Hàn Quốc hỗ trợ nông dân Sơn La canh tác rau quả có mái che
Nông dân Sơn La sẽ được Chính phủ Hàn Quốc thông qua FAO hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật canh tác các loại rau quả trong hệ thống có mái che.
Dự án sẽ mở ra cơ hội cho Sơn La khai thác sâu hơn tiềm năng về phát triển rau quả ôn đới, cận ôn đới, chủ động sản xuất và cung ứng rau quanh năm cho thị trường. Ảnh: TL.
Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) vừa tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai”. Dự án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) được triển khai trên địa bàn tỉnh Sơn La trong giai đoạn 2021-2024 với ngân sách dự kiến hơn 3,4 triệu USD.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), Viện Nghiên cứu Rau quả, đại diện FAO, lãnh đạo Sở NN-PTNT Sơn La và các HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La tham gia dự án...
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng về sản xuất nông nghiệp thông minh bền vững, bảo quản sau thu hoạch và tiếp cận thị trường cho các sản phẩm rau được trồng trong điều kiện nhà kính ở Việt Nam, cụ thể tại tỉnh Sơn La.
Theo Viện Nghiên cứu Rau quả, Sơn La là tỉnh có diện tích đất tự nhiên lớn thứ 5 cả nước (14.055 km2), nhiều tiểu vùng có khí hậu cận ôn đới đặc trưng, đất đai màu mỡ phì nhiêu, rất phù hợp cho phát triển các loại cây rau và cây ăn quả ôn đới.
Đây là tiềm năng vô cùng lớn để Sơn La mở rộng ứng dụng công nghệ sản xuất trong nhà lưới, nhà màng, trở thành vùng chuyên canh cây rau ôn đới có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng thị trường tiêu thụ của các thành phố lớn tại miền Bắc.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết: Dự án lần này triển khai ở Sơn La tập trung vào 3 mục tiêu chính: Tối ưu hóa hệ thống sản xuất có mái che cho các chủng loại rau khác nhau ở vùng dự án; tối ưu hóa các khâu về quy trình công nghệ bảo quản sau thu hoạch và liên kết thị trường; tăng cường năng lực quốc gia về sản xuất trong nhà kính và quản lý sau thu hoạch đối với các chủng loại rau.
Đây là những vấn đề cần phải cải thiện để sản xuất rau của Sơn La phát huy được hết lợi thế, đóng góp lớn hơn cho ngành sản xuất rau của Việt nam.
Ông Fenton Beed, chuyên viên nông nghiệp cao cấp FAO bày tỏ mong muốn dự án sẽ là cơ hội để FAO chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hiện đại. Sử dụng những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nhà kính nhằm nâng cao năng suất, kiểm soát khí hậu và tăng hiệu quả sử dụng đất, nước, cũng như quản lý sâu bệnh.
Qua đó, giúp nông dân canh tác được nhiều loại cây trồng khác nhau có giá trị dinh dưỡng cao. Xây dựng các chuỗi giá trị hiệu quả và bền vững cho các sản phẩm rau quả an toàn. Đồng thời, tăng thu nhập, tăng cơ hội kinh doanh và việc làm, đa dạng hóa thực phẩm với giá cả phù hợp, an toàn, quanh năm.
Đối với vấn đề tối ưu hóa các hệ thống sản xuất rau quả có mái che và xây dựng các nhà kính hiện đại cho các khu vực khác nhau tại Việt Nam, các chuyên gia của FAO sẽ tiến hành đánh giá, xác định các thiết kế nhà kính phù hợp, xây dựng kế hoạch sản xuất cho các loại giống rau quả được đề xuất.
Đồng thời, cải thiện các quy trình sản xuất giống, thành lập hoặc hỗ trợ các cơ sở ươm để sản xuất giống thương mại; xây dựng các nhà kính mẫu có thể canh tác quanh năm. Cải thiện và tối ưu hóa các nhà kính tại địa phương.
Sơn La có nhiều tiểu vùng khí hậu lợi thế để phát triển rau ôn đới.
Với khâu bảo quản sau thu hoạch và liên kết thị trường, dự án sẽ tiến hành rà soát hạ tầng sau thu hoạch, đánh giá việc kiểm soát chất lượng ATTP, khuyến khích các kỹ thuật sau thu hoạch phù hợp với từng điều kiện và loại cây trồng. Đồng thời, nâng cấp các cơ sở xử lý sau thu hoạch tại các điểm dự án thí điểm đã được chọn cũng như các phòng thí nghiệm về chất lượng và ATTP, triển khai chương trình dán nhãn và truy xuất nguồn gốc, hệ thống thông tin thị trường...
Các chuyên gia FAO cũng sẽ tổ chức tập huấn kỹ thuật cho giảng viên nguồn và nông dân. Triển khai một loạt các khóa đào tạo tại các địa phương. Xây dựng và xuất bản các sổ tay nông dân, áp phích và hướng dẫn cho nông dân. Đồng thời, tổ chức thăm quan học tập cho chuyên gia tại một số quốc gia có hệ thống canh tác trong nhà kính tiên tiến...
Tại hội nghị, vấn đề được nhiều HTX tham gia dự án quan tâm và bày tỏ quan ngại là chất lượng nguồn nước tưới. Hiện nay, đa phần các hộ sản xuất nông nghiệp đều sử dụng nguồn nước mặt lấy từ ao, suối, sông, hồ là chủ yếu.
Tuy nhiên, những nguồn nước này có thể mang theo nấm mốc và vi khuẩn. Đây có thể là nguồn gốc làm giảm chất lượng rau sạch, đặc biệt nếu áp dụng biện pháp canh tác không cần đất hoặc các hệ thống thủy canh.
Các dự án hợp tác quốc tế những năm qua đã hỗ trợ kịp thời nguồn lực, khoa học công nghệ cho sản xuất rau quả theo hướng giá trị cao, an toàn tại Sơn La.
Về vấn đề này, đại diện FAO cho biết sẽ cử chuyên gia khảo sát một cách tỉ mỉ các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất, từ đó đưa ra phương án cụ thể hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật lắp đặt, vận hành hệ thống canh tác có mái che một cách hiệu quả nhất. Qua đó, giúp cải thiện các quy trình sản xuất giống, xây dựng các nhà kính mẫu có thể canh tác quanh năm. Các hoạt động giám sát đánh giá chất lượng đất, nước sẽ được tiến hành thường xuyên.
Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc Tế (Bộ NN-PTNT) đánh giá rất cao sự hỗ trợ của FAO trong việc triển khai dự án. Ông cho rằng, dự án sẽ góp phần giải quyết những vấn đề mà Bộ NN-PTNT đang triển khai là ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Ông cũng bày tỏ mong muốn thông qua dự án, sẽ giúp các địa phương triển khai dự án được tiếp cận với công nghệ sản xuất trong nhà kính hiện đại trên thế giới, xây dựng được mô hình về chuỗi sản xuất hoàn chỉnh.
Dự án thành công sẽ tạo điều kiện mở rộng sản xuất rau có mái che trên toàn tỉnh Sơn La nói riêng và các tỉnh Miền núi phía Bắc nói chung, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ