Mô hình kinh tế Khảo Sát Tỷ Lệ Hao Hụt Của Lươn Nuôi Từ Nguồn Giống Khai Thác Tự Nhiên

Khảo Sát Tỷ Lệ Hao Hụt Của Lươn Nuôi Từ Nguồn Giống Khai Thác Tự Nhiên

Ngày đăng 09/09/2013

Lươn đồng cũng là đối tương có tiềm năng xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản. Hiện nay, lươn đồng đang được nuôi khá phổ biến ở nhiều địa phương của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Người dân nuôi lươn đã tận dụng đất trống xung quanh nhà để xây bể thả nuôi cũng như tận dụng được nguồn thức ăn từ cua ốc tự nhiên. Mặt khác, mô hình này cũng ít tốn công chăm sóc, chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao so với một số mô hình nuôi thủy sản khác.

Ở thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, hiện có trên 1.000 hộ nuôi lươn trong các bồn bể được xây với vật liệu xi măng hoặc với tấm bạt nilon. Nhưng nguồn giống lươn thả nuôi thì đa số các hộ nuôi đều sử dụng lươn giống khai thác từ tự nhiên. Việc sử dụng lươn giống tự nhiên chưa thích nghi trong điều kiện nuôi nhốt nhân tạo đã gây ra sự hao hụt cao về con giống sau khi thả nuôi.

Theo kết quả khảo sát vào đầu năm 2013 của Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu về tỷ lệ hao hụt của lươn nuôi từ nguồn giống khai thác tự nhiên ở địa bàn xã Tân An thuộc thị xã Tân Châu cho thấy: Tỷ lệ hao hụt trung bình của lươn nuôi ở các mô hình nuôi lươn thương phẩm là: 59,27% .

Kết quả khảo sát cũng cho thấy là lươn nuôi bị hao hụt nhiều trong khoảng thời gian 60 ngày sau khi thả giống. Tỷ lệ hao hao hụt ở giai đoạn này là: 55,77%. Nhưng ở giai đoạn sau, từ 60 ngày nuôi đến khi thu hoạch (khoảng 5- 6 tháng nuôi) thì tỷ lệ hao hụt của lươn nuôi chỉ chiếm: 3,50%.

Qua kết quả khảo sát trên cho thấy, lươn nuôi từ nguồn giống khai thác ở tự nhiên có tỷ lệ hao hụt khá cao ở thời gian đầu sau khi thả giống. Với tỷ lệ như trên, nếu tính trên diện tích nuôi lươn của toàn thị xã trong năm 2013 là 56.000 m2 và với mật độ thả trung bình là 60 con/m2 thì ước tính số lượng lươn hao hụt trên diện tích thả nuôi gần 2 triệu con lươn giống.

Theo cách tính này thì có thể cho chúng ta có sự nhận xét là đã có sự hao phí trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản ở tự nhiên. Nếu không có nhiều giải pháp đồng bộ thì nguồn lợi lươn giống ở tự nhiên sẽ cạn kiệt và đồng thời hiệu quả kinh tế của người nuôi cũng sẽ bị giảm do hao hụt cao từ việc khai thác và sử dụng lươn giống có nguồn gốc tự nhiên.

Do đó, để mô hình nuôi lươn tiếp tục là một trong những mô hình nuôi thủy sản mang lại hiệu quả cho đời sống của nông dân ở nông thôn, cần có những nghiên cứu của các nhà khoa học nhằm tìm ra các nguyên nhân hao hụt để có các biện pháp kỹ thuật nâng cao tỷ lệ sống của lươn giống ở các mô hình nuôi lươn có nguồn gốc con giống ở tự nhiên.

Về lâu dài, cần có sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước để tiếp tục nghiên cứu tìm ra các kỹ thuật mới trong việc sinh sản lươn giống nhân tạo nhằm hạn chế việc khai thác lươn giống ở tự nhiên và đáp ứng nhu cầu về con giống của các mô hình nuôi lươn thương phẩm.


Có thể bạn quan tâm

tap-huan-nuoi-ghep-ca-ro-phi-don-tinh-duc-theo-quy-trinh-vietgap Tập Huấn Nuôi Ghép Cá… cong-tac-phong-chong-dich-benh-cho-tom-tai-mot-so-dia-phuong Công Tác Phòng Chống Dịch…