Tin thủy sản Mô hình hợp tác công tư trong phát triển thủy sản hiệu quả thiết thực

Mô hình hợp tác công tư trong phát triển thủy sản hiệu quả thiết thực

Tác giả Thanh Minh, ngày đăng 23/05/2016

Theo ông Đỗ Hữu Trí - Quản lý thu mua ngành hàng thực phẩm tươi sống của Metro: “Ba điểm chính để tổ chức được dự án hợp tác công - tư thành công như Metro đang vận hành hiện nay đó là: Vai trò của doanh nghiệp trong việc chủ động kết nối nhu cầu thị trường với các cơ quan quản lý nhà nước để tìm kiếm các giải pháp phù hợp. Vai trò định hướng của cơ quan nhà nước không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho nông dân tham gia dự án. Ngoài ra, làm tốt sự phối hợp giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà nước, khách hàng và các bên liên quan - tạo nên một thể thống nhất để phát triển cân bằng giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm xã hội”.

Hiện nay, Trạm trung chuyển thủy sản Metro Cần Thơ đang cung cấp 70 - 80% lượng thủy - hải sản an toàn và chất lượng cao cho 19 trung tâm Metro cả nước. Khối lượng giao dịch hàng ngày tại đây từ 5 - 7 tấn, tối đa 10 tấn/ngày, trong đó nguyên liệu chế biến 2 - 3 tấn/ngày. Hơn 80 loài thủy sản với hơn 500 đơn vị sản phẩm (mã hàng) được nhập hàng ngày tại trạm. Đây cũng là nguồn hàng từ các hộ nông dân, trang trại nuôi trồng liên kết với Metro, với khả năng cung ứng trên 13.500 tấn/năm và được bao tiêu toàn bộ sản lượng với giá ổn định để tạo kinh tế bền vững cho các hộ nông dân tham gia dự án. Trong số đó, 41 mã hàng được cấp chứng nhận VietGAP, trên 50 tấn/tháng, đóng góp 33,3% tổng khối lượng tiếp nhận. Những sản phẩm này được kiểm tra 24 lần/năm, nhờ đó việc kiểm soát chất lượng sản phẩm đảm bảo hơn.

Trạm trung chuyển lên kế hoạch cả năm, phân bổ và rải đều giữa các nông trại nên biết rõ thời gian thu hoạch, lượng thu hoạch từng nông trại. Với sản phẩm chưa có chứng nhận VietGAP, trước khi mua, chủ nông trại phải kiểm tra trước, chứng minh chất lượng sản phẩm là an toàn, không có kháng sinh.

Ông Phùng Giang Hải - Trưởng Bộ môn thể chế Nông nghiệp, Trung tâm Thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao mô hình liên kết mà Metro đang triển khai. Ông cho rằng: “Đây không chỉ là mô hình hiệu quả về mặt kinh tế cho doanh nghiệp mà còn giúp nhà nước trong xây dựng, quản lý dự án nông nghiệp. Đặc biệt, nông dân còn được hưởng lợi từ việc tiếp cận các khóa đào tạo về sản xuất hiện đại, được doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật từ chuyên gia, có đầu ra ổn định và nhiều lợi ích khác. Đây là một giải pháp được đánh giá tương đối hoàn thiện nhất ở thời điểm hiện tại”.

Ông Hải cũng gợi ý mở rộng mô hình này qua các lĩnh vực khác ngoài thủy sản như chăn nuôi. Hiện nay mô hình hợp tác công - tư đang là chủ trương lớn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có rất nhiều doanh nghiệp tham gia. Ngoài ra, ông Hải cũng hướng dẫn doanh nghiệp tháo gỡ một số khó khăn trong việc tổ chức, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và tăng hiệu quả cho dự án.

Từ năm 2011, Metro hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai dự án hợp tác công - tư (PPP), hiện thực hóa sáng kiến “Tầm nhìn mới cho nông nghiệp” do 6 tập đoàn hàng đầu thế giới, trong có Metro Cash & Carry đề xuất tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos (Thụy Sĩ) với mục tiêu nâng cao thu nhập nông dân và môi trường sống tốt hơn. Theo đó, Metro xây dựng chuỗi cung ứng thủy sản chất lượng cao, bền vững cho thị trường nội địa - vốn đang bị bỏ ngỏ.

Đến nay, Metro đã tổ chức đào tạo cho hơn 20.000 nông dân, ngư dân, nhà sản xuất và cán bộ địa phương đạt Chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (VietGAP). Chứng nhận này giúp nông dân sản xuất hiệu quả và đạt lợi nhuận cao hơn khi tham gia thị trường nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Metro kết nối nông dân, nhà sản xuất, nhà cung cấp với hệ thống phân phối hiện đại, tạo đầu ra ổn định và bền vững.


Có thể bạn quan tâm

toan-tinh-da-thanh-lap-516-to-doi-doan-ket-khai-thac-thuy-san-tren-bien Toàn tỉnh đã thành lập… gap-nguoi-phu-nu-mien-trung-dam-mo-xuong-dong-tau Gặp người phụ nữ miền…