Nuôi bò Kỹ thuật nuôi bò cái sinh sản

Kỹ thuật nuôi bò cái sinh sản

Tác giả NCN, ngày đăng 22/02/2016

I. Đặc điểm sinh lý sinh sản ở bò cái:

a. Sự thành thục về tính:


Bò thành thục về tính khi nó đã sinh trưởng, và phát triển đến giai đoạn có khả năng sinh sản.

Lúc này cơ quan sinh dục bắt đầu sinh các tế bào sinh dục có khả năng thụ tinh đồng thời dưới tác dụng của Hocmon cơ quan sinh dục cũng phát triển.

Lúc này bò cái xuất hiện chu kỳ động dục.

Tuổi thành thục về tính ở các giống bò khác nhau là khác nhau, nó còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố mùa vụ, thức ăn, nuôi dưỡng chăm sóc và khí hậu.

Đối với bò VN tuổi thành thục về tính là 12-15 tháng, nhưng không thể cho bò phối vào lúc này vì sẽ ảnh hưởng xấu đến con bê sinh ra.

Bò cái nên chio nhảy lần đầu khi đã thành thục về thể vóc.

Người ta thấy rằng nên cho bò cái phối giống có chửa khi đạt ít nhất 18 tháng tuổi.

b. Chu kỳ động dục:

Sự thay đổi về tính có chất chu kỳ gọi là chu kỳ động dục.

Đối với bò chu kỳ động dục bình quân là 21 ngày (17-25 ngày).

Trong 1 chu kỳ động dục người ta chia làm 4 thời kỳ:

+ Thời kỳ trước động dục.

+ Thời kỳ động dục.

+ Thời kỳ sau động dục.

+ Thời kỳ yên tĩnh.

c. Động dục của bò cái và thời kỳ phối giống thích hợp:


Động dục là lúc mà bộ máy sinh dục của bò cái chuẩn bị mọi điều kiện để thụ thai, cũng là lúc bò cái muốn gần bò đực, bò cái động dục trong khoảng 18-36 giờ và sau khi đẻ 20-28 ngày thì bò cái có thể động dục trở lại.

+ Biểu hiện của động dục:

Triệu chứng: Bò kém ăn, nhớn nhác, nhảy lên con bò khác, âu yếm con khác hoặc để con khác nhảy lên.

Biểu hiện ở cơ quan sinh dục:

Âm hộ sưng, mép trong âm hộ màu đỏ, chảy nước nhờn từ lỏng đến đặc dần, màu chuyển từ từ trong sang đục dần, kiểm tra bên trong thấy tử cung cứng hơn bình thường, đuôi bò cái thường cong lên hoặc lệch sang một bên.

+ Thời điểm phối giống thích hợp: Thời gian rụng trứng 10-12 giờ sau khi kết thúc động dục và trứng chỉ sống trong khoảng 6-10 giờ sau khi trứng rụng.

Còn tinh trùng chỉ sống trong đường sinh dục bò cái 12-18 giờ sau khi dẫn tinh.

Vì vậy ta phải nên phối giống cho bò 2 lần để đón trước và sau, tức là lần đầu vào lúc 12 giờ sau khi bắt đầu động dục và lần 2 sau khi phối lần trước 12 giờ.

Về biểu hiện lâm sàng: Khi thấy nước nhờn keo và đục, âm hộ sưng và mặt trong chuyển sang màu đỏ đậm, nhìn thấy đuôi bò quệt nước nhờn dính và bò cái chịu đứng im cho bò đực nhảy lên.

Đó là triệu chứng phát hiện thời điểm để thụ tinh cho bò đạt kết quả cao.

II. Thụ tinh và mang thai:

Trong chu kỳ sinh dục nếu trứng chín rụng và gặp tinh trùng thì trứng có thể được thụ tinh.

Vị trí thụ tinh tốt nhất là 1/3 phía trên của ống dẫn trứng và tạo thành hợp tử.

Nếu tử cung có đủ điều kiện thì hợp tử bắt đầu làm tổ và phát triển.

Thời điểm hợp tử định vị ở tử cung và phát triển gọi là thời điểm mang thai.

Thời gian mang thai ở bò khá ổn định: 280 ngày.

Thời gian mang thai chịu ảnh hưởng của ngoại cảnh song không nhiều lắm, trong quá trình chửa bò mẹ có những thay đổi rất lớn nhằm vào mục đích bảo vệ và nuôi dưỡng thai nhi phát triển.

Đó là các thay đổi:

+ Trao đổi chất: tăng trong quá trình đồng hoá, giảm quá trình dị hoá vì vậy gia súc có chửa ăn nhiều, tỷ lệ tiêu hoá cao, tích luỹ nhiều hơn giúp bào thai phát triển.

Trong quá trình mang thai bò mẹ béo lên.

+ Quá trình mang thai chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: 0-4 tháng.

Giai đoạn 2: 5-đẻ.

Ở tháng thứ nhất trọng lượng thai là 0,003kg, đến tháng thứ 9 trọng lượng thai: 40kg.

Do vậy nhu cầu thức ăn cho việc phát triển thai là bò mẹ ăn tốt ngay từ đầu.

Đặc biệt chú ý bổ sung khoáng.

+ Thay đổi về màu: Thay đổi về thành phần và tính chất.

+ Thay đổi về hocmon: Thời gian mang thai cơ thể bò mẹ có sự thay đổi về thành phần, tính chất hoạt động, hướng tác dụng của các hocmon.

III. Động dục trở lại:

Thời gian động dục trở lại sau khi đẻ là thời gian tính bằng ngày khi xuất hiện chu kỳ động dục đầu tiên sau khi đẻ, thời gian này chịu ảnh hưởng tính năng sản xuất của bò cái sinh sản và phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

+ Giống.

+ Ảnh hưởng của quá trình đẻ.

+ Ảnh hưởng do dinh dưỡng.

Đối với đàn bò vàng VN thời gian động dục trở lại thường là 1-3 tháng sau khi đẻ.

IV. Nuôi dưỡng và chăm sóc bò cái sinh sản:


a. Nuôi dưỡng:

+ Định tiêu chuẩn thức ăn cho bò:

Để xác định ta căn cứ vào:

* Trọng lượng sống của bò.

* Thời kỳ có chửa của bò để xác định tiêu chuẩn nuôi thai.

* Dựa vào bò có kết hợp cày kéo hay không.

* Con bò cái có còn lớn (sinh trưởng) không để xác định tiêu chuẩn về sinh trưởng.

* Căn cứ vào mùa vụ để có tiêu chuẩn bồi dưỡng.

Bảng tiêu chuẩn duy trì của bò căn cứ vào trọng lượng sống (do popor)



* Căn cứ vào thời điểm có chửa:

Nếu chửa giai đoạn 1: từ 0-4 tháng thì bổ sung thêm 0,2 đơn vị thức ăn/100kg trọng lượng.

Nếu chửa giai đoạn 2: 5 tháng đến đẻ thì bổ sung thêm 0,3 đơn vị thức ăn/100kg trọng lượng.

Nếu bò cái kết hợp cày kéo nặng 1 ngày ăn thêm 2 đv TA.

Nếu bò cái kết hợp cày kéo nhẹ 1 ngày ăn thêm 1,5 đv TA.

Nếu bò chửa lứa đầu 1 ngày cho ăn thêm 1 đv TA cho 1 con.

* Khẩu phần cho bò ăn:

Nói chung bò cày kéo chủ yếu dựa vào cỏ và thức ăn giàu xơ khác, nếu bò có chửa phải làm việc thì bắt buộc phải cho ăn thêm thức ăn tinh tỷ lệ 10-15%.

Trong thời gian mang thai chú ý nên giảm cho bò ăn các thức ăn thô khó tiêu: rơm rạ, để tránh ảnh hưởng phát triển của thai.

Nhớ bổ sung thêm thức ăn khoáng cho bò: NaCL 7-9g/100kg trọng lượng/ngày, CuSO4 (2g/con/tuần), CaCL (200mg/con/tuần), Fe (70mg/kg VCK thức ăn), Mn (20-40mg/kg VCK thức ăn).

Cách bổ sung: trực tiếp qua thức ăn, nước uống, nhưng tốt nhất là qua con đường thức ăn tinh vì dễ khống chế được liều lượng.

b. Chăm sóc quản lý:

- Chăm sóc:


Bò có chửa chú ý 2 thời kỳ dễ bị sẩy thai:

+ Thời kỳ đầu 3-4 tháng: Thời kỳ này dễ bị sẩy thai do tác động của các chất hoá học: độc tố trong thức ăn, độc tố do vi khuẩn (bệnh tật).

Thời kỳ này thai kết hợp chưa chắc chắn với cơ thể mẹ qua nhau thai.

Để đề phòng sẩy thai cần chú ý các bệnh truyền nhiễm: Phát hiện và điều trị kịp thời, hợp lý, xem xét kỹ thức ăn có độc tố, lên men.

+ Thời kỳ 7-8 tháng: Giai đoạn này chú ý tác động cơ học vì thai đã lớn, giai đoạn này tác nhân hoá học ít tác động.

Giai đoạn này cần cho nghỉ cày kéo, đánh đập, báng lộn, chạy nhảy trong bầy, hạn chế chăn thả ở những vùng có địa hình phức tạp.

Nguyên tắc chung đối với gia súc có chửa:

Làm việc nặng - làm việc nhẹ - nghỉ.

Chăn thả xa - chăn thả gần - tại chuồng.

Địa hình dốc - bằng phẳng - bãi chơi.

Bò có chửa không nên chăn thả, làm việc ở thời điểm quá nóng, quá lạnh.

Đối với bò chăn thả hoàn toàn cần chăn ở những bãi chăn có bóng mát.

- Quản lý:

+ Chế độ ăn đối với bò có chửa phải chia nhỏ bữa ăn, ít nhất chia làm 3 bữa/1 khẩu phần thức ăn, tránh tập trung khẩu phần ăn vào 1 bữa.

+ Nếu nuôi bò bầy đàn lớn thì cần tách riêng những bò cái có chửa sang 1 ô, không nhốt lẫn bò chửa và bò khác dễ gây sẩy thai do tác động cơ học.

+ Căn cứ vào lịch phối giống trước khi đẻ 15 ngày (8 tháng 20 ngày) phải tách riêng bò cái có chửa sắp đẻ để dễ chăm sóc và đỡ đẻ cho bò.

c. Đỡ đẻ cho bò cái:

Thời gian mang thai của bò là 280 ngày (9 tháng 10 ngày), dựa theo lịch phối giống tách bò lúc mang thai 9 tháng để chuẩn bị đỡ đẻ.

- Những vật dụng cần chuẩn bị:

* Nước muối 10% hoặc dung dịch thuốc tím 2%.

* Cồn sát trùng 90o.

* Khăn lau khô, xà phòng, kéo, rơm hoặc rạ khô.

Trước khi bò đẻ ta cần rửa sạch bộ phận sau của bò như: mông, âm hộ, vú bằng nước muối hay thuốc tím đã chuẩn bị.

- Biểu hiện đẻ ở bò:

Bò sắp đẻ bồn chồn, lo lắng, mất bình tĩnh, lấy chân gẫy lên bụng và có biểu hiện làm ổ.

Khi sắp sinh thấy đuôi cong lên, tĩnh mạch vú căng, hai mép âm hộ nở phù có dịch nhầy chảy ra, cơ mông nhão, bầu vú căng lên.

Trước khi đẻ 2-3 giờ sẽ thấy sữa đầu.

- Đỡ đẻ cho bò:

Tay người đỡ phải rửa sạch và sát trùng bằng cồn 90o.

Trước hết kiểm tra xem thai thuận hay nghịch.

Nếu nghịch ta phải sửa lại thuận, trong trường hợp khó đẻ phải báo ngay cho thú y can thiệp kịp thời.

Khi vỡ ối, nước ối chảy ra và cũng là lúc bò rặn, thai sẽ từ từ thoát ra ngoài.

Nếu bò yếu, ta giúp bò kéo thai ra, nhớ kéo theo nhịp rặn của bò.

Khi bê ra ta bốc các chất nhờn ở mũi và miệng để cho bê hô hấp dễ dàng.

Ta dùng khăn khô lau khô bê và để bê nằm trên nệm rơm, rạ khô.

Nếu rốn không tự đứt phải dùng kéo đã được sát trùng cắt cách da bụng 5-10cm rồi tiêu độc (sát trùng) bằng cồn 90o.

Bê sau khi sanh nên cho bê bú sữa đầu càng sớm càng tốt.

Sau khi đẻ xong phải rửa sạch các bộ phận sau của bò mẹ bằng nước muối hoặc nước thuốc tím đã chuẩn bị.

Nếu sau khi sinh 12 giờ mà nhau không ra thì phải được can thiệp.

Bò đẻ thường mệt, nên cho uống thêm nước hoà cám, đường và ít muối.

Cho bò ăn cỏ non hoặc rơm khô có nhiều dinh dưỡng.

Chú ý theo dõi chăm sóc bò chu đáo trong thời gian này và dọn dẹp, tiêu độc chỗ bò đẻ.


Có thể bạn quan tâm

kinh-nghiem-nuoi-bo-sinh-san Kinh nghiệm nuôi bò sinh… mot-so-kinh-nghiem-phong-va-tri-benh-tu-huyet-trung-trau-bo Một số kinh nghiệm phòng…