Tin nông nghiệp Hiệu quả cao lúa hữu cơ trên nền đất nuôi tôm

Hiệu quả cao lúa hữu cơ trên nền đất nuôi tôm

Tác giả Diễm Trang, ngày đăng 11/12/2021

Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang tổ chức hội thảo đánh giá mô hình trồng lúa hữu cơ tại vùng tôm - lúa lớn nhất huyện Vĩnh Thuận.

Mô hình lúa hữu cơ trên đất lúa - tôm ngày càng lan tỏa nhờ hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái. Ảnh: Diễm Trang.

Để đánh giá kết quả thực hiện mô hình lúa sạ bụi thuộc chương trình canh tác lúa hữu cơ trên nền đất nuôi tôm năm 2021, tạo điều kiện cho hộ tham gia mô hình cùng bà con nông dân trồng lúa trong vùng trao đổi kinh nghiệm, cập nhật thông tin, ngày 10/12 tại trụ sở ấp Cạnh Đền 1, xã Vĩnh Phong, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang và Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thuận cùng chính quyền địa phương tổ chức hội thảo đánh giá kết quả mô hình canh tác lúa hữu cơ trên nền đất nuôi tôm.

Xã Vĩnh Phong là xã có diện tích tôm - lúa lớn nhất huyện Vĩnh Thuận với 7.670 ha. Địa hình xã Vĩnh Phong rộng lớn, có sông rạch chằng chịt và thường xuyên được nạo vét để phục vụ sản xuất, đầu tư các mô hình có hiệu quả và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Trong năm 2021, diện tích bà con gieo sạ lúa - tôm đạt 5.842,2 ha, bằng 117% kế hoạch xã đề ra. Năm vừa qua, xã đã thực hiện mô hình trình diễn trồng lúa theo hướng hữu cơ, kết quả thực hiện cơ bản đạt yêu cầu. Địa bàn được chọn thực hiện mô hình thuộc HTX Dịch vụ sản xuất Tiên Phong ở ấp Cạnh Đền 1, có nhu cầu tiếp nhận và áp dụng tốt quy trình kỹ thuật để thực hiện mô hình. HTX có năng lực về vốn đối ứng trong quá trình thực hiện mô hình, tham gia mô hình có 25 hộ, 50 ha.

Mục tiêu của mô hình nhằm hỗ trợ giống, vật tư cho người sản xuất theo quy định, kịp thời. Áp dụng đúng quy trình canh tác lúa hữu cơ, sử dụng giống xác nhận cùng một giống trên cánh đồng, gieo sạ đồng loạt đúng theo lịch thời vụ khuyến cáo, đúng mật độ với lượng giống gieo sạ 100 kg/ha. Sản phẩm lúa hữu cơ của mô hình sản xuất ra đạt chất lượng, được giới thiệu tiêu thụ sản phẩm, cung cấp cho thị trường.

Nông dân tham gia mô hình đã chuyển đổi từ phương pháp sản xuất lúa truyền thống sang áp dụng quy trình sản xuất lúa hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Diễm Trang.

Sau khi chọn hộ, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã ký hợp đồng thực hiện mô hình, đã tiến hành tổ chức 02 lớp tập huấn hướng dẫn quy trình trồng lúa hữu cơ trền nền đất tôm cho các hộ tham gia mô hình và các hộ nông dân trong vùng có nhu cầu học tập.

Đồng thời, hướng dẫn nông dân có ghi chép sổ nhật ký theo dõi trong suốt quá trình sản xuất. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ giống lúa ST25 xác nhận 1, phân bón hữu cơ. Nhìn chung, vụ mùa trên nền đất tôm năm 2021 thời tiết thuận lợi, nông dân tích cực chăm sóc ruộng lúa và áp dụng đúng yêu cầu kỹ thuật mô hình. Cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, sâu bệnh xuất hiện mức độ gây hại nhẹ, ít ảnh hưởng đến năng suất lúa của bà con.

Chi phí nông dân đầu tư mô hình trung bình hơn 19 triệu đồng/ha, được dự án hỗ trợ 3.616.000 đ/ha. Giá bán lúa thương phẩm trung bình là 8.000 đồng/kg. Tổng chi phí cho 1 ha trồng lúa tại mô hình trung bình là 19.100.000 đồng; tổng thu cho 1 ha trồng lúa trung bình là 44.000.000 đồng (dao động từ 41.600.000 đồng đến 46.000.000 đồng). Lợi nhuận mỗi ha/vụ trồng lúa đạt trung bình 24 triệu 900 ngàn đồng, dao động từ  22,5 triệu đồng 26,9 triệu đồng.

Kết quả so sánh cho thấy chi phí mô hình thấp hơn 1.220.000 đ so với bên ngoài mô hình. Lợi nhuận nông dân tham gia mô hình mỗi ha/vụ trồng lúa đạt trung bình gần 25 triệu đồng, cao hơn 1.770.000 đ so với ngoài mô hình.

Giống lúa ST25 trong mô hình rất sạch bệnh, mặc dù không phải phun thuốc BVTV. Ảnh: Diễm Trang.

Nông dân tham gia mô hình đã chuyển đổi từ phương pháp sản xuất lúa truyền thống sang áp dụng quy trình sản xuất lúa hữu cơ: Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo nguồn nguyên liệu an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc; giảm thiểu tác động đến môi trường.

Các hộ tham gia mô hình đa số là thành viên của HTX, có sự gắn kết, trao đổi thông tin kỹ thuật và tương trợ lẫn nhau liên quan đến sản xuất. Việc xây dựng mô hình trồng lúa hữu cơ thực hiện thành công và có hiệu quả ổn định sẽ sớm được nhân rộng xây dựng vùng nguyên liệu lúa sạch, chất lượng, tạo ra thương hiệu cho lúa hữu cơ địa phương, năng cao đời sống người dân.

Các mô hình cũng góp phần nâng cao trình độ dân trí trong vùng, không chỉ về kỹ thuật canh tác mà còn ý thức trong quản lý và bảo vệ môi trường, sản xuất hàng hóa sạch, an toàn. Mô hình góp phần cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, giảm thiểu tác động lên môi trường, cải tạo đất đai...

Vấn đề đặt ra hiện nay là nông dân cần liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau, cùng nhau phát triển, nhằm giảm chí phí sản xuất, tạo sản phẩm đặc trưng cho vùng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, nhất là xuất khẩu.

Đồng thời, cần tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Tiếp tục duy trì mô hình sản xuất lúa hữu cơ và nhân rộng mô hình nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông hộ ở địa phương. Các cấp, ngành địa phương cần tích cực hỗ trợ, tuyên truyền nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Thu hút các doanh nghiệp xuống hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân.


Có thể bạn quan tâm

khi-nong-dan-ru-nhau-hoc-lam-gap Khi nông dân rủ nhau… tiem-nang-ung-dung-che-pham-sinh-hoc-trong-san-xuat-an-toan-o-dbscl Tiềm năng ứng dụng chế…