Tin thủy sản Móng Cái: Hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản

Móng Cái: Hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản

Tác giả Trung Thành, ngày đăng 16/01/2018

TP Móng Cái có trên 50km bờ biển, trên 6.000ha đất bãi triều, hơn 2.700ha ao, đầm nuôi trồng thủy sản; với nguồn lợi thủy sản tự nhiên và nuôi trồng phong phú, giá trị, có thị trường tiêu thụ sản phẩm thuận lợi,… là lợi thế quan trọng cho việc phát triển ngành thủy sản của địa phương.

Thu hoạch tôm tại hộ gia đình bà Vương Thị Cứu, khu 9, phường Hải Hòa. 

Trong thời gian qua, Móng Cái đã tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước về quy hoạch đối với lĩnh vực thủy sản. Đẩy mạnh việc thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế vào nuôi trồng thủy sản. Tăng cường quản lý tàu cá và phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý sản xuất giống, nuôi trồng, khai thác, thu mua và dịch vụ hậu cần nghề cá đảm bảo VSATTP.

Trong 3 năm trở lại đây, Móng Cái đã thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế nuôi trồng thủy sản tại 12/12 xã, phường đạt trên 1.500 tỷ đồng. Trong đó cơ sở hạ tầng vùng nuôi chủ yếu do các doanh nghiệp và các hộ dân đầu tư (trạm điện, hệ thống đường dây, kiên cố ao, đầm nuôi bằng bê tông, lót bạt, trang thiết bị máy móc, khoa học công nghệ...). Việc áp dụng tiến bộ KHKT vào các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên địa bàn đạt nhiều kết quả, Móng Cái trở thành một trong những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung lớn của tỉnh.

Hiện nay, thành phố có trên 1.142 hộ nuôi trồng thủy sản, trong đó có 109 hộ nuôi thâm canh; 922 hộ nuôi bán thâm canh, các hình thức nuôi khác là 111 hộ. Các hộ dân, doanh nghiệp đã cải tạo, ngăn ô, lát bê tông, lót bạt toàn phần, đầu tư hệ thống xả đáy, hệ thống xử lý nước, hệ thống quạt, sục khí, dùng máy bắn thức ăn; giống nuôi, thức ăn, hoá chất, các chế phẩm sinh học được đảm bảo, rõ nguồn gốc của các nhà sản xuất. Một số hộ nuôi tại các xã Hải Hòa, Vạn Ninh đang mạnh dạn đầu tư nhà bạt để nuôi tôm đạt kết quả cao, đưa năng suất nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh bình quân đạt 7 - 8  tấn/ha (đặc biệt có hộ đạt 10 - 15 tấn/ha).

Theo đó, tổng sản lượng thủy sản năm 2017 trên địa bàn TP Móng Cái đạt 18.890 tấn, đạt 128,2% kế hoạch, tăng 22,3% cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 7.889 tấn, đạt 120,2% kế hoạch; sản lượng nuôi trồng 11.001 tấn, đạt 134,6% kế hoạch. 

Bên cạnh đó, thành phố đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, ngăn chặn sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc hại và nghề khai thác thủy sản bị cấm, nhất là sử dụng lồng bát quái. Móng Cái đã thành lập các đoàn phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng, Công an thành phố, các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra các cá nhân, tổ chức hoạt động thủy sản trên biển. Trong năm 2017, qua kiểm tra, các lực lượng đã phát hiện, xử lý 119 vụ vi phạm, phạt vi phạm hành chính 447,75 triệu đồng; cưỡng chế giải tỏa tháo dỡ 61 bộ đăng đáy (lưới săm).

Năm 2018, thành phố phấn đấu tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm và thuỷ sản 6,2% so với năm 2017; tổng diện tích mặt đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt gần 2.000ha. Để đạt được kế hoạch này, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi thâm canh, bán thâm canh, hình thành và khuyến khích hoạt động sản xuất thủy sản theo chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Nhất là tiếp tục nghiên cứu nuôi một số đối tượng khác phù hợp (cá song, cá rô, cua, ghẹ, nhuyễn thể) triển khai nuôi thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng trừ dịch bệnh.

Để nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm nuôi trồng, thành phố khuyến khích các hộ nuôi tăng cường áp dụng KHKT, các hệ thống quản lý tiên tiến (GAP, BMC, CoC...) vào các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Đưa các sản phẩm nuôi thủy sản là thế mạnh của địa phương tham gia vào các chương trình OCOP của tỉnh như: Tôm chân trắng (sản phẩm tôm sấy khô nguyên con, tôm luộc nguyên con), ghẹ (ruốc ghẹ, ghẹ xay, bột nêm từ ghẹ...)... đảm bảo tiêu chuẩn, gắn nhãn mác thương hiệu để từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Hy vọng rằng với những giải pháp trên, TP Móng Cái sẽ tiếp tục phát huy lợi thế sẵn có để đưa nghề nuôi trồng thuỷ sản phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm nghèo, giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương, thực hiện thắng lợi mục tiêu năm 2018.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-ca-phai-biet-ky-nang-chong-ret-neu-khong-ca-se-chet Nuôi cá phải biết kỹ… trung-quoc-nganh-dich-vu-an-uong-chon-ca-tra-viet-nam-hon-ca-ro-phi-trong-nuoc Trung Quốc: Ngành dịch vụ…