Tin nông nghiệp Khi nông dân rủ nhau học làm GAP

Khi nông dân rủ nhau học làm GAP

Tác giả Minh Đảm, ngày đăng 13/12/2021

Gần đây, các mô hình sản xuất nông nghiệp tốt như GlobalGAP, VietGAP phát triển mạnh tại ĐBSCL. Đặc biệt, nhiều nông dân đã có ý thức tự rủ nhau đi học làm GAP.

Một mô hình trồng cam VietGAP sử dung thuốc BVTV có trách nhiệm ở xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: MĐ.

Rủ nhau học làm VietGAP

Những năm qua, mô hình trồng cam sành trên đất ruộng đã phát triển mạnh thành phong trào ở một số tỉnh ĐBSCL. Tại Vĩnh Long, phong trào phát triển rất mạnh. Đến nay, Vĩnh Long có trên 13 nghìn ha trồng cam sành, trong đó cam xuống ruộng chiếm 80%.

Đặc điểm của mô hình là cam trồng mật độ dày. Đa số người dân trồng mật độ 90 cm/cây, khoảng 500 cây/1.000m2. Với mật độ như trên, người dân đầu tư phân bón và thuốc BVTV có nguồn gốc hoá học rất nhiều.

Theo chia sẻ của nông dân, mỗi ha cam sành đầu tư khoảng 700 – 800 triệu đồng. Vụ đầu tiên người dân sẽ thu được khoảng 100 – 120 tấn. Với năng suất như trên, người dân dễ dàng thu hồi vốn.

Tuy nhiên, vòng đời của mô hình rất ngắn. Người dân chỉ thu hoạch được 2 - 3 vụ là cây suy kiệt và phải bắt đầu trồng lại cây mới. Vụ thứ hai, thứ ba chi phí đầu tư ít hơn nhưng năng suất đã bắt đầu giảm.

Ngành chức năng cũng như chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo về tính bền vững của mô hình này. Bởi khi kết thúc vòng đời của mô hình, trong đất còn tồn nhiều thuốc BVTV, mầm bệnh... khó để trồng cam hay các loại cây ăn trái khác.

Để sản xuất bền vững cây cam sành, ngành NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long đã tập huấn xây dựng mô hình trồng cam sành VietGAP tại huyện Tam Bình.

Theo bà Đặng Trúc Lan Vân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Vĩnh Long: Tỉnh đã xây dựng 4 mô hình cam sành đạt chứng nhận VietGAP ở xã Bình Ninh, Loan Mỹ, Mỹ Thạnh Trung (diện tích 71 ha). Nhiều diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo chất lượng, an toàn.

Ông Nguyễn Văn Lực, Tổ trưởng Tổ hợp tác Cam sành Loan Mỹ (ấp Thông Nguyên, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) cho biết: Cách đây 2 năm, Sở NN-PTNT đã hỗ trợ 12 hộ dân của Tổ xây dựng mô hình kiểu mẫu cam sành có chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 10 ha.

Nông dân được tập huấn trồng thưa, mật độ giảm xuống 50% so với trước, sử dụng cân đối phân bón hoá học và hữu cơ, không dùng chất cấm...

“Lợi nhuận không bằng người ta. Người ta 10 phần thì của mình đạt 9. Bởi giá cam canh tác thông thường và cam VietGAP hiện chỉ như nhau, nhưng năng suất của mình lại kém hơn. Tuy nhiên, cái lợi của làm VietGAP là sức khoẻ của mình, sản phẩm rất an toàn. Cam ngon ngọt hơn, dù có hơi xấu mã chút. Nếu làm theo tiêu chuẩn VietGAP, cây ăn rất bền, không bị vàng lá thối rễ và có thể tới 10 năm mà không phải xử lý thuốc. Vấn đề ô nhiễm môi trường đất, nước cũng được xử lý”, ông Lực chia sẻ.

Thấy hiệu quả mô thiết thực từ mô hình, các nông dân ở xã Loan Mỹ đã rủ nhau đi học làm VietGAP. Nông dân tự bỏ kinh phí nhân rộng mô hình thêm 20 ha. Hiện các thành viên này đã được Sở NN-PTNT hỗ trợ tập huấn kiến thức trồng cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ngày càng nhiều tổ chức nông dân làm GAP

Theo Sở NN-PTNT Vĩnh Long, gần đây, ngày càng nhiều HTX, tổ hợp tác sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt như: VietGAP, GlobalGAP… Đặc biệt, các mô hình có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp xuất khẩu lớn tại ĐBSCL, UBND các huyện, các cơ quan ngành nông nghiệp…

Sản phẩm đạt chuẩn sẽ là “giấy thông hành” để trái cây Việt tiếp cận và mở cửa nhiều thị trường thế giới.

Thời gian qua, bên cạnh bưởi da xanh và cam sành, Viện Cây ăn quả Miền Nam đã xây dựng chuỗi liên kết và tiêu thụ cho vùng nguyên liệu 50 ha bưởi Năm Roi GlobalGAP tại xã Mỹ Hoà, Thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Sản phẩm của HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hoà đã có mặt tại nhiều siêu thị trong nước. Đặc biệt, đây là lợi thế lớn trong tiêu thụ, xuất khẩu trong giai đoạn thị trường khó khăn do dịch Covid-19.

TS Lê Quốc Điền, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (Viện Cây ăn quả Miền Nam) cho biết: Trước đây, các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP chưa đi vào cuộc sống. Nguyên nhân do khâu tổ chức thị trường còn nhiều vấn đề. Do đó, hoạt động trong thời gian tới cần bền vững.

Đối với thị trường trong nước, trước làn sóng xâm nhập trái cây ngoại, buộc nhà vườn phải thay đổi tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Quan trọng nhất đó là nâng cao tính an toàn chất lượng nhằm phát huy những phẩm chất đặc biệt của trái cây nhiệt đới.

Cũng theo TS Lê Quốc Điền, vấn đề hiện nay là làm sao chất lượng trái cây trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài đạt chất lượng như nhau. Do đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm trong nước cũng phải được thực hiện tốt.

Biện pháp hóa học nên là "vũ khí cuối cùng"

Trong quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM), các nhà khoa học đã đề xuất biện pháp hoá học nên là "vũ khí cuối cùng".

Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ đưa vào sản xuất là hướng đi mà ngành nông nghiệp, các nhà khoa học đang giúp bà con ứng dụng. Những kiểu canh tác thuận theo tự nhiên, tận dụng sức mạnh sinh học sẽ là yếu tố chính giúp bà con giữ được năng suất và chất lượng trái đạt yêu cầu.

Thế giới tự nhiên luôn đa dạng và luôn tồn tại sự đấu tranh sinh học. Trong hệ sinh thái vườn cây ăn trái, các loài dịch hại vẫn luôn có kẻ thù. Chẳng hạn như trong vườn bưởi, bọ cánh cứng là thiên địch của rệp sáp, nhện đỏ. Trong điều kiện thuận lợi, kiến vàng sẽ làm tổ khắp vườn.

Sự di chuyển của kiến vàng cũng góp phần khống chế các loài sâu rệp, côn tùng gây hại. Bởi là loài ăn thịt nên kiến vàng cũng góp phần khống chế mật số côn trùng gây hại ở mức thấp ít ảnh hưởng cây trồng.

Bên cạnh nhóm bắt mồi ăn thịt, nhóm ký sinh cũng được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu và chia sẻ cùng bà con nông dân. Một số loại nấm ký sinh cũng được khuyến cáo sử dụng để khống chế côn trùng gây hại như sâu rầy, ruồi đục trái…

Ông Vương Thành Công, Tổ trưởng Tổ hợp tác Bưởi da xanh An Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) là một trong những nhà nông tiếp cận và áp dụng hiệu quả các kiến thức canh tác bưởi da xanh theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Theo đó, ông Công tự ủ phân hữu cơ bón cho vườn bưởi.

Bên cạnh đó, ông còn nuôi kiến vàng để khống chế các loại sâu bệnh hại trong vườn. Khi buộc phải sử dụng thuốc BVTV, ông Công cũng lựa chọn loại sinh học thân thiện với môi trường. Gần nửa năm nay, vườn ông Công không còn sử dụng thuốc BVTV nhưng bưởi vẫn đẹp và năng suất rất ổn định.

“Từ ngày làm GlobalGAP, 1 ha bưởi da xanh của gia đình cũng như bà con trong tổ không bao giờ chịu cảnh ế, kể cả trong thời gian khó khăn do dịch Covid-19”, ông Vương Thành Công khẳng định.

Ông Vương Thành Công còn cho biết thêm, sản xuất theo GlobalGAP có rất nhiều lợi ích, nhất là sức khỏe do ông không phải tiếp xúc nhiều với thuốc BVTV hoá học.

Mỗi năm xây dựng 55 -70 mô hình GAP

Để tái cơ cấu nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành kế hoạch khuyến nông giai đoạn 2021 – 2025 với kinh phí 371 tỷ đồng.

Chương trình phân bổ đầu tư vào 26 dự án sự nghiệp. Trong đó, lĩnh vực hỗ trợ chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP 5 dự án và phát triển giống 5 dự án.

Theo đó, hàng năm chương trình xây dựng từ 55 – 70 mô hình chuyển giao công nghệ thâm canh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo hướng GAP. Trong đó có trên 20 - 30 điểm mô hình ứng dụng công nghệ cao.


Có thể bạn quan tâm

tim-ra-bi-mat-co-the-chong-lai-benh-thoi-den-tren-rau-vu-dong Tìm ra bí mật có… hieu-qua-cao-lua-huu-co-tren-nen-dat-nuoi-tom Hiệu quả cao lúa hữu…