Mô hình kinh tế Hướng Tới Sản Xuất Chè An Toàn

Hướng Tới Sản Xuất Chè An Toàn

Ngày đăng 21/06/2013

Phúc Thuận là một trong những địa phương có diện tích chè lớn của huyện Phổ Yên (Thái Nguyên), với gần 600ha. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, từ năm 2008 trở lại đây, người dân đã tập trung đưa các giống chè cành cho năng suất cao như: LDP1, TRI 777, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên... vào trồng thay thế giống chè trung du năng suất thấp.

Cùng với đó, bà con cũng từng bước áp dụng quy trình sản xuất chè sạch, chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap nhằm nâng cao giá trị kinh tế, đảm bảo sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng…

Đến xã Phúc Thuận mùa này, chúng tôi được thỏa mắt ngắm những đồi chè xanh mướt, búp mọc tua tủa. Đang vào mùa thu hoạch rộ nên bà con nông dân ai nấy cũng đều tất bật với công việc thu hái, sao chè. Chị Nguyễn Thị Thắm, một hộ dân ở xóm 7, xã Phúc Thuận nói: Đầu năm 2012, gia đình tôi cùng với 25 hộ nông dân trong hợp tác xã Chè Thống Nhất bắt đầu tham gia mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap.

Sau hơn gần 1 năm thực hiện, tôi nhận thấy năng suất, chất lượng sản phẩm chè của gia đình nâng lên rõ rệt. Các chi phí sản xuất về phân hóa học, thuốc trừ sâu... cũng giảm đáng kể. Đơn cử, nếu như trước đây, mỗi lứa nhà tôi phải phun thuốc 2, 3 lần mới được thu hoạch thì nay đã giảm xuống còn 1 lần. Năng suất chè cũng tăng lên so với trước khoảng 20%, giá bán tăng từ 100 nghìn đồng/kg lên 150 -180 nghìn đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Long, Chủ nhiệm Hợp tác xã Chè Thống Nhất cho biết: Tham gia mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGap, các hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chè từ khâu chăm sóc đến thu hái, bảo quản sản phẩm. Đồng thời, các hộ phải tuân thủ, đáp ứng các yêu cầu đề ra như: Thường xuyên cập nhật sổ sách, ghi chép về tình hình sản xuất, yếu tố nguồn nước tưới, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng và thời gian quy định...

Kết quả sau khi thực hiện đúng quy trình, cuối năm 2012, trên 10ha chè của hợp tác xã đã được cấp giấy chứng nhận chè đạt tiêu chuẩn VietGap. Việc sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGap đã góp phần thay đổi rõ rệt nhận thức của người dân.

Bà con đã chuyển từ bón phân hóa học sang bón phân sinh học, vi sinh cho chè; phun các loại thuốc nằm trong danh mục cho phép nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và chất lượng chè; dọn dẹp nhà xưởng, khu chế biến chè sạch sẽ, vệ sinh, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tránh ô nhiễm môi trường nông thôn.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cây chè đã có mặt ở Phúc Thuận cách đây khoảng 50 năm. Lúc đó, chè được trồng rải rác ở các gia đình và chủ yếu là giống chè trung du, năng suất thấp, việc tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn nên người trồng chè không “thiết tha” đầu tư cho phát triển cây chè. Tuy nhiên, xác định cây chè là cây kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nên từ năm 2008 trở lại đây, xã Phúc Thuận đã đề ra nhiều giải pháp nhằm khôi phục và phát triển diện tích chè.

Đồng chí Nguyễn Văn Ái, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo và thay thế dần giống chè địa phương năng suất, chất lượng thấp sang trồng các giống chè mới có năng suất, sản lượng cao hơn.

Ngoài ra, các hộ đăng ký trồng chè cành giống mới còn được tỉnh, huyện hỗ trợ giá giống, được mua phân bón trả chậm thông qua các tổ chức hội. Đường giao thông thuận lợi nên việc tiêu thụ chè cũng dễ dàng hơn trước nhiều. Hiện nay, diện tích chè cành của xã đã chiếm trên 60%, góp phần đưa năng suất lên chè của toàn xã tăng từ 75 tạ/ha (năm 2008) lên 90 tạ/ha như hiện nay.

Xã hiện đã có 8 xóm được công nhận làng nghề trồng và chế biến chè. Năm 2013, Phúc Thuận cũng là địa phương được Ban quản lý Dự án QSEAP- Thái Nguyên và Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện chọn làm điểm để thực hiện mở rộng mô hình sản xuất chè sạch theo quy trình VietGap với quy mô 30ha, ở các xóm: Bãi Hu, Đức Phú và Phúc Tài.

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện chăm sóc thâm canh cây chè theo hướng an toàn nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững, với mục đích đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn cho người sản xuất và bảo vệ môi trường. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm chè.


Có thể bạn quan tâm

lang-mrah-vuon-len-tu-cay-cao-su-tieu-dien Làng Mrăh Vươn Lên Từ… gap-chu-trang-trai-vit-lon-nhat-dien-bien Gặp Chủ Trang Trại Vịt…