-25% lượng đạm mà còn được bổ sung 5% SiO2 cùng nhiều các trung vi lượng khác nên sẽ mang lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên cũng cần phải căn cứ vào thực tế mỗi ruộng mà có thể bổ sung thêm đạm hoặc kali khi sử dụng phân chuyên dùng. Ngoài ra có thể sử dụng thêm phân bón lá Đầu trâu 007, 009. Đầu trâu 007 sử dụng ngay sau khi bón phân đón đòng 1-2 ngày, Đầu trâu 009 sử dụng khi bông lúa bắt đầu cong có tác dụng thúc đẩy quá trình vào chắc làm giảm tỷ lệ hạt lép.


Có thể bạn quan tâm

ky-thuat-bon-thuc-npk-ninh-binh-cho-lua-xuan Kỹ thuật bón thúc NPK… phong-tru-sau-benh-cho-lua-xuan Phòng trừ sâu bệnh cho…