Mô hình kinh tế Hiệu Quả Từ Cây Hành Vụ Đông

Hiệu Quả Từ Cây Hành Vụ Đông

Ngày đăng 05/02/2012

Trong khi việc bảo hộ giá bán nông sản trên địa bàn tỉnh Hải Dường chưa được đáp ứng, người dân vẫn chịu ảnh hưởng của tình trạng được mùa rớt giá thì mấy năm trở lại đây cây hành đã đáp ứng được điều mà người dân và các cấp chính quyền đang mong đợi. Diện tích trồng hành tại một số huyện đã được tăng lên, nghề trồng hành ngày càng phát triển do được giá, thị trường tiêu thụ ổn định, không sợ ép giá, có thể bảo quản được cho vụ sau.

Anh Nguyễn Văn Quyết ở huyện Thanh Hà - một trong những nông dân trồng hành nhiều năm cho biết, năm nay anh tiếp tục trồng 4 sào hành, dự tính như giá bán hiện nay nếu cắt dọc giá bán 15.000 đồng/kg, không cắt dọc có giá 9.000 đồng/kg như vậy trừ mọi chi phí anh cũng thu về 7 triệu đồng/sào.

Ông Nguyễn Văn Quý, trưởng Trạm Khuyến nông huyện Kinh Môn cho biết, huyện Kinh Môn có diện tích trồng cây hành lớn nhất nhì trong tỉnh, vụ đông năm 2011 toàn huyện có 3.863 ha cây vụ đông thì trong đó cây hành chiếm 2.800 ha tập trung tại các xã như Lạc Long, Thượng Quận, Hiệp Hoà, An Phụ…. Theo ông Quý, cây hành là cây ưa ẩm nhưng không ưa ngập úng, cho nên trồng cây hành quan trọng là phải đúng thời vụ (xung quanh lập đông), đất phải tơi, xốp đảm bảo chiều cao luống 25-30 cm, rãnh 30 cm để thoát nước tốt không bị ứ đọng, mật độ trồng cũng phải đảm bảo tránh dầy quá dễ phát sinh một số bệnh như bệnh sương mai, đốm vòng, thán thư.

Tại xã Lạc Long huyện Kinh Môn, đang vào thời điểm thu hoạch vụ hành. Anh Nguyễn Văn Hiện cho biết, năm 2010 gia đình anh trồng 5 sào hành, trừ mọi chi phí thu về 30 triệu đồng, gia đình anh đã nhiều năm nay luôn đưa cây hành là cây trồng chính trong vụ đông. Năm 2011, anh tiếp tục đầu tư trồng 5 sào, anh thu lãi từ 5-6 triệu đồng/sào.

Không chỉ huyện Kinh Môn, huyện Nam Sách cũng là một huyện có truyền thống trồng hành từ nhiều năm nay. Theo ông Nguyễn Hữu Vân, trưởng trạm Khuyến nông huyện, vụ đông năm 2011, huyện Nam Sách gieo trồng 2.660 ha, trong đó diện tích cây hành 1.225 ha tập trung tại các xã An Bình, Nam Trung, Nam Tân, Hợp Tiến…Bà Mạc Thị Thoa ở xã Hợp Tiến cho biết, trồng hành dễ bán, không sợ ế, cần thiết bảo quản chờ được giá bán nên nếu so với cây trồng khác cho hiệu quả ổn định, không sợ thua lỗ chỉ sợ hành không được mùa, sâu bệnh. Đã nhiều năm nay, năm nào nhà bà cũng trồng hành trung bình mỗi năm từ hành trừ chi phí cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng/sào.

Hiện nay nghề trồng hành trên địa bàn tỉnh Hải Dương phát triển mạnh, tuy nhiên nghề vẫn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch. Để nâng cao và duy trì hiệu quả từ nghề trồng hành, cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành và tổ chức tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ, phát triển thành vùng sản xuất hàng hoá, giúp tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.


Có thể bạn quan tâm

hieu-qua-trong-dua-bao-tu-khong-gian Hiệu Quả Trồng Dưa Bao… nu-nong-dan-thanh-trieu-phu-nho-trong-nam Nữ Nông Dân Thành Triệu…