Tin thủy sản Khắc chế các điểm yếu của con tôm

Khắc chế các điểm yếu của con tôm

Tác giả Xuân Trường, ngày đăng 29/06/2019

Nước ta có diện tích nuôi tôm lớn, thế nhưng, hiệu quả sản xuất luôn thấp, giá bán tôm tăng giảm thất thường, sản phẩm kém cạnh tranh trên thị trường thế giới… Đây là những điểm yếu cố hữu của ngành tôm Việt Nam. Để khắc phục điều này, nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó, cốt yếu là làm sao cho ra con tôm “sạch”.

Nâng tầm tôm Việt trên thị trường thế giới 

Lo ngại cung vượt cầu

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta chia sẻ, điều kiện thời tiết thuận lợi nên dự báo sản lượng tôm từ các nước nuôi tôm lớn, như: Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan sẽ tăng dẫn đến nguồn cung tôm thế giới năm nay tăng cao hơn năm 2018 với tỷ lệ 1 con số, trong khi nhu cầu thị trường tăng trưởng tự nhiên thường chỉ 3 - 5% mỗi năm. Mặt khác, sản lượng tôm tồn kho tại thị trường Mỹ và một số nước EU hiện không nhiều nhưng do tôm cỡ lớn từ Ấn Độ các năm qua chiếm ưu thế làm cho xu thế thị trường thiếu tôm cỡ nhỏ loại 70 - 100 con/kg.

Tuy nhiên hiện nay, vấn đề sử dụng hóa chất trong nuôi tôm một cách tùy tiện, khó kiểm soát dẫn đến rủi ro cao về dư lượng chất cấm trong sản phẩm tôm xuất khẩu chính là thách thức lớn của tôm Việt Nam. Bởi, thực tế việc kiểm tra các chất cấm, chất hạn chế dư lượng ở tất cả các thị trường lớn ngày càng thắt chặt hơn cả về tần suất kiểm tra, cách kiểm tra (cả sản phẩm trên các quầy kệ trong siêu thị), làm tăng chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp. Ngoài ra, giá thành sản xuất tôm của Việt Nam còn khá cao, làm hạn chế sự cạnh tranh với các nước khác trên thị trường thế giới. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều yếu tố đầu vào như: con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học… khi đến tay người nuôi tôm đều qua nhiều trung gian làm đội giá lên 20 - 30% và đặc biệt là tỷ lệ ao nuôi thành công hiện còn rất thấp, chưa đến 50%.

Yếu tố tạo chuyển biến

Để vượt qua những thách thức từ thị trường và tăng tính cạnh tranh của ngành tôm, vấn đề hiện nay là làm sao tạo ra được con tôm sạch có chứng nhận quốc tế với giá thành hợp lý, nhằm đưa con tôm Việt Nam thâm nhập vào các hệ thống phân phối thủy sản cao cấp và nâng tầm tôm Việt trên thị trường thế giới. Giải pháp hàng đầu cho mục tiêu trên theo các chuyên gia trước hết là làm sao kiểm soát chặt chẽ các chế phẩm phục vụ nuôi tôm, kế đến là nhân rộng những mô hình mới thành công, như nuôi tôm 2 giai đoạn, nhằm giảm rủi ro.

Bên cạnh đó, cần tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm trong nuôi tôm, như: nuôi tôm 2 giai đoạn tiết kiệm nước; cải tiến hệ thống quạt nước, sục khí để giảm tiêu hao điện năng; quản lý thức ăn phù hợp để giảm chi phí thức ăn và ô nhiễm môi trường; thành lập các HTX, THT làm đầu mối để có giá mua vật tư đầu vào rẻ hơn và quan trọng nhất là kiểm soát chặt chẽ, chỉ cho lưu thông nguồn con giống tốt nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ tôm nuôi thành công.

Ông Lực đề xuất: “Cần tổ chức lại sản xuất theo xu thế tích tụ đất đai để hình thành nên các trang trại, các HTX, THT nuôi lớn đạt chuẩn chất lượng quốc tế theo yêu cầu từng thị trường, như: ASC, BAP, vì hiện nay tỷ lệ ao nuôi đạt các tiêu chuẩn này chỉ mới khoảng 5 - 7%… Một khi tôm đạt các chứng nhận đó sẽ rất dễ vào hệ thống phân phối cao cấp với giá tiêu thụ tốt. Ngoài ra, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ vốn sao cho người nuôi có thể tiếp cận dễ dàng hơn để đầu tư nâng cấp, mở rộng mô hình nuôi ngày một hiệu quả hơn”.

Theo ông Hồ Quốc Lực, từ tháng 6 trở đi, mức cung tôm thế giới bắt đầu tăng mạnh, nhất là khi 3 nước nuôi tôm lớn như Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan vào vụ thu hoạch; khả năng giá tôm khi đó sẽ giảm 10.000 - 15.000 đồng/kg so với mức giá hiện tại. Cụ thể, lúc cao điểm giá tôm loại 40 con/kg có thể chỉ còn 115.000 đồng/kg, loại 70 con/kg còn 85.000 đồng/kg.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-ca-chem-cua-bien-quang-tri Nuôi cá chẽm cửa biển… dam-bao-toc-do-tang-truong-tot-hon Đảm bảo tốc độ tăng…