Mô hình kinh tế Huyện Lang Chánh Thát Triển Chăn Nuôi Đại Gia Súc Chưa Tương Xứng Với Tiềm Năng

Huyện Lang Chánh Thát Triển Chăn Nuôi Đại Gia Súc Chưa Tương Xứng Với Tiềm Năng

Ngày đăng 25/08/2014

Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển chăn nuôi đại gia súc, thế nhưng việc phát triển chăn nuôi của huyện Lang Chánh vẫn chưa có sự bứt phá, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện đang có chiều hướng giảm trong những năm gần đây.

Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh cho thấy, toàn huyện Lang Chánh hiện có hơn 13.300 con trâu và trên 3.500 con bò. So với năm 2012, đàn trâu của huyện giảm gần 4%, đàn bò giảm 10%, số lượng trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung cũng giảm mạnh.

Theo ông Lê Văn Hoa, phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh, nguyên nhân giảm là  do việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào chăn nuôi của người dân còn chậm và chưa đồng bộ, thiếu vốn, giá cả thị trường biến động làm ảnh hưởng đến tâm lý của người chăn nuôi. Mặt khác, diện tích đồng cỏ tự nhiên giảm, đất đồi chủ yếu trồng các loại cây nguyên liệu như mía, keo... cũng tác động không nhỏ đến việc phát triển đàn trâu, bò hàng hóa.

Trước đây, chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh của xã Đồng Lương, nhiều hộ gia đình cũng nhờ đó mà thoát nghèo bền vững. Có thời điểm, tổng đàn trâu, bò của xã lên tới hơn 1.000 con, nhiều gia trại, trang trại nuôi hàng trăm con trâu, bò.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc đồng cỏ tự nhiên bị thu hẹp, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp... nên những năm gần đây nhiều hộ gia đình đã phải giảm đàn, hoặc đầu tư vào con nuôi khác. So với năm 2012, hiện nay đàn trâu, bò của xã Đồng Lương, giảm hơn 200 con.

Anh Lê Văn Dũng, thôn Cốc, xã Đồng Lương cho hay: “Thời điểm cao nhất gia đình tôi nuôi tới 20 con trâu, bò, mỗi năm thu về cả trăm triệu đồng tiền lãi, nhưng hiện nay do điều kiện chăn thả khó khăn, dịch bệnh thường xuyên xảy ra nên gia đình phải bán bớt, hiện chỉ còn 8 con cả trâu và bò”.

Tương tự, xã Tân Phúc, một trong những xã có tiềm năng, lợi thế lớn về đất đai, nguồn thức ăn tại chỗ để phát triển chăn nuôi đại gia súc song vẫn gặp khó khăn trong phát triển đàn trâu, bò. Ông Lê Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phúc, cho biết: “Đất đai chúng tôi không thiếu, kể cả nguồn thức ăn chăn nuôi, nhưng thiếu về nguồn vốn.

Mặt khác, phần lớn hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn xã vẫn giữ tập quán chăn thả rông, chưa chủ động về chuồng trại nên đàn gia súc dễ bị dịch bệnh hoặc chết. Tính riêng trong năm 2012 toàn xã đã có hơn 100 con trâu, bò bị chết rét. Ngoài ra, mỗi năm có trên dưới 10 con trâu, bò bị chết do dịch bệnh, điều này khiến cho hiệu quả chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn xã vẫn chưa cao”.

Có thời kỳ, gia đình anh Lê Văn Nhũng, thôn Tân Tiến, xã Tân Phúc, sở hữu tới 96 con trâu, bò, thế nhưng vì thiếu vốn quy hoạch bãi chăn thả, vườn đồi rộng nhưng có độ dốc cao... nên việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, buộc gia đình anh phải giảm đàn, hiện gia đình anh Nhũng chỉ còn 24 con.

Cũng vì những lý do trên mà đàn bò của gia đình anh Lê Phi Huệ ở thôn Tân Tiến cũng giảm từ 17 con xuống còn 10 con chỉ trong vòng 3 năm gần đây. Hiện toàn xã Tân Phúc có khoảng hơn 2.200 con trâu, bò, tuy nhiên con số này đã giảm 1,5% so với  năm 2011.

Trước thực trạng trên, để đưa ngành chăn nuôi của địa phương phát triển theo hướng bền vững, ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, cho biết: “Hiện nay, huyện Lang Chánh đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích hộ chăn nuôi như đẩy mạnh công tác quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, tái cơ cấu toàn diện ngành chăn nuôi, thực hiện tốt quản lý Nhà nước về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; xây dựng gia trại, trang trại tập trung; nhân rộng mô hình cho hiệu quả kinh tế cao...”.

Tuy nhiên, để ngành chăn nuôi đại gia súc trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, huyện Lang Chánh cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng số lượng đàn trâu, bò, nâng cao hiệu quả kinh tế của từng hộ chăn nuôi. Đối với một số địa phương không có điều kiện thuận lợi để tăng tổng đàn thì tập trung vào chất lượng, giá trị con nuôi.

Bên cạnh đó, huyện cần tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, đặc biệt là những giống mới cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao và làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi một phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp sang trồng cỏ thâm canh phục vụ chăn nuôi...


Có thể bạn quan tâm

agribank-thanh-hoa-dau-tu-tin-dung-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon Agribank Thanh Hóa Đầu Tư… ngu-dan-mien-trung-trung-mua-ca-nam-thu-tien-trieu-moi-ngay Ngư Dân Miền Trung Trúng…