Tin nông nghiệp Hướng dẫn sản xuất rau hữu cơ - Phần 1

Hướng dẫn sản xuất rau hữu cơ - Phần 1

Tác giả 2LUA.VN tổng hợp, ngày đăng 06/01/2018

I/ LƯỢC SỬ VỀ CANH TÁC HỮU CƠ

Khó có thể nói nông nghiệp hữu cơ được xuất hiện vào lúc nào. Khái niệm “hữu cơ”, là cách lựa chọn canh tác khác được phát triển trước khi phát minh ra các hóa chất nông nghiệp tổng hợp. Nó diễn ra trong những năm 1920-1940, từ sáng kiến của một số người tiên phong cố gắng cải tiến hệ canh tác truyền thống cùng với các phương pháp đặc trưng của canh tác hữu cơ. Vào thời điểm đó, các phương pháp mới tập trung vào độ phì đất lấy mùn đất làm căn cứ và cân bằng sinh thái trong phạm vi trang trại.

Khi việc áp dụng các giống có năng suất cao kết hợp với cơ giới hóa và sử dụng các hóa chất nông nghiệp trở nên phổ biến (Nông nghiệp "Cách mạng xanh”), một số người đã phản đối hướng phát triển mới này và phô bày cách thức canh tác hữu cơ như làm phân ủ, cải tiến luân canh cây trồng, hoặc trồng cây phân xanh. Khoảng trống giữa canh tác hữu cơ và nông nghiệp thông thường (“hóa chất”) vì thế càng lớn hơn.

Do tác động tiêu cực của Cách Mạng xanh tới sức khỏe và môi trường trong những năm 1970 và 1980 ngày càng trở nên rõ ràng, nhận thức của cả nông dân và người tiêu dùng về vấn đề “hữu cơ” dần được tăng lên. Hệ thống canh tác tương tự như “Nông nghiệp vĩnh cửu” hoặc “ nông nghiệp có đầu vào từ bên ngoài thấp” (LEIA)" đã được mở rộng.

Chỉ cho đến những năm 1990, canh tác hữu cơ tăng lên mạnh mẽ. Số vụ bê bối về thực phẩm và thảm họa môi trường đã khuyến khích và làm tăng nhận thức của người tiêu dùng cùng các chính sách hỗ trợ của một số nước. Cùng thời gian đó, một loạt các cải tiến mới về kỹ thuật hữu cơ (đặc biệt là quản lý sâu hại theo phương pháp sinh học) và phân bổ hệ thống canh tác hiệu quả hơn đã được phát triển.

Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ chỉ chiếm một phần nhỏ trong nền nông nghiệp của thế giới, và với một tỉ lệ rất nhỏ trong nông nghiệp của một nước. Sự hỗ trợ từ phía nhà nước cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật hoặc marketing trong canh tác hữu cơ vẫn còn rất thấp ở hầu hết các nước. Mặc dù vậy, canh tác hữu cơ hiện nay đang hứa hẹn tốc độ tăng trưởng nhanh trên toàn thế giới. 

II/ TIÊU CHUẨN HỮU CƠ

Để được coi là một người sản xuất hữu cơ, nông dân phải tuân theo các tiêu chuẩn sản xuất nào đó trong nông nghiệp hữu cơ, ví dụ như các tiêu chuẩn được hệ thống PGS - ADDA sử dụng. Quan trọng là tất cả các tiêu chuẩn sẽ cho biết những gì sẽ được làm và không được làm trong canh tác hữu cơ, chẳng hạn như các tiêu chuẩn liên quan đến việc sử dụng hóa chất. Tóm tắt các tiêu chuẩn của PGS -ADDA sẽ được trình bày trong phụ lục 1.

Những khía cạnh quan trọng của tiêu chuẩn gồm:

Đa dạng sinh học. Nông nghiệp hữu cơ khuyến khích các sinh vật và thực vật sống cùng nhau trong phạm vi lớn, không chỉ ở cùng trên một đồng ruộng mà kể cả các vùng sinh cảnh phụ cận. Càng nhiều các loài thực vật, động vật và các sinh vật đất khác nhau sống trong hệ thống canh tác thì ở đó càng có nhiều các sinh vật giúp duy trì độ phì của đất và ngăn cản sâu bệnh hại. Tính đa dạng sinh học này sẽ giúp cho môi trường sản xuất hữu cơ có năng lực sản xuất ra những sản phẩm lành mạnh trong một môi trường cân bằng.

Vùng đệm Mỗi một vùng sản xuất hữu cơ phải được bảo vệ khỏi nguy cơ bị nhiễm các hóa chất rửa trôi hoặc bay sang từ ruộng bên cạnh. Vì thế, mỗi nông dân hữu cơ phải đảm bảo có một khoảng cách thích hợp từ nơi sản xuất rau hữu cơ đến nơi không sản xuất hữu cơ. Khoảng cách này ít nhất là 1 mét được tính từ bờ ruộng đến rìa của tán cây trồng hữu cơ. Nếu nguy cơ ô nhiễm cao thì vùng đệm sẽ phải được tính toán và bổ xung cho rộng hơn. Nếu nguy cơ ô nhiễm bay theo đường không khí thì sẽ phải trồng một loại cây để ngăn chặn sự bay nhiễm. Loại cây được trồng trong vùng đệm này phải khác với cây trồng hữu cơ. Nếu sự ô nhiễm theo đường nước thì sẽ phải tạo một bờ đất hoặc đào rãnh thoát nước để ngăn cản sự trôi nhiễm.

Sản xuất song song. để tránh sự lẫn tạp giữa các loại cây trồng hữu cơ và không hữu cơ (Dù chỉ là vô tình), tiêu chuẩn hữu cơ không cho phép một loại cây cùng được trồng trên cả ruộng hữu cơ và ruộng thông thường tại cùng một thời điểm, chẳng hạn như cùng một lúc sản xuất dưa chuột hữu cơ và dưa chuột thông thường. Có thể được chấp nhận chỉ khi các giống được trồng trên ruộng hữu cơ và ruộng thông thường có thể phân biệt được dễ dàng giữa chúng với nhau. Trường hợp này có thể áp dụng cho các giống khoai tây có màu sắc khác nhau ( màu vàng và màu đỏ) hoặc cho cà chua anh đào (cà chua bi làm salad) với cà chua có kích thứoc thông thường.

Chú ý rằng việc lẫn tạp cũng phải được ngăn chặn trong quá trình lưu kho và vận chuyển. Cho nên, sản phẩm hữu cơ sẽ phải được cất trữ và vận chuyển một cách riêng rẽ và được ghi rõ trên nhãn là “Hữu cơ”

Hạt giống và vật liệu trồng trọt. Lý tưởng nhất là tất cả các hạt giống, cây con đều là hữu cơ, tuy nhiên hiện đã được xác nhận rằng ở nước ta hiện chưa có hạt giống và cây con hữu cơ để đáp ứng cho người sản xuất hữu cơ. Nếu không sẵn có cả hạt giống thương mại hữu cơ mà cũng không tự sản xuất được thì có thể sử dụng những hạt giống, cây con không bị xử lý hóa chất hoặc xử lý chúng bằng các chất được tiêu chuẩn PGS cho phép sử dụng. Khi mua hạt giống, nông dân phải luôn kiểm tra các dấu hiệu trên bao bì đóng gói xem liệu nó đã được xử lý hay không

Các vật liệu biến đổi gen: Nông nghiệp hữu cơ ngăn chặn những rủi ro lớn tới sức khỏe và môi trường. Vì vậy, mặc dù những công nghệ phát triển mang tính khoa học cao đôi khi cũng không được chấp nhận nếu không thể dự đoán trước được những nguy cơ có thể xảy ra trong quá trìnhsản xuất chúng. Vì lý do đó, các vật liệu biến đổi gen (GMOs) không được chấp nhận vì vật liệu gen đưa vào trong một giống nào đó khi được trồng có thể lan truyền qua con đường tạp giao sang các cây hoang dại hoặc các giống không biến đổi gen cùng họ. Hậu quả tiêu cực của trào lưu công nghệ gen này có thể sẽ làm mất đi các giống quý độc nhất vô nhị hoặc các loài hoang dại. Hơn nữa, vẫn còn nhiều thắc mắc về tính an toàn khi ăn các thực phẩm biến đổi gen mà mối quan tâm đặc biệt đối với vấn đề dị ứng thực phẩm. điều này cũng rất có ý nghĩa quan trọng trong nông nghiệp hữu cơ bởi một vài loại thực vật biến đổi gen có các đặc tính không thích hợp trong canh tác hữu cơ, như các cây trồng kháng thuốc trừ cỏ hoặc các cây trồng có chứa độc tố từ vi khuẩn.

Canh tác hữu cơ không sử dụng thuốc diệt cỏ và việc sử dụng các chất điều chế từ vi khuẩn chỉ được phép sử dụng như là biện pháp cuối cùng nếu các biện pháp phòng ngừa khác không có hiệu quả.

Các đầu vào hữu cơ. Trong tiêu chuẩn PGS sẽ định hướng những loại đầu vào có thể được sử dụng trong sản xuất hữu cơ. Chú ý rằng không phải tất cả các sản phẩm trên thị trường có tên gọi “hữu cơ” hay “sinh học” đều được phép sử dụng trong canh tác hữu cơ bởi chúng có thể vẫn chứa hóa chất hoặc cách thức sản xuất ra chúng không theo các nguyên tắc hữu cơ (bằng cách sử dụng các chất biến đổi gen GMOs  chẳng hạn). Vì thế, nông dân luôn phải kiểm tra theo tiêu chuẩn PGS trước khi đưa vào sử dụng một sản phẩm mới cho sản xuất hữu cơ .

Các bước chứng nhận. Hiện ở Việt Nam chưa có chứng nhận cho các sản phẩm hữu cơ. Vì thế, chỉ có một cách khác giúp giải quyết vấn đề này đó là hệ thống PGS được tiến hành bởi dự án nông nghiệp hữu cơ ADDA - VNFU. Thông thường thì trong vòng từ 2-3 năm sau lần cuối cùng sử dụng đầu vào hóa chất trong sản xuất thì có thể hoàn toàn được chứng nhận là hữu cơ, tuy nhiên hệ thống PGS cho phép các loại rau được trồng trọn vẹn một mùa vụ theo hữu cơ (từ khi chuẩn bị đất) có thể được bán là “hữu cơ”. Quy trình chứng nhận bắt đầu ngay khi toàn bộ đất đai sản xuất được đăng ký và bắt đầu đi vào sản xuất hữu cơ. Mỗi năm nông dân đăng ký sản xuất hữu cơ sẽ được thanh tra để kiểm tra diễn biến và và tình trạng hữu cơ. 


Có thể bạn quan tâm

huong-dan-san-xuat-rau-huu-co-phan-2 Hướng dẫn sản xuất rau… nong-dan-nghe-an-chong-ret-cho-ma-xuan Nông dân Nghệ An chống…