Mô hình kinh tế Nuôi lươn thâm canh công nghệ tuần hoàn nước

Nuôi lươn thâm canh công nghệ tuần hoàn nước

Tác giả Lê Hoàng Vũ, ngày đăng 10/09/2021

Công nghệ nuôi này có thể tăng mật độ nuôi lươn tối đa lên đến 600 con/m2, năng suất lên 25kg lươn thương phẩm/m2, cao gấp 2,5 - 4 lần so với thông thường.

Mô hình nuôi lươn theo công nghệ tuần hoàn nước của anh Nguyễn Xuân Tân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay, các nông hộ trên địa bàn TP. Cần Thơ đang rất phấn khởi vì áp dụng theo mô hình nuôi lươn thâm canh theo công nghệ tuần hoàn nước đã giúp giảm chi phí, thích ứng với biến đổi khí hậu và ổn định sinh kế, vươn lên làm giàu. Đây được xem là công trình nghiên cứu thành công của Khoa Thủy sản (Đại học Cần Thơ) đang triển khai đến bà con nông dân.

Anh Nguyễn Xuân Tân, ở khu vực Bình Dương, phường Long Hòa, quận Bình Thủy (TP. Cần Thơ) đã thành công trong mô hình nuôi lươn tuần hoàn nước áp dụng trên lươn sinh sản và lươn thương phẩm, mỗi năm lợi nhuận trên 500 triệu đồng.

Anh Tân cho biết: Lâu nay, người nuôi lươn ở ĐBSCL đa phần tìm mua lươn giống được đánh bắt ngoài tự nhiên về thả nuôi, nên nguồn giống không bảo đảm, hao hụt rất nhiều, có khi mất trắng. Được sự giúp đỡ của Khoa Thủy sản (ĐH Cần Thơ) với kỹ thuật cho lươn sinh sản và áp dụng nguồn nước nuôi trong hồ theo hệ thống tuần hoàn, cuối cùng mô hình nhân giống lươn của anh đã thành công và mở ra triển vọng cho nghề nuôi lươn tại địa phương. 

Theo anh Tân, tuy đã có nhiều kinh nghiệm nuôi lươn nhưng cho chúng sinh sản là cả quá trình. Trước hết, lươn là loài lưỡng tính, có giai đoạn vừa đực vừa cái nên phải chú ý nhận biết, chăm sóc đúng hướng để chúng sinh sản đạt hiệu quả cao. Hiện nay, anh Tân đã có trại lươn rộng hơn 300 m2, được chia thành 22 bồn lươn gồm đàn lươn sinh sản trên 2.000 lươn bố mẹ và lươn thịt từ 4.000 - 5.000 con.

Anh Tân cho biết: Trung bình, một năm xuất bán khoảng 80.000 - 100.000 con lươn giống với giá mỗi con 3.500 đồng cho các tỉnh ĐBSCL và khu vực miền Đông Nam bộ. Riêng lương thịt, mỗi tháng xuất bán từ 100 - 150kg, với giá lươn giao động từ 180.000 - 220.000 đồng/kg (tùy vào từng thời điểm).

Thay vì phải thay nước hàng ngày như mô hình cũ, mô hình nuôi lươn tuần hoàn nước từ 2 - 3 tuần mới thay nước một lần. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc lươn thịt, anh Tân cho biết để lươn phát triển đều, ít bị hao hụt, lươn giống thả nuôi phải chọn đồng cỡ, khỏe mạnh. Sau mỗi lần cho ăn, cần vớt bỏ thức ăn thừa để tránh ô nhiễm môi trường nước.

Về lươn giống, được anh ươm tạo trong 90 ngày, kích cỡ từ 1,4 - 3,2 gram/con. Thức ăn cho lươn là loại viên công nghiệp, có hàm lượng đạm 41%. Thay vì phải thay nước hàng ngày như mô hình cũ, ở mô hình tuần hoàn nước, từ 2 - 3 tuần mới thay nước một lần.

Ngoài việc cung cấp thức ăn đầy đủ, cần bổ sung men tiêu hóa và vitamin để lươn tăng sức đề kháng, chống bệnh tật và chịu được sự thay đổi thời tiết đột ngột. Riêng đối với nuôi lươn sinh sản, bồn được thiết kế bằng những dòng đất xung quanh bồn và chừa khoảng trống ở giữa để lươn sinh hoạt, đồng thời phải trồng cỏ xung quanh bồn để tạo bóng mát và môi trường hoang dã cho lươn thích nghi.

Còn hộ ông Lê Văn Đông, ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy có hơn 5 năm nuôi lươn thương phẩm truyền thồng trong bồn đất đã không mang lại hiệu quả cao.

Áp dụng công nghệ mới, sau từ 8 - 9 tháng nuôi, lươn thương phẩm có thể đạt tới 400 - 500 gram/con, thu lợi nhuận tăng gấp đôi so với mô hình cũ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhưng hơn 1 năm nay, ông Đông chuyển sang áp dụng nuôi lươn theo công nghệ tuần hoàn nước trong bể xi măng đã mang lại hiệu quả cao. Áp dụng công nghệ mới này, sau từ 8 - 9 tháng nuôi, lươn thương phẩm có thể đạt tới 400 - 500 gram/con, thu lợi nhuận tăng gấp đôi so với mô hình cũ.

Ông chia sẻ, nuôi lươn theo công nghệ tuần hoàn nước rất tiện lợi cho người dân có diện tích đất ít hay ở trung tâm thành phố muốn nuôi lươn, thay vì trước đây, người nuôi lươn theo cách truyền thống phải thường xuyên thay nước, gặp khó khăn vấn đề xả thải nước làm ô nhiễm môi trường và tốn nhiều chi phí.

Hiện gia đình ông Đông có 40 m2, gồm 7 bể, mỗi bể 6 m2. Bể nuôi được thiết kế kết nối với hệ thống tuần hoàn nước gồm một bể lọc sinh học, một bể lắng chất thải rắn và bể chứa nước. Lưu lượng nước qua bể nuôi được điều chỉnh từ 0,5 - 0,8 lít/phút. Dây nylon màu đen được cột thành chùm với chiều dài từ 20 - 30 cm giúp lươn trú ẩn. Dây này được vệ sinh hàng ngày và được thay mới 1 lần/tháng. Điều này giúp giảm chi phí nhân công, chi phí nước, cũng như giúp ổn định chất lượng nước bể nuôi, lươn khỏe mạnh và mau lớn hơn.

Theo PGS.TS Phạm Thanh Liêm, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt (Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ): Điểm mạnh của mô hình là việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật và sinh học, tự làm sạch và tái sử dụng nguồn nước, có thể gia tăng mật độ nuôi lươn tối đa lên đến 600 con/m2, năng suất có thể lên tới 25kg lươn thương phẩm/m2, cao gấp 2,5 - 4 lần so với mô hình nuôi thông thường; hiệu suất lợi nhuận đạt từ 36,5 - 60,2%.

Các hộ nuôi lươn theo mô hình tuần hoàn nước đảm bảo được quá trình vận hành an toàn, kiểm soát mầm bệnh, sức khỏe và chất lượng sản phẩm lươn nuôi. Đồng thời làm giảm tối đa tỷ lệ thay nước, tăng sản lượng lươn nuôi, cải thiện và làm gia tăng tốc độ tăng trưởng, chất lượng lươn và hiệu quả sản xuất.

Mô hình cũng cho phép xử lý nước ô nhiễm và giúp kiểm soát quá trình xả thải. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường, hình thành và phát triển công nghệ nuôi tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.


Có thể bạn quan tâm

bi-quyet-lam-giau-nuoi-dui-thu-nhap-tram-trieu-moi-nam Bí quyết làm giàu -… hanh-trinh-kiem-tien-ty-cua-ong-vua-ca-chinh-dam-tra-o Hành trình kiếm tiền tỷ…