Tin thủy sản Hiệu quả như tôm sú M9

Hiệu quả như tôm sú M9

Tác giả Xuân Trường, ngày đăng 06/12/2021

Trong vụ nuôi năm nay, nhiều nông dân ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã mạnh dạn chuyển sang sử dụng con giống tôm sú mới M9 của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam và dù vụ nuôi vẫn chưa kết thúc nhưng hầu hết hộ nuôi đều có chung nhận xét: “So với nhưng giống tôm sú trước đây thì tôm sú M9 là tốt nhất và cho hiệu quả cao nhất”.

Ưu thế vượt trội

Tôm sú từng là đối tượng nuôi chủ lực của nông dân tỉnh Sóc Trăng nói riêng và vùng mặn, lợ khu vực ĐBSCL nói chung, nhưng từ năm 2011 đến nay, diện tích và thị trường tôm sú dần thu hẹp lại do có sự cạnh tranh từ con TTCT. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là đối tượng nuôi có lợi thế cạnh tranh lớn của ngành tôm Việt Nam trên thị trường thế giới, nên diện tích nuôi tôm sú vẫn được duy trì hàng năm ở một tỷ lệ nhất định so TTCT, với các mô hình nuôi chủ lực, như: quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm – lúa, tôm – rừng, thâm canh và bán thâm canh. Tại Sóc Trăng, trong số khoảng 50.000 ha nuôi tôm hàng năm đều có khoảng 1/3 là diện tích nuôi tôm sú.

Sự thất thế của con tôm sú do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là ở yếu tố con giống. Do đó, trong những năm qua, các nhà khoa học, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh con giống trong ngoài nước không ngừng nghiên cứu, lai tạo, gia hóa để có được nguồn giống bố mẹ mang những đặc tính trội giống như TTCT, như: lớn nhanh, sức đề kháng tốt, nuôi được mật độ cao và nuôi đạt kích cỡ lớn… để đáp ứng nhu cầu của người nuôi lẫn thị trường tiêu thụ. Một trong những thành công mới nhất phải kể đến đó là nguồn tôm sú siêu tăng trưởng CPF-Turbo M9 (gọi tắt là M9) của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam trong vụ tôm nước lợ năm 2021 này. Tại huyện Mỹ Xuyên, nhờ chuyển sang sử dụng tôm sú M9, nhiều nông dân đã gặt hái được thành công với mức lợi nhuận vượt ngoài sự mong đợi.

Thành công được nhân rộng

Vốn gắn bó với nghề nuôi tôm sú lâu năm, ngay sau khi nghe tin C.P. Việt Nam có nguồn giống tôm sú M9 có thể nuôi về đến cỡ 8 – 9 con/kg, anh Lê Hoàng Khương, ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên đã chủ động liên hệ với cán bộ kỹ thuật C.P phụ trách địa bàn để tìm hiểu về con giống mới này. Sau khi được gới thiệu về con giống và tư vấn kỹ thuật nuôi, anh Khương quyết định đặt mua 200.000 post tôm sú M9 để thả nuôi cho một số ao của mình. Sau 143 ngày nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật được cán bộ C.P hướng dẫn, ngay trong đợt thu hoạch đầu tiên đã mang về cho anh Khương 1,8 tấn tôm size trung bình 15 – 21 con/kg. Khác với những loại tôm sú gia hóa trước đây, tôm sú M9 rất được thương lái mua tôm ôxy (tươi sống) ưa chuộng, nên anh bán được bán với giá 220.000 và 240.000 đồng/kg. Hiện, anh Khương vẫn còn 4 ao đang nuôi về cỡ lớn hơn để bán giá cao hơn và có sản lượng lớn hơn. Anh Khương không giấu được niềm vui: “Giống tôm sú này lớn khá nhanh và bán được tôm ôxy nên dù chưa thu hoạch hết diện tích nhưng chắc chắn lợi nhuận sẽ cao hơn so những năm trước”.

Không chỉ có anh Khương mà nhiều nông dân nuôi tôm sú ở huyện Mỹ Xuyên cũng chọn giống M9 để thả nuôi trong vụ này và hầu hết đều rất thành công. Theo anh Phan Quốc Việt, cán bộ kỹ thuật của C.P phụ trách địa bàn huyện Mỹ Xuyên, dù đây chỉ mới là vụ đầu tiên nhưng tính đến 15/10 đã có hơn 10 triệu con giống tôm sú siêu tăng trưởng CPF-Turbo M9 được nông dân trong huyện thả nuôi.

Câu chuyện về sự thành công của mô hình nuôi tôm sú M9 gắn liền với tên tuổi của những khách hàng vùng tôm – lúa huyện Mỹ Xuyên được anh Việt và những người nuôi tôm nơi đây giới thiệu cho chúng tôi cứ ngày một dài ra. Đó là anh Đỗ Văn Cảo, ở xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên, vụ này chỉ thả 20.000 post sú M9, sau 140 ngày thu hoạch được 756 kg tôm cỡ 17,8 con/kg bán với giá 221.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 80 triệu đồng. Hay như anh Lê Phát Bảo Truyền, ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên thả 60.000 post sú M9 sau 140 ngày thu hoạch được 2,5 tấn tôm cỡ 21 con/kg bán với giá 200.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. Anh Truyền khoe: “Giống tôm sú M9 của C.P này tôi mê lắm vì cùng một thời gian nuôi, nhưng nó lớn hơn các giống tôm sú khác mà tôi từng nuôi rất nhiều. Khoái nhất là bán được tôm ôxy nên mình không phụ thuộc nhiều vào các nhà máy”.

Tuy đã có thành công ngay từ vụ nuôi đầu tiên, nhưng C.P. Việt Nam vẫn chưa bằng lòng với kết quả hiện tại mà muốn nâng cao hơn nữa tỷ lệ thành công để tăng năng suất và rút ngắn thời gian nuôi. Anh Phan Quốc Việt thông tin thêm: “Hiện, C.P đang triển khai mô hình nuôi tôm sú M9 công nghệ cao CPF-Combine Black Tiger để giúp người nuôi tăng tỷ lệ thành công, nuôi tôm về kích cỡ lớn, rút ngắn thời gian nuôi, tăng năng suất và hiệu quả sau mỗi vụ nuôi. Với hướng đi mới này, chúng tôi tin tưởng nghề nuôi tôm sú sẽ trở lại một cách mạnh mẽ hơn, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới”.


Có thể bạn quan tâm

an-toan-dich-benh-trong-san-xuat-tom-giong An toàn dịch bệnh trong… su-dung-cctv-va-blockchain-trong-nganh-cong-nghiep-ca-ngu-tai-dai-loan Sử dụng CCTV và blockchain…