Tin nông nghiệp Loài bọ có tập tính giả chết, đang vào mùa phát sinh gây hại quế

Loài bọ có tập tính giả chết, đang vào mùa phát sinh gây hại quế

Tác giả Lưu Hòa, ngày đăng 30/03/2022

Bọ cánh cứng có tập tính giả chết nên có thể rung cây để chúng rơi xuống đất, nhặt gom tiêu diệt. Đây là biện pháp mang lại hiệu quả cao, an toàn.

Bọ cánh cứng bắt đầu xuất hiện gây hại quế tại xã Bản Cái, huyện Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: Lưu Hòa. 

Hiện nay, bọ cánh cứng đã bắt đầu phát sinh, gây hại rải rác trên cây quế tại thôn làng Tát, làng Cù và làng Quỳ, xã Bản Cái, huyện Bắc Hà (Lào Cai) với mật độ phổ biến 3 - 5 con/cành, cao 10 - 15 con/cành.

Lào Cai hiện có khoảng trên 40.000 ha quế thuần loài, phân bố chủ yếu tại Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, Bắc Hà và TP Lào Cai. Hàng năm, bọ cánh cứng gây hại trên quế thường xuất hiện vào trung tuần tháng 3. Chúng có tập tính ăn theo đàn, thời gian gây hại ngắn song sức ăn mạnh, mức gây hại lớn, làm ảnh hưởng nặng đến sinh trưởng phát triển của cây quế.

Dự báo cuối tháng 3, đầu tháng 4 là thời điểm bọ cánh cứng phát sinh gây hại mạnh, chúng có thể cắn phá chồi, lá, cành non cây quế, ảnh hưởng lớn tới sinh trưởng phát triển của cây quế. Để phòng trừ bọ cánh cứng gây hại cho cây quế có hiệu quả, bà con cần áp dụng một số biện pháp sau:

- Đối với những diện tích trước khi trồng: Ở những vùng đã xuất hiện bọ cánh cứng gây hại, cần cày sâu, làm đất kỹ, nhặt sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng để hạn chế sự tồn tại của nhộng và bọ non (ấu trùng) bọ cánh cứng dưới đất.

- Biện pháp thủ công: Tập trung phát dọn thực bì, xới xáo xung quanh gốc cây để diệt nhộng. Bọ cánh cứng trưởng thành có xu tính mạnh với ánh sáng, có thể thắp bóng điện sáng từ 19 - 22 giờ đêm ở những khu vực có bọ cánh cứng gây hại, chúng sẽ bay đến, dùng vợt bắt đem tiêu diệt.

Ban ngày con bọ đậu ở dưới các tán lá cây, loài này có tập tính giả chết nên có thể rung cây để chúng rơi xuống đất, nhặt gom tiêu diệt. Đây là biện pháp mang lại hiệu quả cao, an toàn, song cần tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng, phát động toàn dân áp dụng thì mới đem lại hiệu quả cao.

- Biện pháp hóa học: Sử dụng một số loại thuốc như: Vimatox 5SG; Ometar 1.2 x 109 bào tử/g ; Dibamec 5 WG, Limater 7.5 EC... phun trừ. Khi phun thuốc nên áp dụng biện pháp phun bao vây khu vực bị nhiễm từ ngoài vào trong để hạn chế khả năng di chuyển (bay) của bọ cánh cứng. 

Lưu ý:

- Đối với các diện tích sản xuất quế hữu cơ, chỉ áp dụng các biện pháp phòng trừ thủ công.

- Đối với các diện tích sản xuất quế khác, ưu tiên sử dụng các biện pháp thủ công và thuốc sinh học. Khi phun thuốc cần chú ý cắm cảnh báo khu vực mới phun thuốc nhằm đảm bảo an toàn cho người và động vật và cần đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc từ 10 -14 ngày mới khai thác.

Cần đặc biệt lưu ý các diện tích quế trồng thuần loài từ 2 - 4 năm tuổi, những diện tích có sẵn nguồn bọ gây hại từ năm trước như xã Nậm Đét, Nậm Lúc, Cốc Lầu, bản Cái huyện Bắc Hà; xã Cam Cọn, Xuân Hòa huyện Bảo Yên…


Có thể bạn quan tâm

nuoi-ngan-kho-hon-ga-nhung-it-khi-thua-lo Nuôi ngan khó hơn gà,… trong-su-su-theo-quy-trinh-5-khong Trồng su su theo quy…