Mô hình kinh tế Làng Mrăh Vươn Lên Từ Cây Cao Su Tiểu Điền

Làng Mrăh Vươn Lên Từ Cây Cao Su Tiểu Điền

Ngày đăng 21/06/2013

Sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) của các tổ chức quốc tế, tỉnh ta đã thực hiện dự án đa dạng hóa nông nghiệp-một trong những dự án chuyển đổi sản xuất cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc. Năm 2002, 42 hộ gia đình dân tộc Bahnar của làng Mrăh (xã Kdang, huyện Đak Đoa) được hỗ trợ cho vay vốn, cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cao su. Đến nay toàn bộ 88 ha vườn cây đã thu hoạch được 4 năm, đem lại nhiều đổi thay trong đời sống của dân làng.

Đến làng Mrăh vào một ngày mưa bay bay, dọc theo con đường làng trải nhựa sạch đẹp là những ngôi nhà khang trang, có nhà vừa xây xong vẫn còn nguyên mùi sơn mới, hàng rào thẳng tắp. Cả làng bây giờ có 66 hộ, hầu như nhà nào cũng có hai, ba chiếc xe máy, rồi xe công nông, máy cày… dựng ở sân.

Phấn khởi dẫn chúng tôi ra thăm vườn cao su xanh mướt, thẳng tắp của mình, ánh mắt ông Pấp (sinh năm 1960, làng Mrăh, xã Kdang, huyện Đak Đoa) không giấu niềm vui sướng xen lẫn tự hào. Ngày trước, khi dự án chưa về làng, hai vợ chồng ông cùng 4 người con phải chạy từng bữa cơm, nhà nghèo, quanh năm chỉ trông chờ vào vài sào lúa rẫy cả năm mới cho thu hoạch một lần. Từ ngày được hỗ trợ vốn trồng 2 ha cao su, rồi cao su cho thu hoạch, mỗi năm gia đình ông Pấp cũng thu về được hơn 150 triệu đồng. Ngoài ra, nhà ông cũng trồng thêm 2 ha cà phê, trung bình cũng thu hơn 100 triệu đồng/năm.

Giờ thì cả gia đình không còn phải lo đói nữa, trong nhà cũng sắm sửa ti vi, 3 chiếc xe máy phục vụ đi lại, 1 chiếc công nông đi rẫy và một máy cày mini để làm ruộng. Không riêng gì ông Pấp, gia đình ông Đinh Sưn (sinh năm 1962)-Trưởng thôn Mrăh cũng có thu nhập ổn định nhờ 2 ha cao su và 2 ha cà phê. Từ đó nhà cửa cũng được sửa sang, xây lại từ năm 2010.

Điều đáng mừng hơn hết là toàn bộ 42 hộ trong làng vay vốn từ dự án trong vòng 18 năm đã hoàn trả cả gốc lẫn lãi ngay từ năm đầu tiên cây cao su cho thu hoạch. Ông Đinh Sưn vui vẻ nói: “Năm 2010, giá mủ cao su cao nên nhà nào cũng gắng gom góp trả nợ sớm cho Nhà nước. Bây giờ thì trong làng không sợ đói, không sợ nghèo nữa”.

Thế nhưng bước đi ban đầu để đưa dân làng Mrăh đến với cây cao su không hề dễ dàng. Già làng Đinh Ao đưa mắt nhìn xa xăm nơi những ngọn cao su cao tít tắp, bồi hồi nhớ lại những ngày phải đi vận động, thuyết phục từng hộ gia đình làm theo dự án. Đất ngày ấy chỉ để trồng lúa rẫy, mỗi năm chỉ cho thu một vụ, trồng cà phê nhưng không chăm bón cũng thu lợi chẳng được là bao, phần lớn thì để cỏ dại mọc. Khó khăn đói kém là thế, nhưng nói cho người dân hiểu về lợi ích của cây cao su không hề dễ, hơn nữa, vì được đầu tư bằng vốn của Nhà nước nên dân làng cứ nghĩ sau này sẽ phải trả luôn cả… vườn cây cao su nên ai cũng chần chừ không muốn làm.

Nhưng nhờ chính quyền xã, trưởng thôn và già làng cùng kiên trì tuyên truyền, cuối cùng cả làng đều bị thuyết phục. Những năm đầu, khi cây còn nhỏ bà con dân làng được hướng dẫn trồng xen canh các cây hoa màu như đậu, mì,… nhằm lấy ngắn nuôi dài. “Nay thì đời sống dân làng mình khá hơn trước nhiều lắm, giàu có, sung túc hơn. Con cái được đi học đến nơi đến chốn, an ninh chính trị trong làng cũng được giữ vững” - già làng xúc động nói.

Cây cao su tiểu điền đã thực sự đem lại cuộc sống mới cho dân làng Mrăh. Từ 2 ha mà Dự án đầu tư ban đầu, nhiều gia đình đã tự mình mở rộng thêm diện tích trồng cây cao su bởi thu nhập ổn định, lại không tốn quá nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên, trước con sóng nhiều người dân từ nơi khác đổ đến mua đất trồng tiêu, chính quyền xã Kdang cũng đang trăn trở trước việc khuyến khích để dân làng giữ đất, giữ vườn cũng như giữ cuộc sống ổn định cho làng Mrăh.


Có thể bạn quan tâm

dap-tat-mam-benh-tren-dan-gia-suc Dập Tắt Mầm Bệnh Trên… huong-toi-san-xuat-che-an-toan Hướng Tới Sản Xuất Chè…