Tin nông nghiệp Trồng su su theo quy trình '5 không'

Trồng su su theo quy trình '5 không'

Tác giả Hoàng Anh, ngày đăng 28/03/2022

Thực hiện sản xuất theo quy trình hữu cơ, nông dân xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) giảm được chi phí, giá bán sản phẩm cao, cải thiện rất nhiều về môi trường.

Mô hình trồng su su theo quy trình hữu cơ của gia đình bà Lê Thị Chín ở xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo. Ảnh: Hoàng Anh.

Su su hữu cơ giá cao, hút khách

Thực hiện Chỉ thị của Bộ NN-PTNT về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã lựa chọn, nhân rộng các mô hình hiệu quả ở địa phương. Một trong số đó là mô hình trồng su su theo tiêu chuẩn "5 không" do Tập đoàn Quế Lâm liên kết với người dân thực hiện tại xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc).  

Đây là năm thứ hai gia đình bà Lê Thị Chín ở thôn Làng Hạ liên kết với Tập đoàn Quế Lâm thực hiện mô hình trồng su su trồng theo quy trình hữu cơ theo tiêu chuẩn "5 không": Không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất kích thích sinh trưởng, không dư lượng hóa chất độc hại. Việc thay đổi tư duy, từ bỏ tập quán canh tác cũ để ứng dụng công nghệ vi sinh vào sản xuất đã mang lại những hiệu quả rõ rệt.

Bà Chín chia sẻ, những ruộng su su canh tác theo phương pháp thông thường chỉ thu được 35 - 40 kg/sào/lần hái thì ruộng su su của gia đình bà cho sản lượng từ 45 - 50 kg. Với giá bán bình quân 14.000 đồng/kg, mỗi tháng có thể thu cả chục triệu đồng, mỗi vụ su su có thể thu hoạch kéo dài từ 7 - 8 tháng. Đặc biệt, canh tác theo mô hình hữu cơ, gia đình bà Chín đã tiết kiệm được chi phí đầu vào, giảm thiểu đầu tư.

“Trước đây bón phân vô cơ và những loại phân thông thường chi phí từ 2 - 3 triệu/sào, còn bón phân bón hữu cơ chỉ hơn 1 triệu/sào nhưng giá su su bán ra lúc nào cũng cao hơn. Su su bán chợ có nhiều giá từ 10.000 – 15.000 đồng/kg nhưng su su trồng theo hướng hữu cơ lúc nào giá cũng cao nhất. Su su không những cho ngọn nhiều hơn, mập mạp hơn mà còn được giá cao hơn khi các thương lái biết nguồn gốc canh tác theo hướng hữu cơ. Về chăm bón, phân hữu cơ không gây hại như bón phân vô cơ mà cây lại sinh trưởng tốt, chất lượng rau cũng ngon hơn rất nhiều”, bà Chín chia sẻ.

Những mô hình sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả như ở Hồ Sơn đang ngày càng lan tỏa ở Vĩnh Phúc. Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, nhận thấy nhu cầu sử dụng sản phẩm hữu cơ của người dân ngày càng tăng nên những năm qua, Vĩnh Phúc đã vào cuộc quyết liệt, có nhiều chính sách hỗ trợ người dân để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, theo hướng hữu cơ.

Tính riêng năm 2021, Vĩnh Phúc đã chi khoảng 60 tỷ đồng cho các chính sách hỗ trợ nông nghiệp an toàn như: Sản xuất theo hướng VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, xử lý rơm rạ, diệt chuột, xử lý môi trường, chăn nuôi, thủy sản…, trong đó riêng trồng trọt chiếm số vốn hỗ trợ khoảng 40 - 50 tỷ đồng.

Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh tiên phong ban hành chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ ngay từ khi xã hội chưa quan tâm nhiều đến lĩnh vực này. Từ năm 2015, Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 201/NQ-HĐND về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có chính sách hỗ trợ phân vi sinh và thuốc BVTV thảo mộc, sinh học với mức 5 triệu đồng/ha.

"Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, theo hướng hữu cơ là con đường phải đi, tuy nhiên làm thế nào để những nơi người dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ hay theo hướng hữu cơ phải được cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, việc này nhằm mục đích phân biệt sản phẩm nông sản hữu cơ trên thị trường, để người tiêu dùng dễ nhận biết", ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc nêu quan điểm. 

Nông nghiệp hữu cơ là đạo lý

PGS.TS Phạm Thị Vượng, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ Thực vật Việt Nam dẫn lời Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan rằng: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ hay sử dụng phân bón hữu cơ phải trở thành đạo lý. Chúng ta cần phải tuyên truyền cho người nông dân biết, bên cạnh lợi ích kinh tế, người nông dân cần nhận thức, lợi ích môi trường để lại cho đời sau.

PGS.TS Phạm Thị Vượng chia sẻ: Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), hiện nay hiệu quả sử dụng phân bón hóa học ở nhiều vùng đất của Việt Nam chỉ đạt 30 - 40%, vì phân hóa học không làm cho đất tơi xốp, cây khó hấp thụ, dễ bị rửa trôi và dẫn đến lãng phí phân bón.

Trong khi đó, bón phân hữu cơ vi sinh và sinh học vào đất giúp cung cấp chất hữu cơ, vi sinh vật, làm tăng độ phì nhiêu của đất. Các chủng vi sinh trong phân bón hữu cơ góp phần ức chế một số đối tượng dịch hại trong đất, do đó, cây trồng sẽ hấp thụ được các dinh dưỡng cân đối hơn, cây trồng khỏe hơn (lá cứng, dày…). Cây có khả năng chống chịu được với điều kiện bất thuận của thời tiết như nắng hạn, khô hoặc rét và tăng chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là các tập đoàn sâu bệnh trong đất, vốn là những loại sâu vô cùng khó chữa.

PGS.TS Phạm Thị Vượng dẫn chứng, những mô hình thí điểm của Tập đoàn Quế Lâm đã chứng minh, khi sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và sinh học, số lượng giun và các chủng vi sinh vật có ích tăng lên; đặc biệt, tỷ lệ hữu cơ so với dinh dưỡng đa lượng NPK đã tăng lên và kim loại nặng tồn dư do nhiều năm lạm dụng hóa chất đã giảm đáng kể trong đất…

"Sản phẩm từ các mô hình liên kết giữa Tập đoàn Quế Lâm và người nông dân, HTX chúng tôi thu hoạch và phân tích thì không có dư lượng NPK, đặc biệt là không có dư lượng Nitrat vốn là vấn đề nhức nhối trong quá trình lạm dụng phân bón hóa học. Bên cạnh đó, các chất như kim loại nặng hoàn toàn biến mất. Đó là lý do tại sao sản phẩm nông sản hữu cơ vừa ngon, vừa phát huy hiệu quả của phân bón, môi trường được cải thiện và sản phẩm bán với giá cao", PGS.TS Phạm Thị Vượng khẳng định.

Thay thế phân bón vô cơ bằng hữu cơ theo tỷ lệ phù hợp

Ngày 25/01/2022, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành Chỉ thị số 653/CT-BNN-BVTV về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả.

Chỉ thị nêu rõ: Để sử dụng phân bón tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, trách nhiệm và giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh kéo dài, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở NN-PTNT tổ chức tập huấn, truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối, hiệu quả; tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ; thay thế phân bón vô cơ bằng phân bón hữu cơ theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện sản xuất trồng trọt của địa phương.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các đơn vị liên quan tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng và nhân rộng tiến bộ kỹ thuật, giải pháp, mô hình sử dụng phân bón hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Bố trí nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ quản lý sử dụng phân bón cân đối, tránh lãng phí và triển khai chương trình sử dụng phân bón hữu cơ, mô hình sản xuất phân bón tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, rác thải sinh hoạt.

Đặc biệt, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường phân bón, các cơ sơ buôn bán tại địa phương. Phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, tích trữ, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng….

Yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, hệ thống thâm canh lúa cải tiến, gieo sạ né rầy, ứng dụng công nghệ sinh thái, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình liên kết sản xuất. Chủ trì phối hợp với các địa phương và tổ chức, cá nhân xây dựng mô hình sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các mô hình điển hình trong sản xuất nông nghiệp...


Có thể bạn quan tâm

loai-bo-co-tap-tinh-gia-chet-dang-vao-mua-phat-sinh-gay-hai-que Loài bọ có tập tính… chan-nuoi-an-toan-sinh-hoc-giup-ty-le-song-dan-vat-nuoi-dat-95 Chăn nuôi an toàn sinh…