Tôm thẻ chân trắng Không dùng kháng sinh, liệu có thể phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp?

Không dùng kháng sinh, liệu có thể phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp?

Tác giả KS. Huỳnh Thị Bích Thinh - Công ty Vinhthinh Biostadt, ngày đăng 16/03/2019

Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (viết tắt EMS) bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2010. Có thể nói, đó là bệnh duy nhất do nguyên nhân là vi khuẩn nhưng lại gây chết cấp tính và gây thiệt hại nhiều nhất cho người nuôi (các bệnh chết cấp tính khác chủ yếu do virus) và rất khó chữa trị.

Hiện trạng 

Với EMS, người nuôi tôm Việt Nam được đánh giá là thích ứng rất tốt với tình trạng dịch bệnh so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á và trên thế giới, tuy vậy phần lớn người nuôi đều phải dùng đến ít nhất một loại kháng sinh trong ít nhất 45 ngày đầu thả nuôi để khống chế bệnh EMS.

Kháng sinh được sử dụng hiện nay chủ yếu là các dòng OTC (Oxytetracyclin), Cefotaxim (nhóm Cephalosporin thế hệ 3) và thậm chí có sử dụng cả các kháng sinh cấm thuộc dòng Quinolon như Enrofloxacin, Norfloxacin, Ciprofloxacin… Tất cả các loại kháng sinh trên đều được người nuôi mua rất dễ dàng tại các cơ sở kinh doanh thuốc Tây dùng cho con người.

Một số sai lầm khi dùng kháng sinh phòng bệnh EMS

Không thể phủ nhận rằng người nuôi đã có ít nhiều thành công trong việc dùng kháng sinh phòng bệnh EMS để có một mùa vụ an toàn. Tuy nhiên, dùng kháng sinh phòng bệnh cũng mang đến nhiều rủi ro đã biết như tạo ra chủng vi khuẩn kháng thuốc trong môi trường, gây nên mối nguy hiểm tiềm tàng ảnh hưởng đến ngành công nghiệp tôm tương lai và sức khỏe người tiêu dùng…

Bên cạnh những rủi ro đó, việc dùng kháng sinh phòng bệnh cũng mắc những sai lầm như sau:

- Kháng sinh dùng để chữa bệnh chứ không phải phòng bệnh - chẳng hạn người khỏe mạnh thì không bao giờ mua kháng sinh về uống định kỳ để phòng bất cứ bệnh gì. Việc phòng bệnh bằng kháng sinh làm cho việc chữa trị bệnh tôm không thể thực hiện được khi có bệnh thực sự xảy ra, cho dù đó là bệnh đơn giản và không khó chữa như phân trắng. Thực tế, nhiều năm trở lại đây, bệnh phân trắng cũng chết cấp tính, đó là một chỉ thị rõ ràng cho việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng.

- Kháng sinh không giúp đường ruột tôm tốt hơn, ngược lại nó có nguy cơ làm chậm tăng trưởng nếu dùng không đúng cách, thậm chí không thể tiếp tục tăng trưởng sau khi hết bệnh.

- Kháng sinh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình xuất khẩu thủy sản của đất nước, đặc biệt xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Úc và châu Âu. Ngày nay, các thiết bị phát hiện kháng sinh trong thủy sản xuất khẩu nhạy hơn và có thể phát hiện dư lượng ở mức cực kỳ thấp. Bên cạnh đó, Trung Quốc - một quốc gia tăng trưởng mạnh về nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam - ngày càng khó khăn hơn bằng những quyết sách ngăn chặn nhập khẩu bằng con đường tiểu ngạch sắp tới.

- Phần lớn các kháng sinh trôi nổi trên thị trường hiện nay không có nguồn gốc rõ ràng, thiếu kiểm chứng về thành phần, hàm lượng… dẫn đến việc khó có thể dùng kháng sinh đúng cách và giải quyết được vấn đề mong muốn.

Thay thế kháng sinh

Việc thay thế kháng sinh bằng sản phẩm an toàn, hợp pháp trong phòng bệnh EMS là nhiệm vụ cấp thiết và tối quan trọng. Phần lớn người nuôi đều hiểu về những tác hại khi dùng kháng sinh và họ luôn mong muốn nói KHÔNG với kháng sinh trong vụ nuôi của mình. Tuy vậy, nuôi tôm là nghề nghiệp, là gia tài và sự kỳ vọng kinh tế của gia đình, chưa kể việc không có một sản phẩm đủ sức thay thế kháng sinh trước đây, cho nên mong muốn trên không phải dễ dàng thực hiện.

Hiểu được tâm tư nguyện vọng đó của người nuôi tôm, Vinhthinh Biostadt đã không ngừng tìm tòi, phối hợp với các nhà nghiên cứu quốc tế… để tìm ra sản phẩm khả dĩ có thể thay thế 100% kháng sinh trong phòng bệnh EMS để hỗ trợ ngành thủy sản tốt nhất như tôn chỉ của Công ty.

Dưới đây là báo cáo tóm tắt việc ứng dụng sản phẩm MIX - ALIVE (dòng sản phẩm Alive của Vinhthinh Biostadt Group) thay thế 100% kháng sinh trong phòng bệnh EMS.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Đối tượng

Nghiên cứu được thực hiện trên tôm thẻ chân trắng và tôm sú tại các hộ nuôi tôm thương phẩm trên địa bàn từ Đồng bằng sông Hồng đến Đồng bằng sông Cửu Long; Thực hiện từ tháng 7/2017 đến tháng 10/2018.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu thực hiện tại thực địa trên 756 ao nuôi tôm thương phẩm. Mật độ thả nuôi 80 - 100 con/m2 đối với tôm thẻ chân trắng và 15 - 20 con/m2 đối với tôm sú.  Các hộ nuôi đều được sử dụng MIX-ALIVE liều 06 gr/kg thức ăn, cho ăn 02 cữ/ngày (06 giờ sáng và 16 giờ chiều). Sử dụng liên tục từ ngày nuôi thứ 07 đến ngày nuôi 60.

Trong số 756 ao nuôi sử dụng MIX - ALIVE có 448 ao sử dụng quy trình phòng bệnh EMS tổng hợp của Vinhthinh Biostadt bằng cách kết hợp xử lý khuẩn môi trường bằng sản phẩm AQUA OMINICIDE kết hợp cho ăn MIX - ALIVE.

Mẫu tôm được lấy và đánh giá sơ bộ tại ao nuôi 7 ngày/lần. Các mẫu nghi ngờ nhiễm bệnh hoại tử gan tụy sẽ được kiểm tra bằng môi trường thạch TCBS và định danh khuẩn lạc.

Nghiên cứu thực hiện để đánh giá khả năng sống sót của tôm nuôi sau 60 ngày mà không bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh gan tụy.

Kết quả và thảo luận

Khi bổ sung MIX-ALIVE vào khẩu phần ăn của tôm thương phẩm, cho thấy 83,6% số ao nuôi sống sót vượt qua 60 ngày mà không nhiễm EMS.

Khu vực Số ao thực nghiệm Số ao vượt quá 60 ngày Tỷ lệ vượt 60 ngày EMS Đốm trắng Nguyên nhân khác
Miền Trung, miền Bắc 226 179 79.2% 27 15 5
Miền Tây 530 453 85.5% 45 23 9
Tổng cộng 756 632 83.6% 72 38 14
Tỷ lệ EMS trước 60 ngày/tổng ao 9.5%
Tỷ lệ đốm trắng/tổng ao 5.0%
Tỷ lệ nguyên nhân khác/tổng ao 1.85%

Bảng 1 - Số liệu chi tiết kết quả dùng MIX ALIVE thay thế kháng sinh phòng bệnh EMS

Ngoài ra, kết quả cũng ghi nhận nếu người nuôi dùng kết hợp sản phẩm AQUA OMNICIDE để khống chế vi khuẩn gây bệnh EMS trong môi trường nước định kỳ trong 60 ngày đầu cho thấy kết quả phòng bệnh tích cực hơn rất nhiều.

Mục Quy trình kết hợp AQUAOMINICIDE và MIX ALIVE Chỉ dùng MIX ALIVE
Số ao 448 299
Số ao bị EMS trước 60 ngày 30 42
Tỷ lệ ao bị EMS 6.70% 14.0%
Số ao bị đốm trắng trước 60 ngày 16 22
Nguyên nhân khác 10 4
Tổng ao nhiễm bệnh trước 60 ngày 56 68
Tỷ lệ ao hư/trước 60 ngày 12.5% 22.7%

Bảng 2 - So sánh kết quả phòng bệnh bằng qui trình kết hợp sản phẩm so với chỉ dùng MIX-ALIVE

So sánh với kháng sinh, chi phí sử dụng MIX-ALIVE trong 60 ngày đầu để phòng bệnh EMS thấp hơn. Đối với Cefotaxim - loại kháng sinh đang được sử dụng nhiều nhất hiện nay tại Việt Nam, MIX-ALIVE rẻ hơn gấp 2 lần. Với những tác động không mong muốn của kháng sinh mang lại cho ngành công nghiệp nuôi tôm thương phẩm hiện này, chúng tôi tin rằng việc sử dụng MIX-ALIVE để thay thế kháng sinh là một giải pháp sáng suốt.

Hình 1: So sánh chi phí sử dụng MIX-ALIVE và các loại kháng sinh thường sử dụng trong 60 ngày đầu

Kết luận

Kết quả trên được khảo sát dựa trên chương trình tặng sản phẩm dùng thử đối với người nuôi tôm và tại những ao nuôi mua sản phẩm này dùng trong quy trình nuôi của mình trong một năm qua tại vài khu vực mà Công ty phân phối nhiều sản phẩm này. Nhiều khách hàng đã dùng quyết định dùng lại sản phẩm cho vụ mùa kế tiếp và cũng gặt hái được kết quả tích cực.

Kết quả cũng cho thấy tỷ lệ khống chế EMS bởi sản phẩm MIX - ALIVE thay thế kháng sinh trong quy trình mang lại rất nhiều khích lệ cho một tương lai nuôi tôm không kháng sinh.

Bên cạnh đó, với những ao nuôi dùng MIX - ALIVE để phòng bệnh, kết quả chữa bệnh EMS bằng kháng sinh tăng lên đáng kể khi tôm bị nhiễm bệnh do trước đó không dùng kháng sinh trong quy trình nuôi định kỳ. Người nuôi thực sự chỉ dùng kháng sinh để chữa bệnh, thống kê sơ bộ cho thấy có đến hơn 65% người nuôi dùng kháng sinh chữa bệnh EMS thành công khi dùng MIX - ALIVE trước đó.


Có thể bạn quan tâm

ty-le-c-n-thich-hop-cho-tom-the-chan-trang-trong-he-thong-biofloc Tỷ lệ C:N thích hợp… mot-so-bien-phap-xu-ly-nuoc-va-ky-thuat-uong-nuoi-tom-giong-tai-vung-nam-bo Một số biện pháp xử…