Mô hình kinh tế Hành trình kiếm tiền tỷ của 'ông vua cá chình' đầm Trà Ổ

Hành trình kiếm tiền tỷ của 'ông vua cá chình' đầm Trà Ổ

Tác giả Vũ Đình Thung, ngày đăng 01/09/2021

7 năm liền lâm cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất vì đeo đuổi nghề nuôi thuần hóa cá chình, nhưng ông không bỏ cuộc. Sự kiên trì đã cho ông thành công mỹ mãn…

Ông Tú kiểm tra sinh trưởng của cá chình nuôi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Miệt mài đam mê thuần hóa cá chình

Gặp gỡ nhiều nông dân, tôi thấy ít có ai “lì lợm” như ông “vua cá chình đầm Trà Ổ” Võ Tuấn Tú. Năm nay 58 tuổi, ông Tú đã có gần 25 năm gắn bó với con cá chình. Trước khi được mang cái danh “vua cá chình đầm Trà Ổ”, ông đã có 7 năm liền “lên bờ xuống ruộng” với loài cá khó tính này.

Sau những thua lỗ liên hoàn, ông hết sạch vốn. Để tiếp tục đeo đuổi nghề nuôi thuần hóa cá chình, những năm sau ông chấp nhận trở thành con nợ để có vốn liếng tiếp tục niềm đam mê.

Sinh ra ở vùng quê sông nước vạn đò Gò Bồi thuộc xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước, Bình Định), thuở niên thiếu, ông thường theo cha đi đánh bắt thủy sản ở ven đầm Thị Nại. Trong các loài thủy sản đánh bắt được hàng ngày, ông mê nhất là cá chình, bởi loài cá này cho cha con ông rất nhiều tiền.

Từ đó, cá chình cứ mãi ám ảnh trong tâm trí ông. Ngay hồi còn nhỏ, ông đã manh nha ý tưởng: “Cá chình có giá trị cao như vầy, nếu mình nuôi được thì chẳng mấy chốc trở nên giàu có”. Từ đó, ông bỗng mê loài cá này, đến cả khi ngủ ông cũng thấy cá chình hiển hiện trong giấc mơ.

“Cầu được ước thấy”, năm 1997, Sở KH-CN Bình Định triển khai Dự án “Nghiên cứu cá chình mun và nuôi cá lóc thực nghiệm trên đầm Trà Ổ”. Là người “mê” cá chình đã lâu nên ông liền tham gia. Với vai trò tổ trưởng tổ kỹ thuật gồm 5 người, ông Tú cùng anh em “tay nải tay xách” lên đường ra xóm Cù Lao thuộc thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ, Bình Định), dựng lều giữa đầm Trà Ổ rồi “ăn dầm nằm dề” với cá chình suốt nhiều năm liền để nghiên cứu.

Môi trường nguồn nước trong ao nuôi phải luôn được bảo vệ để không bị ô nhiễm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Ngày ấy, ở xóm Cù Lao này điện đài không có như bây giờ, để xua bóng tối hàng đêm chỉ có ngọn đèn dầu. Con đường đất độc đạo dẫn về xòm Cù Lao vào mùa mưa thì nhão như cháo, sạt lở tùm lum, ai muốn đi về xã có công việc phải chống sõng.

Những anh em trong tổ kỹ thuật đều có chế độ nhà nước, 1 tháng mỗi người nhận được 80.000 đ và cơ số gạo đủ ăn trong 30 ngày. Gạo thì để ăn, còn tiền thì gửi về gia đình để vợ nuôi nấng mấy đứa con. Còn ở xóm Cù Lao, thức ăn thiếu gì, cứ mang lưới ra đầm là tôm cá mang về lút vợt, mặc sức mà làm thức ăn. Cứ như vậy chúng tôi cầm cự mấy năm trời để nghiên cứu cá chình”, ông Tú nhớ lại.

Đầm Trà Ổ rộng tới 1.200 ha, hợp lưu của 2 dòng nước mặn và ngọt. Từ xa xưa, đầm Trà Ổ được mệnh danh là vựa thủy sản, trong đó có loại cá chình mun quý hiếm, loài cá được xếp vào danh mục các loài nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam. Thời phong kiến, chình mun là loài cá tiến vua, hiện nay là món đặc sản nức tiếng của đất Bình Định.

Cá chình thương phẩm hiện có giá bình quân 400.000 đ/kg. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trước năm 1985, đầm Trà Ổ vẫn còn thông ra biển, nên chình mun có rất nhiều. Bao thế hệ người dân sinh sống ven đầm Trà Ổ đều nương tựa vào nguồn lợi thủy sản có trong đầm, trong đó có loài cá chình mun quý hiếm.

Sau năm 1986, do ảnh hưởng của đập ngăn mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp, nên chình mun cũng dần vắng bóng. Khoảng 30 năm trở lại đây, loài chình mun đã có dấu hiệu “tuyệt chủng” trong đầm Trà Ổ trước sự luyến tiếc của người dân và ngành thủy sản Bình Định.

Người “lì lợm” chinh phục thành công loài cá quý hiếm

Năm 2000, Dự án “Nghiên cứu cá chình mun và nuôi cá lóc thực nghiệm trên đầm Trà Ổ” của Sở KH-CN Bình Định kết thúc. Ông Võ Tuấn Tú bỗng thấy hẫng hụt, nên xin chính quyền địa phương cho lưu lại để tiếp tục công cuộc chinh phục loài cá khó tính.

Vận dụng những kinh nghiệm thu lượm được trong thời gian nghiên cứu nuôi cá chình thực nghiệm, ông Tú quyết bám đầm Trà Ổ để vừa hành nghề buôn bán cá chình giống kiếm kế mưu sinh cho gia đình, vừa khởi nghiệp nuôi cá chình thương phẩm.

Tập tính của cá chình là ở hang, bởi bản năng tự vệ cao, nên phải thả vào ao nuôi những ống tre để làm giá thể cho chúng chui ra chui vào. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Khi thấy ông Tú ngày ngày hì hục đào ao nuôi cá chình, người làng không khỏi lo lắng cho ông. Bởi, cá chình mun là loài thủy sản rất khó nuôi thuần hóa. Người dân sở tại dù biết rất rõ giá trị kinh tế của nó, nhưng không ai dám mạo hiểm bỏ vốn liếng ra để đầu tư nuôi.

Lo lắng của người làng không sai chút nào. Từ khi bắt tay vào nuôi cá chình mun thương phẩm, ông Tú lập tức “lên bờ xuống ruộng” với những thất bại liên hoàn. Suốt 7 năm liền từ khi khởi nghiệp nuôi cá chình mun, bao nhiêu vốn liếng ông giành dụm, huy động của gia đình chẳng bao lâu đã “đội nón ra đi”, thậm chí ông Tú lâm cảnh nợ nần chồng chất.

Cứ ngỡ ông sẽ bỏ cuộc, nhưng không, sau mỗi thất bại, ông Tú tích lũy được cho mình những kinh nghiệm quý báu, những kinh nghiệm này được ông ghi chép vào sổ kỹ càng.

“Khi ấy, do tôi còn non kinh nghiệm, chưa hiểu hết về loài chình mun nên thất bại cũng phải thôi. Cá chình là loài khó tính, nên nếu môi trường nguồn nước nuôi và cách cho ăn không phù hợp là chúng sẽ bị bệnh chết hàng loạt. Có năm, lũ bất ngờ ập về phá vỡ cả bờ ao đang nuôi chình mun thương phẩm khiến tôi mất đứt cả tỷ đồng”, ông Tú ngậm ngùi nhớ lại.

Cá chình giống hiện có giá bình quên 1 triệu đồng/kg. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Tú, cá chình là loài không nhân tạo được, con giống chủ yếu bắt ngoài biển về nuôi. Vào tháng 9 tháng 10 âm lịch hàng năm, khi gió mùa đông bắc nổi lên thì chình con trôi dạt từ biển vào các cửa sông, lúc ấy con chình chỉ nhỏ bằng cọng tóc, nên được gọi là “chình lá liễu” hoặc “chình bột”. Đến mùa, ngư dân địa phương đi vớt về bán, ông Tú mua về vừa nuôi thương phẩm vừa nuôi ương chình giống bán cho người nuôi chình thịt.

Nuôi cá chình phải chọn con giống thật kỹ. Con giống phải không trầy xước, to đều thì nuôi mới đỡ hao hụt. Nguồn nước nuôi phải hợp vệ sinh, không ô nhiễm và phải đạt đủ độ pH, độ kiềm. Cá chình thích sống trong môi trường nước chảy, bởi chúng đòi hỏi lượng ô xy cao.

Nếu nuôi trong điều kiện nước chảy thì có thể nuôi mật độ dày mà không cần sử dụng máy sục khí tạo ô xy. Nếu nuôi trong ao với mật độ 1 con/m2 thì cũng không cần sử dụng máy sục khí, nhưng nếu nuôi với mật độ dày thì phải có máy sục khí cá chình mới đủ lượng ô xy để sống.

“Tập tính của cá chình là ở hang, bởi bản năng tự vệ của nó cao, nên tôi phải thả vào ao nuôi những ống tre để làm giá thể cho chúng chui ra chui vào, có như vậy chúng mới sinh trưởng tốt”, ông Tú chia sẻ.

Ông Tú chuẩn bị cá chình giống để thả nuôi lứa chình thương phẩm mới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cũng theo ông Tú, thức ăn cho cá chình phải là mồi thật tươi và phải tuyệt đối sạch. Các loại cá tạp, cá vụn là món ăn khoái khẩu của chình. Bây giờ, một số người nuôi cho cá chình ăn cám, thức ăn tồn đọng dễ làm ô nhiễm môi trường nguồn nước, nên không thể cứ vãi thức ăn xuống hồ cho chình ăn như nuôi tôm. 

“Thức ăn tôi bỏ trong 1 cái khung lưới rộng khoảng 1,5m, 4 góc nối với 4 sợi dây thừng thả xuống ao để cho cá chình ăn. Cứ vài ba tiếng đồng hồ tôi kéo khung lưới lên 1 lần để kiểm tra thức ăn, nếu chình ăn thừa thì lần sau tôi giảm lượng thức ăn lại, nếu thiếu lần sau tôi thêm vào. Thức ăn thừa trong nhá tôi hốt ra ngoài tận dụng làm thức ăn nuôi cá trê, cũng là để không làm ô nhiễm nguồn nước nuôi”, ông Tú chia sẻ kinh nghiệm.

Hiện ông Tú đang sở hữu 4 ao nuôi cá chình, 2 ao nuôi cá chình thương phẩm và 2 ao nuôi ương cá chình giống. Mỗi năm ông Tú xuất bán khoảng 4 tấn cá chình thương phẩm, với giá bình quân hiện nay 400.000 đ/kg, mỗi năm ông Tú thu được 1,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, mỗi năm ông Tú còn xuất bán khoảng 4 tấn cá chình giống, với giá bình quân hiện nay 1 triệu đồng/kg, mỗi năm ông Tú thu thêm khoảng 4 tỷ đồng nữa. Vị chi mỗi năm ông Tú có khoản doanh thu đến gần 6 tỷ đồng, một khoản doanh thu mà nông dân có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-luon-tham-canh-cong-nghe-tuan-hoan-nuoc Nuôi lươn thâm canh công… thu-nhap-hang-chuc-ty-dong-moi-nam-tu-oc-huong Thu nhập hàng chục tỷ…