Tin nông nghiệp Me dốt Campuchia tràn chợ Sài Gòn, khách hàng hoang mang

Me dốt Campuchia tràn chợ Sài Gòn, khách hàng hoang mang

Tác giả Hà Linh, ngày đăng 30/12/2015

Gần một tháng nay, khắp các tuyến đường TP HCM xuất hiện nhiều điểm bán me dốt bột.

Me được bán ở các hàng trái cây, đổ đống trên vỉa hè, xe đẩy.

Hàng loạt trang online cũng nhanh chóng vào cuộc rao bán loại quả này.

Giá tùy thuộc vào lời rao của điểm bán, dao động từ 130.000 đồng đến 175.000 đồng/kg.

Nhiều người bán khẳng định me dốt Campuchia, song một số điểm lại cho biết đó là me Thái, thậm chí có nơi còn cho rằng me hái từ Đà Lạt.

Chị Thảo, một khách hàng ở quận Gò Vấp, cho biết, chị từng ăn loại me này ngày còn ở quê nên giờ thấy bán ở Sài Gòn là đặt mua ăn ngay.

Tuy nhiên, sau vài lần mua với nhiều mức giá, chị nghi ngờ chất lượng, xuất xứ của loại quả này.

Tại một cửa hàng chuyên đặc sản gần bến xe quận 8, người bán khẳng định me dốt xuất xứ Campuchia, được các đầu mối ở Châu Đốc – An Giang nhập về bán lại cho điểm phân phối tại TP HCM và tỉnh.

Chị này cho rằng, thời điểm hiện tại là mùa thu hoạch me Campuchia nên mới có số lượng lớn như vậy.

“Me Thái cũng có nhưng bán quả chín chứ không phải loại dôn dốt, giá chỉ vài chục nghìn một kg.

Hơn nữa, me Thái vị ngọt, còn me dốt Campuchia thì chua chua ngọt ngọt giống với me Việt Nam.

Đây cũng là cách để phân biết nguồn gốc loại quả này”, chủ hàng cho biết.

Giá 1 kg me dốt tại cửa hàng này 160.000 đồng, nếu giao hàng tại khu vực nội thành TP HCM là 180.000 đồng.

Khách mua 0,5 kg sẽ phải trả 100.000 đồng.

Tại cửa hàng trái cây ở đường Thống Nhất- Gò Vấp, người bán lại cho biết me dốt chị lấy từ các mối buôn trái cây Thái Lan.

Giá bán lẻ ở đây 140.000 đồng/kg.

Trong khi cửa hàng bên cạnh thì quảng cáo là me dốt bột có xuất xứ…Đà Lạt! Riêng các điểm bán ở ven đường Điên Biên Phủ, Xa lộ Hà Nội, khu vực Thủ Đức thì khẳng định me dốt bột lấy từ 2 nguồn là Campuchia và Thái Lan.

Vừa đặt mua 1 kg me dốt tại cửa hàng đặc sản Campuchia ở quận Bình Thạnh với giá 180.000 đồng, ngang giá với 1 kg táo Mỹ, chị Mai ở quận Phú Nhuận cho biết, chị khá ngạc nhiên khi me, vốn là loại trái cây dân dã ở các vùng nông thôn, lại có giá cao như vậy.

“Tôi quyết định mua vì tò mò, muốn ăn thử xem me trồng trên đất chùa tháp khác thế nào với loại trồng ở Việt Nam hay Thái Lan mà khiến nhiều người TP HCM chấp nhận bỏ tiền ra đặt mua như vậy”, chị Mai nói.

Là người sành ăn, chị Thảo chia sẻ, rất dễ phân biệt quả me Việt Nam, me Thái Lan hoặc Campuchia.

Theo chị, me Thái trái to, ngọt lịm; me Việt Nam thì nhỏ hơn, trái không suôn, không đồng đều, có “u nần” và vị chua ngọt đặc trưng của trái cây chứ không ngọt lịm như me Thái.

2 tháng trước, chị có du lịch sang Campuchia, cũng đã mua loại me dốt với giá gần 70.000 đồng/kg.

Chị cho biết, me trồng trên đất nước chùa tháp cũng có dáng trái tương tự me Việt Nam.

Song khách du lịch đến đây nếu không phải người sành ăn rất dễ mua phải hàng Thái.

Trong khi đó, chị Hà ở quận 2 lại cho biết, chị vừa mua 0,5 kg me dốt với giá 70.000 đồng ở ven đường ăn thử và… nhất định không mua lần thứ 2.

Bởi khi mang về nhà kiểm tra, có hơn phân nửa số me bị hư, số còn lại ăn không có mùi vị gì của loại quả chua đặc trưng này.

“Tôi thấy nghi ngờ nguồn gốc loại me dốt đang gây sốt ở TP HCM, nhất là loại đang bán rất nhiều ven đường.

Hỏi người bán thì có nơi bảo là me Đà Lạt, nơi lại nói Thái, nơi Campuchia.

Có chủ hàng online còn rao là me Thái dốt bột trồng trên đất Việt nên vị giống me Việt.

Trong khi nếu để ý thì trái me đang bán nhiều ở TP HCM có dáng ngắn, tròn, khá đồng đều, không giống như các loại me tôi từng được ăn”, chị Hà nói.

Chị Hà hoài nghi loại me này có nguồn gốc Trung Quốc.

Song theo khẳng định của các chủ hàng, thời điểm này chỉ có me dốt Campuchia được nhập về từ miền Tây, trên thị trường chưa có me Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo một đầu mối trái cây ở chợ Bình Điền, hiện nay, các điểm bán trái cây để “bảo vệ miếng cơm” thường không tố giác dù có bị mạo nhận hàng hóa.

Tức là điểm bán me Campuchia thật sẽ không dám tố giác điểm bán me Trung Quốc mạo danh, nếu có.

Chị này giải thích, do tâm lý người tiêu dùng sợ rau quả Trung Quốc nên chỉ cần trên thị trường có thông tin loại quả này cũng bị hàng Trung Quốc nhái là ngay lập tức người tiêu dùng cảnh giác, tẩy chay.

Chính vì vậy mà dù có bị oan thì người bán chân chính cũng cắn răng chịu và chỉ tìm cách minh oan trực tiếp với riêng khách mua của mình.


Có thể bạn quan tâm

bon-phan-van-dien-cho-lua-vu-xuan Bón phân Văn Điển cho… thuong-lai-nuoc-ngoai-o-at-thu-mua-goc-cay-duong-xi Thương lái nước ngoài ồ…