Tin thủy sản Làm giàu từ nuôi cá lồng bè tại Lâm Đồng

Làm giàu từ nuôi cá lồng bè tại Lâm Đồng

Tác giả Anh Vũ, ngày đăng 07/11/2020

Nhờ mạnh dạn đầu tư nuôi nuôi cá lồng trên hồ Đắk Lô, nhiều hộ dân tại huyện Cát Tiên có thu nhập khá. Đặc biệt, một số hộ đã mạnh dạn đầu tư nhiều lồng nuôi, làm ăn bài bản nên có nguồn thu hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm. Tiêu biểu là mô hình của ông Nguyễn Hữu Tình ở thôn Tiến Thắng, xã Gia Viễn.

Hiệu quả vượt trội

Bén duyên với nghề nuôi cá lồng hồ Đắk Lô từ năm 2014, trong 5 năm (2014 – 2018), ông Tình nuôi “cuốn chiếu” các loại cá như điêu hồng, rô phi đơn tính ưa nguồn nước sạch, thời gian nuôi chỉ 6 – 7 tháng, để rút ra nhiều kinh nghiệm trong quá trình nuôi.

Kể từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm ông phát triển hơn 40 lồng cá, với nhiều loại cá giá trị cao, được thị trường ưa chuộng như cá lăng, điêu hồng… “Với quy trình sản xuất an toàn, khoa học, bình quân mỗi tháng tôi thu về trên dưới 10 tấn cá các loại. Nhờ thị trường mở rộng, giá cả ổn định. Cuộc sống đã thay đổi rõ rệt so với trước đây”, ông Tình chia sẻ.

“Để có cá thịt cung cấp thường xuyên cho thị trường, gia đình tôi đang nuôi theo hình thức gối đầu. Với 40 lồng cá hiện có, trung bình mỗi tháng tôi xuất bán từ 10 – 12 tấn cá thịt các loại, nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường. Dự tính trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ mở rộng quy mô lên từ 60 – 100 lồng để đáp ứng nhu cầu và nâng cao thu nhập” – ông Tình phấn khởi cho biết.

Hiện cá nuôi của gia đình ông Tình đang được xuất bán cho hàng chục đầu mối tiêu thụ tại huyện Cát Tiên và các tỉnh lân cận như Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk… Với giá dao động từ 35.000 – 45.000 đồng/kg, sau khi trừ tất cả các chi phí, gia đình ông thu lãi không dưới 1 tỷ đồng/năm.

Anh Nguyễn Thế Vụ (con trai ông Tình), người trực tiếp cùng ông chăm sóc đàn cá, chia sẻ: “Mặc dù nguồn nước ở hồ Đăk Lô rất thích hợp để các loại cá phát triển, nhưng khi thời tiết thay đổi, lượng phèn và axít trong nước tăng nên 2 loại cá là rô phi và điêu hồng vẫn mắc các loại bệnh như nổ mắt, thối mang. Để phòng bệnh gia đình phải thường xuyên dùng vôi để khống chế phèn và axít, đồng thời bổ sung các loại vitamin và kháng sinh cho cá… Nhờ vậy đàn cá phát triển rất tốt, ít dịch bệnh”.

Hiệu quả vượt trội về kinh tế giúp mô hình thủy sản ngày càng lan tỏa sức ảnh hưởng trên địa bàn huyện Cát Tiên, thu hút hàng chục hộ dân tham gia phát triển mô hình.

Du lịch kết hợp nuôi cá

Hồ thủy lợi Đắk Lô có diện tích hơn 300 ha và độ sâu trung bình từ 10 – 15 m nên nguồn nước dồi dào quanh năm; đây cũng là điều kiện tự nhiên ưu đãi cho việc phát triển nuôi thủy sản tại địa phương.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Tình, mấy năm đầu, khí hậu mát mẻ, trong lành, cá phát triển mạnh đem lại nguồn thu nhập lớn, gia đình ông có cuộc sống khá giả; nhưng 2 năm trở lại đây, việc nuôi cá không như mong muốn, do vào mùa khô nước hồ bị nhiễm phèn. Lượng phèn rửa trôi từ khe núi theo mưa đổ về tích tụ ở đáy hồ; khi mực nước sâu (13 m), nước trong xanh, cá không ảnh hưởng gì, nhưng vào mùa gió chướng (tháng 11) và cuối mùa khô (tháng 4 – 6) là lúc xả máng dẫn vào đồng ruộng, mực nước cạn (3 m), phèn từ đáy hồ sục lên, đỏ ngầu, không thể nuôi cá.

Để khắc phục vấn đề này, ông Tình đã giảm số lượng cá nuôi nhất là các loài nuôi ngắn ngày không chịu được phèn, chuyển qua nuôi các loại cá cao cấp như cá lăng chất lượng thịt ngon, được ưa chuộng, có hiệu quả kinh tế cao; cá điêu hồng chỉ là nuôi kèm để lấy ngắn nuôi dài. Riêng cá lăng là loài rất thích hợp với môi trường sống tại đây, dù thời gian nuôi kéo dài từ 18 – 24 tháng, nhưng sức chống chịu tốt, giá bán tại bè đến 200.000 đồng/kg. Đồng thời kết hợp nghề nuôi cá với làm du lịch.

Để kết hợp việc nuôi cá cũng như phát triển du lịch, ông Tình đầu tư thuyền đưa đón khách du lịch tham quan. Trước đây, chiếc thuyền nhỏ gắn máy chỉ chở được 10 khách, thì giờ đây, ông vừa đầu tư đóng một chiếc du thuyền lớn chắc chắn, có mái che mưa nắng, sức chứa đến 30 – 40 người. Thường mỗi ngày ông chỉ cho cá ăn no một bữa chính, khi có khách tham quan, khách sẽ được tự tay múc cám cho cá ăn để có cơ hội chiêm ngưỡng đàn cá đông đúc. Khách có nhu cầu thưởng thức cá, ông cũng sẽ đáp ứng phục vụ tận tình. Đây cũng là cách kinh doanh đem lại hiệu quả kết hợp nghề nuôi cá.


Có thể bạn quan tâm

cong-nghe-sinh-hoc-toi-uu-gia-tri-dinh-duong-cua-thuc-an-thuy-san Công nghệ sinh học -… ung-dung-cong-nghe-trong-nuoi-hau-thai-binh-duong-tai-phu-yen Ứng dụng công nghệ trong…