Tin thủy sản Khoảng 10% sản lượng thủy sản toàn cầu bị loại bỏ

Khoảng 10% sản lượng thủy sản toàn cầu bị loại bỏ

Tác giả Diệu Thúy - Theo Undercurrentnews, ngày đăng 21/08/2017

Theo một nghiên cứu mới đây, mỗi năm các đội tàu khai thác loại bỏ gần 10 triệu tấn thủy sản trở lại biển mỗi năm, chiếm 10% sản lượng khai thác toàn cầu.

Vào đầu những năm 1950, khối lượng thủy sản bị loại bỏ thấp hơn nhiều, ở mức 5 triệu tấn mỗi năm. Con số này đã đạt mức đỉnh điểm là 19 triệu tấn năm 1989 và từ đó giảm dần xuống mức gần 10 triệu tấn hiện nay.

Theo các nhà nghiên cứu, việc loại bỏ thủy sản đánh bắt này là kết quả của các hoạt động khai thác và quản lý yếu kém. Phần bị loại bỏ là các loài thủy sản quá nhỏ, chết, không ăn được, hoặc có giá trị thị thấp.

Nghiên cứu cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến lượng thủy sản bị loại bỏ giảm. Nuôi trồng thủy sản đang phát triển mạnh, nhu cầu về một số loài thủy sản mà trước đây chưa phổ biến tăng, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á. Quản lý nghề cá tốt hơn ở một số khu vực cũng dẫn đến lượng thủy sản bị loại bỏ giảm, bao gồm các quy tắc tập trung vào việc giảm lãng phí và giảm loại bỏ thủy sản khai thác ở Na Uy và các vùng của Liên minh châu Âu.

Theo Tim Cashion, một nhà nghiên cứu tại Sea Around Us, một sáng kiến nghiên cứu tại Đại học British Columbia, việc loại bỏ thủy sản khai thác giảm là do trữ lượng các loài đang giảm.

Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến lượng thủy sản bị loại bỏ giảm là do sản lượng thủy sản khai thác toàn cầu cũng đang giảm.

Theo ước tính về sản lượng khai thác do Zeller và các đồng nghiệp của ông thực hiện, từ năm 1950 đến năm 1996, sản lượng khai thác tăng từ 28 triệu tấn/năm lên 130 triệu tấn/năm. Từ năm 1996, sản lượng đánh bắt đã giảm 1,2 triệu tấn mỗi năm.

Ngoài việc cả sản lượng đánh bắt và lượng thủy sản bị loại bỏ đang suy giảm, tỷ lệ sản lượng bị loại bỏ cũng giảm xuống. Trước năm 2000, lượng thủy sản bị loại bỏ chiếm từ 10 đến 20% lượng đánh bắt. Kể từ năm 2000, lượng thủy sản bị loại bỏ chiếm ít hơn 10% lượng đánh bắt hàng năm.

Các nghề cá công nghiệp quy mô lớn chịu trách nhiệm về số lượng lớn thủy sản bị loại bỏ, và hầu hết thủy sản bị loại bỏ - từ 93 đến 98% - đều từ các vùng đặc quyền kinh tế do các quốc gia riêng lẻ quản lý. Tuy nhiên, gần đây, lượng lớn thủy sản bị loại bỏ đã tăng lên tại các vùng biển khơi, tăng từ 1% năm 1950 tới 6% vào năm 2014.

Ở Thái Bình Dương, việc loại bỏ thủy sản đánh bắt chủ yếu xuất phát từ phía tây và trung tâm Thái Bình Dương, ngoài khơi bờ biển của Nga, Đông Á và Đông Nam Á.


Có thể bạn quan tâm

peru-xuat-khau-thuy-san-tang-61-5-trong-nua-dau-nam Peru: Xuất khẩu thủy sản… gia-cua-tuyet-cao-nhu-cau-tai-chau-a-on-dinh Giá cua tuyết cao, nhu…