Tin thủy sản Ứng dụng công nghệ trong nuôi hàu Thái Bình Dương tại Phú Yên

Ứng dụng công nghệ trong nuôi hàu Thái Bình Dương tại Phú Yên

Tác giả Anh Vũ, ngày đăng 07/11/2020

Với ưu điểm phát triển nhanh, giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao, vốn đầu tư lại thấp… hàu Thái Bình Dương đang là đối tượng nuôi triển vọng tại các vùng biển, bãi triều của nhiều địa phương. Điển hình như mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương theo hướng công nghiệp tại Phú Yên.

Lợi nhuận khá

“Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm hàu Thái Bình Dương theo hướng công nghiệp tại tỉnh Phú Yên” – là dự án nông thôn miền núi cấp nhà nước được thực hiện từ cuối năm 2017. Cơ quan chủ trì là Công ty CP Bá Hải đã lựa chọn 41 hộ tham gia dự án phù hợp các tiêu chí để nuôi hàu Thái Bình Dương. Cụ thể, dự án triển khai tại 6 hộ thuộc xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) và 35 hộ tại các xã Xuân Phương, Xuân Cảnh, Xuân Bình của thị xã Sông Cầu. Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ 100% số lượng giống. Sau thời gian nuôi trung bình 6 tháng, hàu đạt kích cỡ 12 – 15 con/kg. Tất cả các hộ tham gia dự án đạt doanh thu 4 tấn/mô hình/bè 200 m2. Với giá bán trung bình 25.000 đồng/kg, lợi nhuận sau khi trừ chi phí và khấu hao mỗi hộ thu được 18 – 23 triệu đồng/vụ/bè 200 m2.

Ngoài ra, nhiều mô hình nuôi hàu cũng được áp dụng tại đây. Theo Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Phú Yên, trong những năm qua, Trung tâm đã triển khai mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương thương phẩm cho nhiều hộ ở huyện Tuy An, thị xã Sông Cầu. Mỗi lồng nuôi có khoảng 120 con, kích cỡ lồng 30 x 30 cm. Hàu Thái Bình Dương được nhập từ cơ sở sản xuất giống Thiên Phước ở tỉnh Khánh Hòa. Các hộ nuôi được hỗ trợ 100% con giống và được hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Mô hình triển khai trong vòng 8 tháng. Mô hình này cho kết quả khá khả quan, tổng sản lượng hàu thương phẩm đạt 5,8 tấn, giá bán 25.000 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí về nhân công, giống và lồng nuôi, bình quân mỗi lồng nuôi cho lợi nhuận 67.000 đồng.

Dễ nuôi, không tốn công chăm sóc

Tham gia mô hình nuôi hàu, ông Nguyễn Thanh Tú ở thôn 2, xã Xuân Hải (thị xã Sông Cầu), cho biết: Gia đình ông được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư hỗ trợ gần 17.000 con hàu giống. Gia đình tự trang bị lồng nuôi theo yêu cầu. Sau 8 tháng nuôi, bình quân mỗi ký hàu có từ 11 – 12 con, 140 lồng nuôi của gia đình thu hoạch được khoảng 100 kg hàu thịt (chưa tách vỏ). Theo ông Tú, mô hình hàu không tốn công chăm sóc, vốn đầu tư không nhiều nên các hộ gia đình đều có thể áp dụng.

Còn theo ông Nguyễn Chí Quang, một trong những hộ tham gia mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương ở thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông (huyện Tuy An), so với giống hàu bản địa thì hàu Thái Bình Dương có nhiều điểm nổi trội hơn hẳn. Thời gian sinh trưởng chỉ 8 tháng, trong khi đó, giống hàu bản địa phải mất từ 15 – 16 tháng mới thu hoạch được. Chất lượng hàu Thái Bình Dương cao hơn, ruột lớn nên được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, nuôi hàu Thái Bình Dương rất khỏe, ít tốn kém vì không phải lo thức ăn từng bữa như nuôi tôm, cá. Thức ăn chủ yếu của hàu là sinh vật phù du, mùn bã hữu cơ có trong môi trường nước. Khi nuôi hàu, người nuôi chỉ cần thường xuyên vệ sinh lồng nuôi và theo dõi nguồn nước để có cách điều chỉnh phù hợp. Cách nuôi hàu trong lồng (chi phí 15.000 đồng/lồng) như mô hình hướng dẫn giúp con hàu nhanh lớn, lại đảm bảo vệ sinh, chất lượng hàu không bị ảnh hưởng như nuôi trên tấm tôn fibro lâu nay.

Nhân rộng mô hình

Trên thực tế, các hộ nuôi hàu có thể tận dụng lồng nuôi cho nhiều vụ tiếp theo, đồng thời lấy công làm lời… thì mỗi lồng nuôi có thể cho lãi trên 100.000 đồng. Khi bà con nhân rộng mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương với quy mô lớn thì lợi nhuận sẽ tăng cao. Nhờ những kết quả này, sau khi mô hình kết thúc đã có khá nhiều hộ nuôi tiếp tục nhân rộng, phát triển nghề nuôi hàu Thái Bình Dương trong lồng.

Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Thanh Tú, hiện gia đình ông Tú đã đầu tư thêm dây hàu giống Thái Bình Dương cho vụ mới. Nhiều hộ tại địa phương cũng đã học tập và áp dụng mô hình này.

Ông Nguyễn Khắc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Phú Yên, cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay để phát triển mạnh nghề nuôi hàu là con giống tại địa phương khá khan hiếm, người nuôi phải nhập giống từ tỉnh ngoài về nên tốn kém chi phí vận chuyển. Ngoài ra, vì là đối tượng nuôi mới nên hầu hết ngư dân chưa có nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi hàu Thái Bình Dương. Thời gian tới, đơn vị sẽ tìm kinh phí để triển khai thêm nhiều mô hình, tập huấn kỹ thuật nuôi hàu Thái Bình Dương cho bà con.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Nguyễn Khắc Tân cho biết: Ngoài việc phát triển kinh tế, hàu Thái Bình Dương còn có thể nuôi ghép trong lồng bè với nhiều đối tượng nuôi khác tại các vùng nuôi trồng thủy sản của địa phương. Khi nuôi ghép, hàu sẽ ăn các loại mùn bã hữu cơ do thức ăn thừa phân hủy ra trong môi trường nuôi, giúp vệ sinh khu vực nuôi trồng thủy sản, hạn chế ô nhiễm môi trường.


Có thể bạn quan tâm

lam-giau-tu-nuoi-ca-long-be-tai-lam-dong Làm giàu từ nuôi cá… cong-nghe-thuc-an-nuoi-ca-hoi-duoc-chuan-bi-tung-ra-danh-cho-cac-loai-khac Công nghệ thức ăn nuôi…