Giống mía ngoại át giống mía nội
Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI) phối hợp với Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam vừa tổ chức hội thảo "Giới thiệu giống mía mới và tiến bộ kỹ thuật trong canh tác mía”.
Giống mía VN09-108 đã được công nhận cho sản xuất thử
Nhiều giống mía mới đầy triển vọng do SRI chọn tạo, những tiến bộ kỹ thuật trong canh tác mía và cả những bức xúc về thực trạng giống mía hiện nay được phản ánh tại hội thảo.
Theo TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường, đại đa số giống mía đang được sử dụng trong sản xuất mía đường ở nước ta hiện nay là các giống nhập nội. Niên vụ 2014/2015, các giống có nguồn gốc từ Thái Lan chiếm 48,1% diện tích; Đài Loan 20,4%; Trung Quốc 13,5%; Cu Ba 8,5%; Pháp 7,4%; Ấn Độ 0,1%. Các giống mía do Việt Nam lai tạo chỉ chiếm 2,1% diện tích.
Một nhược điểm lớn khác là sử dụng quá nhiều giống mía. Trong cơ cấu giống mía toàn quốc niên vụ 2014/2015, có tới 62 giống có tên. Số lượng nhiều nhưng lại không có giống nào là chủ lực (chiếm ít nhất 30% diện tích), bởi những giống đang được trồng nhiều nhất như K95-84, Suphaburi 7, ROC 16... đều chỉ chiếm 8% diện tích cho mỗi giống. Chính vì vậy, khi thể hiện cơ cấu giống mía trên biểu đồ tròn, trông cứ như trăm hoa đua nở vậy.
So với nhiều nước sản xuất mía khác, lại càng thấy ngành mía đường Việt Nam đang sử dụng quá nhiều giống mía như thế nào. Ở Thái Lan, chỉ có 7 giống mía, trong đó giống KK3 chiếm tới 53% diện tích, giống LK92-11 chiếm 31%; Trung Quốc dùng 8 giống chính (ROC 22 chiếm 55%), Úc dùng 10 giống chính (Q208 chiếm 32%) ...
Loạn giống mía ở Việt Nam có nguyên nhân quan trọng từ việc NK giống mía từ nước ngoài trong thời gian qua quá dễ dãi và không được kiểm soát chặt chẽ. Các nhà máy đường và nông dân quá đề cao yếu tố giống mới, luôn chạy theo giống mới mà quên đi vai trò của kỹ thuật canh tác cho từng giống, cũng như chất lượng mía giống, dẫn tới việc chưa hiểu hết bản chất từng giống, nên chưa khai thác hiệu quả tiềm năng cho năng suất và chất lượng của từng giống.
Không những thế việc nhập nội các giống mía ngoại một cách dễ dãi và ồ ạt (có giai đoạn chỉ trong 3 năm đã có 4.000 tấn giống mía được nhập nội), đã mang nhiều loại sâu bệnh trên mía về Việt Nam. TS Cao Anh Đương cho biết, hiện mía ở các nước xung quanh có sâu bệnh gì, thì mía ở Việt Nam có sâu bệnh đó.
Một điều đáng lo ngại nữa là tình trạng sử dụng mía thịt làm mía giống hiện còn rất phổ biến, sử dụng giống không rõ nguồn gốc, dùng hom giống nhiễm sâu bệnh hoặc chưa qua xử lý. Hệ quả là không kiểm soát được sâu bệnh, năng suất, chất lượng suy giảm, hiệu quả kinh tế thấp... Các tiến bộ kỹ thuật cũng chưa được áp dụng nhiều trong sản xuất mía. Chẳng hạn, về cơ giới hóa, mới thực hiện được 59% khâu làm đất, 11% khâu tưới và 18% khâu chăm sóc. Những yếu tố này đều đang làm hạn chế đáng kể hiệu quả sản xuất mía.
Một số giống mới triển vọng
Công nhận giống cây trồng mới:
K95-156: Mọc mầm khỏe, đồng đều, mầm to; đẻ nhánh khá, mật độ cây cao; có khả năng chống chịu sâu đục thân, bệnh than; chịu hạn, không và ít bị đổ ngã, lưu gốc tốt, thích hợp đất đủ ẩm; năng suất cao, đủ ẩm hoặc tưới năng suất đạt trên 130 tấn/ha; chín trung bình, có hàm lượng đường cao, đạt trên 11 CCS.
Suphaburi 7: Mọc mầm tốt, đẻ nhánh mạnh; mật độ cây hữu hiệu cao; vươn lóng sớm và vươn lóng rất nhanh; chống chịu sâu đục thân, bệnh than, chịu hạn, chịu úng; lưu gốc tốt; thích nghi rộng, dễ trồng, thích hợp nhiều loại đất; năng suất cao, có tưới đạt trên 150 tấn/ha; chín trung bình, có hàm lượng đường 11-13 CCS.
Công nhận cho sản xuất thử:
KK3: Đẻ nhánh khỏe; mật độ cây hữu hiệu cao, cây chắc và nặng; chống chịu sâu đục thân; trổ cờ ít, lưu gốc tốt, chịu hạn, chịu úng, chịu mặn, ít đổ ngã; thích ứng rộng; năng suất trên 100 tấn/ha; chín trung bình sớm, hàm lượng đường 11-13 CCS.
LK92-11: Mọc mầm khỏe, đẻ nhánh mạnh, mật độ cây hữu hiệu cao; không trổ cờ, không bị đổ ngã, khả năng lưu gốc tốt; cây chắc và nặng, thích ứng rộng; năng suất trên 120 tấn/ha; chín trung bình sớm, hàm lượng đường 12-14 CCS.
VN09-108: Mọc mầm khỏe, đẻ nhánh mạnh, mật độ cây hữu hiệu cao; vươn lóng sớm, thây cây chắc, lóng dài; chống chịu sâu đục thân; lưu gốc tốt, chịu hạn tốt; năng suất có tưới đạt trên 100 tấn/ha; chín trung bình sớm, hàm lượng đường 11 - 13 CCS.
K83-29: Mọc mầm tốt, mầm to khỏe; đẻ nhánh sớm và tập trung; vươn cao khá nhanh; không hoặc bị đổ ngã nhẹ; lưu gốc tốt, trổ cờ ít; chống chịu tốt với bệnh rượu và bệnh xoắn cổ lá; chịu hạn tốt, chịu thâm canh, thích ứng với vùng đất cao; năng suất trên 120 tấn/ha, chín trung bình sớm, đạt trên 12 CCS.
QN01: Mọc mầm tốt, đồng đều, mầm to khỏe; đẻ nhánh khỏe, tập trung; mật độ cây hữu hiệu cao; không hoặc bị đổ ngã nhẹ; lưu gốc tốt, không hoặc ít trổ cờ; năng suất trên 100 tấn/ha; chín trung bình sớm, chữ đường trên 12 CCS...
Để khắc phục những hạn chế lớn nói trên, cần phải đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu, lai tạo và phát triển giống mía mới trong nước (cần hình thành quỹ nghiên cứu và phát triển mía đường từ việc trích nộp trên đầu tấn mía, nhằm đầu tư trở lại cho nghiên cứu, phát triển giống mới và công nghệ mía đường).
Ưu tiên lai tạo và sử dụng giống có hàm lượng đường cao, năng suất mía cao, lưu gốc tốt, thích ứng BĐKH. Cơ cấu lại giống mía theo vùng, mỗi vùng chỉ dùng 2 - 3 giống; thiết lập hệ thống sản xuất và cung ứng hôm mía giống chất lượng cao, sạch bệnh 3 cấp tới từng vùng mía nguyên liệu...
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ