Tin nông nghiệp Hướng dẫn các bước xử lý ổ dịch Dịch tả heo Châu Phi - Phần 1

Hướng dẫn các bước xử lý ổ dịch Dịch tả heo Châu Phi - Phần 1

Tác giả Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang, ngày đăng 03/06/2019

Ngày 20/5/2019, bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang đã ký Chỉ thị số 30-CT/TU về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, ngăn chặn bệnh dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) trên địa bàn Tỉnh.

Căn cứ Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn; Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang hướng dẫn các bước xử lý ổ dịch tả heo châu Phi như sau:

1. Các bước xử lý ổ dịch

2. Thuyết minh các bước

* Bước 1: Trình báo ổ dịch

- Khi hộ chăn nuôi phát hiện heo có biểu hiện nghi mắc bệnh dịch tả heo châu Phi như: Sốt cao, bỏ ăn, tím tái da, khó thở, tiêu chảy..., phải thực hiện trình báo với chính quyền địa phương.

- Nơi tiếp nhận trình báo: Hộ nuôi trực tiếp đến UBND xã, phường, thị trấn hoặc điện thoại qua số điện thoại đường dây nóng đã công bố.

- Lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn sau khi tiếp nhận thông tin thực hiện chỉ đạo Nhân viên Chăn nuôi và Thú y xác minh thông tin nhanh tại hộ nuôi.

* Bước 2: Xác minh thông tin

Nhân viên Chăn nuôi và Thú y đến hộ nuôi thực hiện kiểm tra lâm sàng (khi vào chồng nuôi thực hiện kiểm tra lâm sàng. Nhân viên Chăn nuôi và Thú y phải mặc bảo hộ lao động và mang ủng, xử lý bảo hộ khi ra khỏi chuồng nuôi), thống kê số lượng heo nuôi, trọng lượng và hướng dẫn hộ nuôi các bước xử lý tạm thời như: Khoanh vùng hạn chế người ra vào, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh.

* Bước 3: Báo cáo

- Nhân viên Chăn nuôi và Thú y sau khi thực hiện xác minh thông tin (nghi heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi) thực hiện báo cáo tình hình với Lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn và Trạm Chăn nuôi và Thú y địa phương.

- Trạm Chăn nuôi và Thú y báo cáo tình hình với Phòng Nông nghiệp và PTNT hoặc Phòng Kinh tế và Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

 * Bước 4: Lấy mẫu xét nghiệm

- Nhận được tin báo, Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cử lực lượng phản ứng nhanh của Chi cục xuống phối hợp với lực lượng phản ứng nhanh của huyện, thị, thành và xã, phường, thị trấn đến hộ nuôi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện các bước điều tra ổ dịch ban đầu. (Thực hiện lấy mẫu theo hướng dẫn tại Công văn số 387/TY-DT ngày 12/3/2019 của Cục Thú y về việc hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm bệnh dịch tả heo châu Phi. Chỉ những người trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm mới vào khu chuồng nuôi, khi vào chuồng nuôi lấy mẫu các thành viên phải mặc bảo hộ và xử lý bảo hộ trước khi ra khỏi khu vực chồng nuôi. Các thành viên khác thực hiện điều tra ổ dịch bên ngoài khu vực chuồng nuôi).

- Sau khi lấy mẫu xong, trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm từ Chi cục Thú y vùng 7 – Cục Thú y, Đoàn phải yêu cầu hộ nuôi giữ đàn heo tại chuồng và chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y tiến hành ngay việc tiêu độc khử trùng, không để người lạ ra vào khu vực chuồng nuôi, giao UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý đàn heo, không để bán tháo, bán chạy.

* Bước 5: Xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh

Căn cứ vào kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng 7, nếu mẫu xét nghiệm dương tính (+) với vi rút Dịch tả heo châu Phi. Tiến hành tiêu hủy đàn heo mắc bệnh như sau:

- Tại hộ chăn nuôi: Tổ tiêu hủy của xã, phường, thị trấn dưới sự hướng dẫn của Đội phản ứng nhanh Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Tổ tiêu hủy của huyện, thị, thành (trong trường hợp ổ dịch với tổng đàn heo lớn thì Tổ tiêu hủy của huyện, thị, thành tham gia cùng Tổ tiêu hủy của xã, phường, thị trấn để thực hiện tiêu hủy heo mắc bệnh) tiến hành theo trình tự với 2 trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Trường hợp địa điểm tiêu hủy ở ngoài khu vực hộ nuôi có ổ dịch:

+ Tất cả các thành viên Tổ tiêu hủy mặc bảo hộ cá nhân.

+ Tổ tiêu hủy cử một người rãi vôi bột từ chổ xe vận chuyển đến chuồng nuôi, rãi vôi trong khu vực chuồng và xung quanh chuồng.

+ Tổ tiến hành vào chuồng nuôi gây ngất heo cho vào bao, buộc chặt miệng bao, thực hiện cân và thống nhất về số lượng, trọng lượng với chủ hộ (chủ hộ phải mặc bảo hộ khi vào chuồng nuôi), tập trung bao chứa vào một chỗ để phun khử trùng trước khi vận chuyển ra xe, trường hợp heo lớn không vừa bao chứa phải sử dụng tấm nilon hoặc vật liệu chống thấm khác để lót bên trong (đáy và xung quanh) thùng của phương tiện vận chuyển. 

+ Di chuyển toàn bộ heo lên xe (Phương tiện sử dụng để vận chuyển heo đến địa điểm tiêu hủy phải có sàn kín; phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau khi vận chuyển đến địa điểm tiêu hủy).

+ Tất cả các thành viên Tổ tiêu hủy cởi bảo hộ cho vào bao và cử 01 người ở lại thực hiện phun xịt toàn bộ chuồng nuôi, phun xịt xung quanh chuồng, phun xịt từ chuồng ra xe vận chuyển, đưa bảo hộ của Tổ lên xe và cởi bảo hộ cho vào bao đưa lên xe.

+ Tất cả Tổ tiêu hủy cởi đồ đang mặc cho vào nước xử lý có pha hóa chất, vệ sinh cơ thể bằng xà phòng, mặc đồ mới trước khi ra khỏi hộ nuôi.

+ Phía bên ngoài bố trí lực lượng khác thực hiện phun xịt xe, xung quanh xe trước khi vận chuyển, phun xịt khi Tổ tiêu hủy di chuyển ra ngoài để đến hố tiêu hủy.

Trường hợp 2: Trường hợp địa điểm tiêu hủy tại hộ nuôi có ổ dịch:

+ Tất cả các thành viên Tổ tiêu hủy mặc bảo hộ cá nhân.

+ Tổ tiêu hủy cử một người rãi vôi bột từ vị trí mặt bảo hộ đến chuồng nuôi (trên đường chính từ ngoài vào chuồng nuôi), rãi vôi trong khu vực chuồng, xung quanh chuồng và từ chuồng đến hố tiêu hủy.

+ Tổ tiến hành vào chuồng nuôi gây ngất heo, bỏ heo vào bao, buộc chặt miệng bao, thực hiện cân và thống nhất về số lượng, trọng lượng với chủ hộ (chủ hộ phải mặc bảo hộ khi vào chuồng nuôi), tập trung bao chứa vào một chỗ để phun khử trùng trước khi vận chuyển đến hố tiêu hủy.

+ Di chuyển toàn bộ heo đến hố tiêu hủy.

+ Cử 01 người trong tổ thực hiện phun xịt toàn bộ chuồng nuôi, phun xịt xung quanh chuồng, phun xịt từ chuồng đến hố tiêu hủy.

- Tại hố tiêu hủy:

Chọn địa điểm: Hố chôn heo mắc bệnh được chọn theo hướng dẫn của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, thị, thành. Hố chôn phải cách nhà dân, giếng nước, khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ diện tích. Nên chọn nơi chôn trong vườn (tốt nhất là vườn cây ăn quả hoặc lấy gỗ). Hố được chọn ưu tiên tại khu đất của hộ nuôi có heo mắc bệnh.

Kích cỡ: Hố chôn phải đủ rộng phù hợp với khối lượng động vật, sản phẩm động vật và chất thải cần chôn. Ví dụ nếu cần chôn 1 tấn động vật thì hố chôn cần có kích thước là sâu 1,5 - 2m  x  rộng 1,5 - 2m  x  dài 1,5 - 2m. 

Hố chôn phải được đào xong và lực lượng tham gia đào hố phải di chuyển trước khi vận chuyển heo đến tiêu hủy, nếu hố chôn chọn tại hộ nuôi có ổ dịch thì lực lượng tham gia đào hố phải bố trí hướng đi vào và ra sao cho không đi ngang hoặc gần khu vực chuồng nuôi có heo bị bệnh, khi đào xong hố trước khi di chuyển ra ngoài lực lượng đào hố phải được vệ sinh, tiêu độc kỹ nhằm đảm bảo không mang mầm bệnh ra ngoài. Trong trường hợp lực lượng tham gia đào hố bắt buộc phải đi qua chuồng nuôi hoặc nhận thấy cần thiết thì lực lượng tham gia đào hố phải bắt buộc mặc bảo hộ và xử lý bảo hộ trước khi ra ngoài.

Hố được lót bạc nilon và rải một lớp vôi bột xuống đáy hố theo tỷ lệ khoảng 1 kg vôi /m2.


Có thể bạn quan tâm

huong-dan-cac-buoc-xu-ly-o-dich-dich-ta-heo-chau-phi-phan-2 Hướng dẫn các bước xử… su-dung-biogas-trong-chan-nuoi-giam-o-nhiem-moi-truong Sử dụng biogas trong chăn…