Tôm thẻ chân trắng Một số kinh nghiệm quản lý môi trường và dịch bệnh nuôi tôm trên cát

Một số kinh nghiệm quản lý môi trường và dịch bệnh nuôi tôm trên cát

Tác giả Viện Nghiên cứu NTTS III, ngày đăng 24/09/2018

Kinh nghiệm quy hoạch và tổ chức quản lý vùng nuôi ở xã Phong Hải, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế

Thường xuyên kiểm tra tôm và môi trường ao nuôi. Ảnh: VM 

+ Tổ chức công khai quy hoạch: Họp thôn, khu dân cư công bố quyết định phê duyệt quy hoạch; lập bảng công khai quy hoạch tại trung tâm xã và các điểm quy hoạch chi tiết; thực hiện cắm mốc quy hoạch trên thực địa. Việc làm này nhằm tạo điều kiện cho người dân nắm bắt được thông tin về quy hoạch, qua đó giúp mọi người hiểu và thực hiện theo.

+ Đầu tư hạ tầng trong khu nuôi thủy sản ở các hộ gia đình cần được chú trọng: ao lắng, ao nuôi, ao xử lý thải, giao thông nội vùng... cần được đầu tư, cải tạo. Trong đó, việc xây dựng ao xử lý thải thực hiện theo từng tiểu khu nuôi và theo nhóm hộ nuôi trồng thủy sản.

+ Hình thành các Tổ tự quản, HTX NTTS: Song song với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thực hiện quản lý, quy hoạch vùng nuôi, việc tập trung vào công tác tổ chức sản xuất như bố trí cán bộ theo dõi, hình thành HTX NTTS và tổ tự quản trong nuôi tôm trên cát nhằm tăng cường công tác kiểm soát việc chấp hành đăng ký kiểm dịch giống thả nuôi, chấp hành đúng khung lịch thời vụ của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Kinh nghiệm quản lý môi trường vùng nuôi tôm và chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

+ Phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi, khuyến cáo kịp thời cho người nuôi.

+ Tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát người nuôi tôm thực hiện nghiêm các yêu cầu kỹ thuật trong xây dựng ao nuôi, ao chứa lắng và xử lý thải; tuân thủ cải tạo ao, xử lý ao nuôi đúng quy trình trước khi thả giống.

+ Nêu cao vai trò của các HTX, THT, tổ cộng đồng vùng nuôi trong quản lý môi trường vùng nuôi và kiểm soát chất lượng con giống thả nuôi.

+ Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quản lý môi trường, xả chất thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Kinh nghiệm nuôi tôm công nghiệp không sử dụng kháng sinh, hóa chất ở Ninh Thuận

Tuân thủ đúng quy trình và không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong suốt quá trình nuôi tôm gồm 5 bước: (1) Chuẩn bị nước vào ao lắng (ao lót bạt); (2) Gây màu nước tại ao nuôi; (3) Chọn và thả tôm giống; (4) Chăm sóc, quản lý; (5) Thu hoạch. Trong đó, chọn tôm giống PL15, tôm có màu sắc tươi sáng, đều cỡ, khỏe mạnh, đã qua kiểm dịch của cơ quan chuyên môn, tôm âm tính về các bệnh: còi, đốm trắng, đầu vàng, gan tụy cấp… Thả đúng mùa vụ, chọn thời điểm mát (chiều tối), mật độ 100 con/m2. Chăm sóc và quản lý cần chú ý đến chất lượng thức ăn (nhãn mác rõ ràng, có uy tín); quan sát màu nước và sức khỏe tôm để xử lý hàng ngày (quyết định lượng thức ăn, chế phẩm sinh học, bổ sung nước…), thường xuyên bổ sung khoáng vào môi trường nước và thức ăn cho tôm, bổ sung Vitamin C, thuốc bổ gan trộn vào thức ăn cho tôm; đo các yếu tố như nhiệt độ, pH, DO, NH3, độ mặn, độ kiềm hàng ngày để xử lý kịp thời.

Giải pháp quản lý môi trường và dịch bệnh trong nuôi tôm trên cát

1. Về quản lý môi trường

- Xác định ưu tiên bảo vệ môi trường:

+ Đánh giá hiệu quả tác động của cơ chế chính sách phát triển nuôi tôm trên cát hiện có, từ đó đề xuất cơ chế chính sách phát triển theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường.

+ Tổ chức lại sản xuất trong nuôi tôm trên cát. Ưu tiên áp dụng khoa học công nghệ (nuôi, xử lý chất thải, quy trình phòng, trị bệnh). Có chính sách ưu đãi, thu hút các công ty, doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản đạt chất lượng tốt về sản xuất tại địa phương, như cho thuê đất sản xuất lâu dài theo luật định, hưởng chế độ chính sách ưu đãi của địa phương.

+ Nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác quan trắc cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh của địa phương trong nuôi tôm trên cát.

-  Giải pháp quy hoạch và xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật:

Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng nuôi tôm trên cát của từng địa phương; Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật hệ thống ao chứa lắng xử lý nước cấp, ao nuôi, khu vực chứa và xử lý chất thải, đặc biệt là hệ thống thủy lợi cấp và thoát nước cho vùng nuôi tôm trên cát.

- Giải pháp quản lý vùng nuôi:

+ Quản lý vùng nuôi dựa theo các quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động nuôi tôm trên cát.

+ Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng con giống; quản lý các vấn đề môi trường phát sinh trong nuôi tôm trên cát như ý thức tuân thủ của người dân trong thu gom và xử lý chất thải, xây dựng ao nuôi ngoài vùng quy hoạch. Cần có chế tài, xử phạt các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường và phòng ngừa dịch bệnh trong nuôi tôm trên cát.

+ Tăng cường công tác quan trắc cảnh báo môi trường và dịch bệnh tại các vùng nuôi; chuyển tải thông tin này đến người dân nuôi.

+ Phát huy vai trò của tổ tự quản, HTX trên cơ sở quản lý cộng đồng để có sản phẩm sạch, môi trường bền vững.

2. Phòng chống dịch bệnh

- Cần theo dõi thông tin quan trắc môi trường và giám sát dịch bệnh vùng nuôi để lựa chọn thời điểm lấy nước phù hợp. Thực hiện xử lý môi trường nước cấp và thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường (nhiệt độ, ôxy hòa tan, pH, độ kiềm) nước ao nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời khi có biến động môi trường.

- Lựa chọn nguồn con giống đảm bảo chất lượng, được kiểm dịch đầy đủ, không mang các tác nhân gây bệnh thường gặp như hoại tử gan tụy, đốm trắng, còi...

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về nuôi tôm trên cát và cách phòng trị bệnh thường gặp trên tôm nuôi.

Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung - Viện Nghiên cứu NTTS III 


Có thể bạn quan tâm

nhu-cau-trao-doi-nuoc-methionine-trong-khau-phan-an-cua-tom-the-chan-trang-thai-binh-duong Nhu cầu trao đổi nước,… tiep-can-toan-dien-de-quan-ly-benh-hoai-tu-gan-tuy-cap Tiếp cận toàn diện để…