"Khơi Thông" Kênh Tiêu Thụ Vải Thiều Vào Đông, Tây Nam Bộ
Chiều ngày 16/6, “Hội nghị Tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ quả vải vùng Đông - Tây Nam Bộ 2014” đã diễn ra tại TP.HCM, do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và UBND ba tỉnh, thành phố gồm: TP.HCM, Bắc Giang, Hải Dương kết hợp tổ chức.
Theo Bộ NN&PTNT, dự kiến năm nay sản lượng vải thiều đạt khoảng 190.000 tấn quả tươi, riêng lượng vải Thiều của tỉnh Bắc Giang đạt khoảng 140.000 tấn. Đặc biệt, có khoảng 8.580 ha diện tích vải Thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap với sản lượng 40.400 tấn, phân bổ tại Bắc Giang khoảng 8.500 ha (tương đương 40.000 tấn) và Hải Dương 80 ha (tương đương 400 tấn). Thời gian thu hoạch vải của hai Bắc Giang và Hải Dương kéo dài khoảng hai tháng, nhưng chín rộ chỉ trong vòng một tháng. Hiện nay đang là thời đầu vụ thu hoạch.
Những năm trước, khoảng 40% sản lượng vải Thiều xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Còn 60% sản lượng tiêu thụ trong nước chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Huế, TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.
Tuy vậy, do thu hoạch rộ trong thời gian ngắn khiến giá vải Thiều rớt nhanh, trong lúc việc bảo quản chưa đảm bảo khiến chất lượng quả giảm sút, hao hụt giá trị và doanh thu. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nhưng chưa thật sự có giải pháp giải quyết hiệu quả, cải thiện thu nhập cho người trồng vải.
Ông Bùi Văn Hạnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang- cho biết, do tác động chung, dự báo tình hình tiêu thụ vải năm nay rất khó khăn. Trước đây, có thời điểm vải rớt giá thảm hại, chỉ từ 1.000- 2.000 đồng/kg, nên người trồng vải rất khốn đốn.
Gần đây, Bắc Giang đã dần tập trung vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và tranh thủ quảng bá đặc sản này ở nhiều hội chợ nước ngoài để tìm kiếm cơ hội tiêu thụ. Ông Hạnh đề nghị Bộ Công Thương đưa việc tìm "đầu ra" cho vải Thiều vào chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, miền Đông và Tây Nam Bộ là thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản khổng lồ nhưng chưa phát huy tối đa lợi thế, trong khi đặc sản vải Thiều còn khá mới với thị trường này. Vì vaayj, trong thời gian tới, việc xây dựng các kênh phân phối, tiêu thụ vải thiều trong nước là rất quan trọng, đặc biệt là thị trường phía Nam được xem là đầu ra vững chắc cho nông sản nổi tiếng này.
Thứ trưởng cho biết, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng Bộ NN&PTNT thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và triển khai hoạt động hỗ trợ, phát triển thị trường; đồng thời, thường xuyên tổ chức chương trình kết nối cung-cầu quy mô rộng giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối, bao gồm siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh kinh doanh nông sản và chuỗi cửa hàng cung cấp sản phẩm nông sản…
Xác định việc đẩy mạnh tiêu thụ vải Thiều trong nước là cần thiết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ vải Thiều ra nước ngoài thông qua đàm phán song phương và đa phương: TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương), EFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Khu vực mậu dịch tư do châu Âu), Hiệp định Thương mại tự do- Liên minh hải quan gồm 3 nước Nga, Belarus và Kazakhstan...
Đồng thời, Bộ xúc tiến thành lập các văn phòng đại diện, văn phòng xúc tiến thương mại ở các thị trường trọng điểm để chủ động, kịp thời cung cấp thông tin, đề xuất chương trình hợp tác, thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Dịp này, đại diện UBND tỉnh Bắc Giang và Hải Dương cũng đã giới thiệu đặc sản địa phương với đại biểu tham dự hội nghị. Các đại biểu đã thảo luận về các nhóm giải pháp dài hạn liên quan đến công tác hợp tác đầu tư, sản xuất, tiêu thụ, bảo quản, chế biến, công tác quản lý chất lượng vải thiều... và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ