Trồng lúa Một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa trước và sau trỗ

Một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa trước và sau trỗ

Tác giả TTKNKN Vĩnh Phúc, ngày đăng 07/03/2019

Hiện nay diện tích lúa Xuân tỉnh ta đang ở giai đoạn phân hóa đòng đến trỗ. Một số diện tích lúa bà con bón không cân đối các loại phân bón, đặc biệt là thiếu Kali, nên khi bị ảnh hưởng của điều kiện thời tiết bất thuận đầu lá lúa bị vàng, khô. Mặt khác, đây là giai đoạn cây lúa mẫn cảm nhất với các điều kiện tự nhiên. Vì vậy, khi chăm sóc lúa ở giai đoạn này, bà con cần lưu ý một số biện pháp như sau:

- Duy trì nước tưới trên ruộng để cây lúa phân hóa đòng - trỗ được tốt.

- Tiến hành bón phân thúc bổ sung: 2,5-3,0 kg kali/sào. Tuyệt đối không được bón thừa đạm, vì đây là điều kiện thuận lợi cho sâu, bệnh, nhất là bệnh khô vằn, sâu cuốn lá, rầy nâu gây hại. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại phân kali, khuyến cáo bà con chỉ nên sử dụng loại Kali đỏ 60% mới đảm bảo đủ tỷ lệ Kali giúp lúa cứng cây, tăng khả hút các dinh dưỡng khác để cây lúa phát triển khoẻ, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh hại, là tiền đề cho năng suất cao.

- Để cây lúa vào hạt tốt, trước và sau trỗ từ 5- 7 ngày bà con có thể phun bổ sung thuốc Tiltsuper kết hợp với phân bón lá giàu kali như Multi-K sẽ giúp cho tỷ lệ hạt chắc/bông cao hơn, hạt lúa mẩy sáng hạt.

Hiện nay đang là cao điểm sâu bệnh phát sinh gây hại. Vì vậy, bà con cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại. Đặc biệt lưu ý sâu đục thân, rầy nâu, bệnh khô vằn và bệnh đạo ôn. Sử dụng thuốc BVTV khi mật độ, tỷ lệ sâu bệnh đến ngưỡng phòng trừ. Khi sử dụng thuốc phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng cũng như theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì của từng loại thuốc và theo khuyến cáo của ngành Bảo vệ thực vật.

Chúc bà con nông dân có những mùa màng bội thu!


Có thể bạn quan tâm

mot-so-luu-y-khi-gieo-ma-vu-mua-va-lam-dat-truoc-khi-cay Một số lưu ý khi… mo-hinh-giam-luong-giong-gieo-sa Mô hình giảm lượng giống…