Tin nông nghiệp Loại bọ ban đêm ăn lá gây hại hàng chục ha quế
Tin nông nghiệp Loại bọ ban đêm ăn lá gây hại hàng chục ha quế

Loại bọ ban đêm ăn lá gây hại hàng chục ha quế

Tác giả Hải Đăng, ngày đăng 26/04/2021

Hàng chục ha quế tại Lào Cai đang bị loại bọ cánh cứng gây hại, ăn lá vào ban đêm, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của cây.

Bọ cánh cứng gây hại cây quế ở Lào Cai. Ảnh: L.Hoà.

Theo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có khoảng trên 36.500 ha quế thuần loài, phân bố chủ yếu tại huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, Bắc Hà và TP Lào Cai. Cây quế mang lại giá trị kinh tế cao nên diện tích quế ngày càng được mở rộng.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra tình hình sâu bệnh hại cây lâm nghiệp mới đây cho thấy bọ cánh cứng bắt đầu phát sinh gây hại rải rác tại một số vùng trồng quế. Đặc biệt, loại bọ này gây hại hàng chục ha quế tại huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Bắc Hà.

Cục bộ ở xã Nậm Đét (huyện Bắc Hà) bọ cánh cứng gây hại mạnh, nhất là cây quế từ 2-4 năm tuổi, mật độ phổ biến 3-5 con/cành, cao 10-15 con/cành (tỷ lệ hại phổ biến 10-15% cây, cục bộ 60-70% cây).

Tại Lào Cai, bọ cánh cứng hại quế thường vũ hóa cuối tháng 3 đến giữa tháng 4. Loại bọ cánh cứng trưởng thành giao phối và đẻ trứng trong các đám cỏ hoai mục hay trên mặt đất, dưới gốc cây. Ban ngày đậu trong các tán cây, ban đêm ăn lá cây, có xu tính với ánh sáng mạnh.

Vì vậy để phòng trừ bọ cánh cứng gây hại cho cây quế có hiệu quả, bà con cần áp dụng ngay một số biện pháp.

Cụ thể, đối với những diện tích trước khi trồng, ở những vùng đã bị bọ cánh cứng gây hại cần cày sâu, làm đất kỹ, nhặt sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng để hạn chế sự tồn tại của bọ non (ấu trùng) cánh cứng.

Về biện pháp thủ công, bà con tập trung phát dọn thực bì, cuốc xung quanh gốc cây để diệt nhộng. Thử nghiệm bẫy ánh sáng bằng cách thắp điện sáng từ 19- 22h ở những khu vực có bọ cánh cứng gây hại, chúng sẽ bay đến, dùng vợt bắt đem tiêu diệt. Loài này có tính giả chết có thể rung cây để chúng rơi xuống đất, nhặt gom tiêu diệt.

Về biện pháp hóa học, bà con sử dụng một số loại thuốc có tác dụng tiếp xúc, nội hấp mạnh như: Vimatox 5SG, Comda 250EC, Actara 25WG, Dylan 5WG, Gà nòi 95SP... phun trừ. Bọ cánh cứng hại quế có khả năng di chuyển nhanh và xa nên khi phun thuốc phải áp dụng biện pháp phun bao vây (phun vòng tròn từ ngoài trong khu vực bị nhiễm).

Lưu ý, đối với các diện tích sản xuất quế hữu cơ chỉ áp dụng các biện pháp phòng trừ thủ công.


Có thể bạn quan tâm

trong-hoa-lai-vua-thom-vua-dep-lai-rung-rinh-tien Trồng hoa lài vừa thơm… nhung-luu-y-can-ban-ve-chan-nuoi-an-toan-sinh-hoc Những lưu ý căn bản…