Tôm thẻ chân trắng Một số biện pháp xử lý nước và kỹ thuật ương nuôi tôm giống tại vùng Nam Bộ

Một số biện pháp xử lý nước và kỹ thuật ương nuôi tôm giống tại vùng Nam Bộ

Tác giả Nguyễn Huy Thạch, ngày đăng 28/02/2019

Trong quy trình sản xuất tôm giống, kỹ thuật quản lý chăm sóc bể ương ấu trùng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành công hay thất bại trong sản xuất.

I. Xử lý các chất cặn bã hữu cơ và khử trùng:

1. Thuốc tím: (KMnO4)

Thuốc tím có tác dụng loại bỏ các chất hữu cơ và kim loại nặng.

Đối với các nguồn nước biển có lượng phù sa nhiều, độ đục cao, có nhiều chất, hàm lượng kim loại nặng cao. Cần phải loại bỏ chúng trước khi đưa vào xử lý diệt trùng.

- Dựa trên các nguyên lý (1) và (2) sử dụng thuốc tím như sau:

(1) 3Fe(HCO3)2 + KMnO4 + 7H2O --> MnO2 + 3Fe(OH)3 + KHCO3 + 5H2CO3

(2) 3 H2S + KMnO4 + S + MnO + 3H2O

Thông thường lượng thuốc tím cần dùng để xử lý nguồn nước biển từ Vũng Tàu đến Cà Mau từ 0,5 đến 2mg/lít nước.

Nước biển sau khi dùng thuốc tím để xử lý sẽ có màu tím hồng nhưng nhanh mất màu và tạo kết tủa. Nếu lượng thuốc tím vừa đủ thì sau 24 giờ nước sẽ trong.

2.  Xử lý nước bằng EDTA

Ngoài ra có thể sử dụng EDTA với nồng độ 5-10ppm để xử lý nước ngay trong bể nuôi ấu trùng.

3. Khử trùng nước bằng Chlorin:

Chlorin Ca(OCl)2 khi hòa vào nước sẽ tồn tại dưới dạng Cl2.HOCl.OCl.Cl­2 có tác dụng diệt trùng cao.

Trong thực tiễn, thường dùng Chlorin với nồng độ 15-25ppm (tương đương với 5,8-9,8gr Cl2. Sau khi xử lý Chlorin, lượng Cl2 vẫn còn dư thừa trong nước, lượng dư Cl2 thừa trong nước cũng sẽ gây độc đối với tảo và ấu trùng tôm, do vậy trước khi đưa nước vào bể nuôi tôm giống phải loại bỏ lượng Cl2 dư thừa bằng Thiosulphat:

Cl2 + 2Na2S2O3.5H2O -->  Na2S2O6 + NaCl + 10H2O

* Cách kiểm tra Cl2 tự do dư thừa trong nước:

Lấy 10-20ml nước đã xử lý Chlorin rồi nhỏ 1-1 giọt thuốc thử Orthotolidin 1%. Nếu nước xuất hiện màu vàng là còn dư Cl2, nếu nước không màu chứng tỏ đã không còn dư Cl2 .

* Theo kinh nghiệm, sau 24 giờ xử lý Chlorin, người ta dùng một lượng Thiosulphat tương đương với lượng Chlorin đã sử dụng để khử trùng lượng Cl2 dư thừa trong nước.

4. Lọc cơ học:

Nước trong bể lắng đã được loại bỏ các chất hữu cơ, khử trùng sẽ được lọc qua bể lọc cát.

5. Trình tự các bước xử lý nước trong trại sản xuất tôm giống:

Bước 1: Bơm nước từ biển lên bể lắng

Bước 2: Xử lý thuốc tím (trong thời gian 24 giờ)

Bước 3: Bơm nước từ bể lắng sang bể xử lý.

Bước 4: Xử lý Chlorin trong bể xử lý (trong thời gian 24 giờ).

Bước 5: Bơm nước từ bể lắng sang bể lọc

Bước 6: Nước từ bể lọc chảy tự động hoặc bơm sang các bể nuôi theo yêu cầu.

II. Kỹ thuật nuôi ấu trùng

1. Yêu cầu chung:

Trong qui trình sản xuất tôm giống, kỹ thuật quản lý chăm sóc bể ương ấu trùng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành công hay thất bại trong sản xuất. Vì vậy, đòi hỏi kỹ thuật viên phải nắm đầy đủ và vận dụng tốt những yêu cầu kỹ thuật của quy trình đề ra. Cụ thể:

- Nắm được những đặc điểm sinh học cơ bản của tôm sú cần thiết cho sản xuất giống (về hình thái các giai đoạn ấu trùng, điều kiện môi trường sống, tính ăn trong từng giai đoạn..v.v..), kỹ thuật xử lý nguồn nước, kỹ thuật sản xuất thức ăn tự nhiên (tảo), kỹ thuật sản xuất thức ăn chế biến, kỹ thuật sử dụng thức ăn tươi sống (Artemia) để thực hiện quy trình một  cách chặt chẽ và đồng bộ.

- Thành thạo các thao tác kỹ thuật trong qua trình sản xuất như: xử lý, thuần hóa và thả Nauplius, cách cho ăn, chăm sóc, vệ sinh thay nước, kiểm tra tình trạng sức khỏe và sự phát triển của ấu trùng, vận hành sản xuất kịp thời điều chỉnh một số vấn đề thường xảy ra trong quá trình nuôi.

2. Các bước tiến hành:

2.1 Chuẩn bị nước thả Nauplius

Trại sản xuất giống đã được chuẩn bị sẵn sàng cho sản xuất, nước được cấp trước khi thả ấu trùng 1 ngày, khoảng 60% dung tích bể nuôi, sau đó cấp thêm từ từ ở giai đọan Zoae 2 và Zoae 3.

2.2 Chuẩn bị thức ăn:

Thức ăn nuôi ấu trùng gồm nhiều loại phù hợp với từng giai đoạn ấu trùng khác nhau như tảo tươi, tảo khô, thức ăn tổng hợp, thức ăn chế biến, Artemia.

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thức ăn tổng hợp dạng vi nang được dùng bổ sung thay thế một phần hoặc thay thế toàn bộ thức ăn tươi tự nhiên như AP0 Frippak, No, Lansy - tảo khô… và cho kết quả tốt. Đây là một thuận lợi cho người sản xuất điều chỉnh khi thiếu thức ăn tự nhiên. Tuy nhiên nên kết hợp thức ăn tự nhiên và thức ăn tổng hợp khô để nuôi ấu trùng thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn, chất lượng con giống tốt hơn.

Tảo tươi là thành phần thức ăn bắt buộc trong giai đoạn Zoae 1 - Zoae 3 và được duy trì cho đến cuối giai đoạn Mysis.

2.3 Mật độ nuôi ấu trùng

Mật độ nuôi ấu trùng được tính cho toàn bộ 100% dung dịch bể nuôi. Mật độ ấu trùng thưa sẽ dư thừa thức ăn, mật độ nuôi quá dày thỉ sẽ khó chăm sóc, chất lượng tôm giống kém. Nên nuôi với mật độ từ 90-130 ấu trùng/lít.

2.4 Thuần hóa, xử lý và thả ấu trùng (Nauplius)

Ấu trùng trước khi đưa vào thả nuôi cần được cân bằng các yếu tố môi trường (nhiệt độ, nồng độ muối...) giữa nơi sản xuất ấu trùng và trại ương. Việc cân bằng nhiệt độ được thực hiện bằng cách ngâm cả bao đựng Nauplius vào bể đến khi nhiệt độ nước trong bao và trong bể nuôi bằng nhau. Nếu môi trường chênh lệch không lớn lắm có thể thả Nauplius vào thùng, chậu, duy trì sục khí lấy nước trong bể nuôi thêm từ từ cho đến khi nhiệt độ cân bằng nhau.

- Xử lý ấu trùng: Nên xử lý ấu trùng trước khi thả vào bể nuôi để ngăn ngừa mầm bệnh. Cách xử lý tắm ấu trùng trong nước có chứa formalin nồng độ 200 - 300ppm (200 - 300ml formallin/1m3 nước) trong thời gian 30 giây hoặc tắm bằng Iodine nồng độ 0,1ppm trong 15 phút (lưu ý cách tính toán - pha nồng độ các hóa chất xử lý). Trong quá trình thuần hóa, xử lý, cần thay đổi toàn bộ nước đựng ấu trùng từ trại tôm mẹ, mọi thao tác phải được thực hiện nhanh gọn, nhẹ nhàng, hạn chế tối đa việc đưa ấu trùng ra khỏi môi trường nước.

2.5 Quản lý bể nuôi ấu trùng.

Đòi hỏi kỹ thuật viên vận dụng lịch chăm sóc chính xác và đầu tư thời gian thích đáng để kiểm tra, kiểm soát toàn bộ hoạt động sống và phát triển của ấu trùng, thực hiện nghiêm ngặt các bước chăm sóc và có những điều chỉnh khi cần thiết.

2.5.1 Chăm sóc Nauplius:

Giai đoạn ấu trùng Nauplius dinh dưỡng noãn hoàn nên chưa phải cung cấp thức ăn. Việc chăm sóc chỉ cần cấp sục khí nhẹ, đều, không để ấu trùng chìm xuống đáy bể và thường xuyên quan sát khi thấy xuất hiện ấu trùng Zoae thì bắt đầu cho ăn.

2.5.2 Chăm sóc ấu trùng Zoae:

Ở giai đoạn này, ấu trùng có tính ăn lọc liên tục, vì vậy mật độ tảo trong bể nuôi phải được duy trì thường xuyên, mỗi ngày cho ăn 4-5 lần tảo tươi. Tảo được cho ăn từ giai đoạn  Zoae 1 tăng dần dần ở cuối Zoae 1 đến Zoae 2, tăng tối đa ở giai đoạn Zoae 3 và giảm dần ở giai đoạn Mysis.

Trong giai đoạn Zoae 2, Zoae 3 có thể bổ sung thêm tảo khô, thức ăn tổng hợp 2-3 lần/ngày. Chú ý thường xuyên theo dõi trong bể ương lượng thức ăn thừa hay thiếu để điều chỉnh. Phải xi - phông ngay mỗi khi nhận thấy phân ấu trùng đã vón cục chìm xuống đáy tránh gây ô nhiễm nước nuôi trong giai đoạn này ta chỉ cần thêm nước.

2.5.3 Chăm sóc ấu trùng Mysis

Ấu trùng giai đoạn này có tập tính bắt mồi chủ động, thức ăn là động vật phù du. Hiện nay thức ăn sử dụng để nuôi ấu trùng Mysis chủ yếu là ấu trùng Artemia. Đây là thức ăn thích hợp nhất và thuận tiện cho người sử dụng. Thức ăn tổng hợp được bổ sung xen kẽ với Artemia.

Mõi ngày cho ăn khoảng 6-8 lần, chia đều thời gian và lượng thức ăn trong 2 ngày, chú ý tính toán lượng thức ăn sao cho vừa đủ, nếu dư thừa sẽ gây lãng phí và dễ gây ô nhiễm môi trường nuôi (ấu trùng Artemia nếu dư thừa sẽ tiếp tục phát triển trở thành sinh vật cạnh tranh với ấu trùng tôm về thức ăn và dưỡng khí).

Ấu trùng Mysis có nhu cầu dưỡng khí cao và có tập tính bơi lội dạng treo nên dễ bị lắng đáy. Do đó phải theo dõi kỹ càng để kịp thời có những điều chỉnh giúp ấu trùng bơi lội đều trong nước (như dùng vòi sục khí hoặc khuấy đảo nước để nâng ấu trùng lên). Phân của ấu trùng Mysis dạng rời rạc, lơ lửng trong nước nên phải thay nước để giữ ổn định môi trường.

Thời gian biến thái của ấu trùng Mysis tùy thuộc vào nhiệt độ nước thông thường 4-6 ngày ở nhiệt độ 27 – 290C  thì chuyển qua giai đoạn Postlarvae.

2.5.4 Chăm sóc hậu ấu trùng (Postlarvae)

Kỹ thuật chăm sóc Postlarvae tương tự như chăm sóc Mysis. Postlarvae  thường bám vào thành, đáy bể và có khả năng bơi lội chủ động ngược dòng sục khí để bắt mồi, chúng có thể ăn thịt lẫn nhau khi đói. Vì vậy trong giai đoạn này phải cho tôm ăn thật đầy đủ, thức ăn chủ yếu là Artemia và thức ăn tổng hợp. Cũng có thể dùng thêm thức ăn chế biến như: thịt hàu, tôm bóc vỏ, trứng xay nhuyễn, hấp chín, chà qua lưới, lọc lấy phần hợp cỡ để cho ăn. Sau mỗi lần cho ăn phải kiểm tra xi-phông đáy thức ăn chế biến dư thừa trong bể.

* Lưu ý: Trong giai đoạn này tôm sử dụng nhiều thức ăn nên lượng nước cần thay hằng ngày cũng phải nhiều hơn. Khi Postlarvae đạt 10-12 ngày tuổi thì có thể thu hoạch.

2.6. Quản lý chất lượng nước:

Trong quá trình sống và phát  triển ấu trùng sẽ thải phân và vỏ (do lột xác) làm dơ bẩn nước nuôi. Vì vậy muốn giữ ổn định môi trường nuôi, hàng ngày phải tiến hành vệ sinh, thay nước.

* Cách vệ sinh thay nước:

- Xi-phông đáy: Giảm nhẹ sục khí, dùng ống xi-phông hút ra toàn bộ đáy bể, loại bỏ hết cặn bã, thức ăn dư thừa, vỏ và xác ấu trùng chết ra ngoài qua vợt hoặc ống hermet thu ấu trùng còn sống thả lại bể nuôi.

- Thay nước: Dùng dụng cụ thay nước hút nước ra ngoài đến mức cần thay, sau đó cấp nước mới có cùng điều kiện thủy lý, hóa vào (để tránh xảy ra sự thay đổi đột ngột về môi trường).

* Kích thước mắt lưới sử dụng cho dụng cụ thay nước và lượng nước cần thêm, hoặc thay trong các giai đoạn ấu trùng như sau:

Giai đoạn Zoae2 và Zoae3: lượng nước cần thêm 20%.

Giai đoạn Mysis 1 đến PL1: kích thước mắt lưới là 500 (μ) và cần thay 20-30% lượng nước.

Giai đoạn PL1 đến PL5: kích thước mắt lưới là 700 (μ) và cần thay 40-60% lượng nước.

2.7 Phòng bệnh

Trong quá trình nuôi ấu trùng, do mật độ ấu trùng cao, môi trường là nước nên bệnh tật rất dễ lây lan. Do đó những biện pháp kỹ thuật đúng đắn xuyên suốt toàn bộ quy trình từ khâu xử lý nước, chuẩn bị bể, chuẩn bị thức ăn, quá trình vận hành chăm sóc được xem là phương pháp phòng ngừa bệnh hữu hiệu nhất. Bởi vì nếu kiểm soát được các yếu tố môi trường và thức ăn phù hợp sẽ giúp ấu trùng phát triển nhanh, khỏe mạnh có khả năng kháng bệnh. Ngoài ra trong quá trình sản xuất, có thể sử dụng một số loại thuốc, hóa chất (được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản) để hạn chế phát triển một số loại nấm, vi khuẩn gây bệnh. 

2.8 Thu hoạch và vận chuyển Postlarvae  

2.8.1. Thu hoạch:  

Rút cạn nước trong bể nuôi, dùng vợt vớt Postlarvae ra thùng, chậu. Tiến hành định lượng Postlarvae bằng cách đong mẫu hoặc đếm so màu mẫu để tính số lượng Postlarvae bằng cách đong mẫu hoặc đếm so màu mẫu để tính số lượng Postlarvae xuất cho người ương, nuôi đồng thời tính được kết quả sản xuất và tỷ lệ sống cho từng đợt sản xuất giống, hạch toán lỗ, lãi. 

2.8.2. Vận chuyển Postlaevae:  

Đóng tôm vào túi nilon có nước và oxy.Mật độ tôm, trong bao tùy thuộc vào quãng đường và thời gian vận chuyển. Mật độ vận chuyển thông thường là 300 - 500 PL/lít với thời gian vận chuyển trên 10 giờ; 500 - 800 PL/lít với thời gian vận chuyển dưới 10 giờ. Giữ nhiệt độ trong bao khoảng 22 - 240C có tác dụng làm tôm ít hoạt động giảm lượng tiêu hao oxy, không ăn thịt lẫn nhau sẽ giảm được sự hao hụt trong quá trình vận chuyển.  

Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao CN nông nghiệp vùng ĐBSCL


Có thể bạn quan tâm

khong-dung-khang-sinh-lieu-co-the-phong-benh-hoai-tu-gan-tuy-cap Không dùng kháng sinh, liệu… giai-phap-thay-the-khang-sinh Giải pháp thay thế kháng…