Tôm thẻ chân trắng Tiếp cận toàn diện để quản lý bệnh hoại tử gan tụy cấp

Tiếp cận toàn diện để quản lý bệnh hoại tử gan tụy cấp

Tác giả Lê Cung, ngày đăng 18/09/2018

EMS/AHPND là một thách thức nghiêm trọng đối với ngành nuôi tôm. Để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này, người nuôi cần phải có sự nhìn nhận sâu hơn và toàn diện hơn để quản lý bệnh và tiến đến một ngành tôm bền vững.

Phương pháp quản lý toàn diện tích hợp ở các giai đoạn nuôi

Nhìn nhận toàn diện

Hội chứng chết sớm (EMS) hay bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) được gây ra bởi nhóm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Đây là một loài vi khuẩn được nghiên cứu và biết đến rộng rãi trong ngành nuôi tôm nhiều thập kỷ qua. Vì vậy, người nuôi cần phải xem xét lại rằng EMS/AHPND được gây ra bởi một loại vi khuẩn V.parahaemolyticus, chứ không phải là một loại virus. Trong hai thập kỷ qua, phần lớn các biện pháp an toàn sinh học trong ngành tôm trên thế giới đều nhằm vào mục tiêu quản lý virus để loại trừ mầm bệnh. Việc làm này khó khăn hơn nhiều so với việc quản lý tác nhân gây bệnh phổ biến như V.parahaemolyticus. Dựa vào kinh nghiệm và những thông tin có sẵn, các nhà nghiên cứu đã đưa ra cách quản lý toàn diện để đối phó với EMS/AHPND gồm: Quản lý tốt môi trường nuôi tôm ổn định và tối ưu; Cải thiện sức khỏe tôm nuôi bằng cách tối ưu hóa chất dinh dưỡng và bổ sung các chất hỗ trợ hệ miễn dịch; Hạn chế sự hiện diện của virus và vi khuẩn độc hại, ngăn chặn các vi khuẩn cơ hội xâm nhập ở từng giai đoạn nuôi của tôm.

Sản xuất giống

Một trung tâm sản xuất giống cần phải có các hoạt động kiểm dịch nghiêm ngặt với một chương trình giám sát chặt chẽ về tình trạng bệnh cụ thể. Một nhóm các chuyên gia khuyến cáo rằng, cần phải lên kế hoạch và thực hiện một chương trình dài hạn cho việc chọn giống với các tính trạng mong muốn, nhằm kiểm soát được việc giao phối cận huyết. Trong bối cảnh bệnh EMS như hiện nay, tôm bố mẹ được xem là nguyên nhân gây nên mầm bệnh; bởi có thể do tôm bố mẹ cận huyết hoặc do mầm bệnh lây truyền từ tôm bố mẹ sang tôm giống. Do đó, cần phải khử trùng nauplius trước khi nuôi; đồng thời, tiến hành sát trùng các dụng cụ, vật liệu trong trại giống để trại được kiểm dịch triệt để. Cùng với đó, tiến hành kiểm soát và cải thiện chế độ ăn của tôm bố mẹ để loại bỏ các nguy cơ truyền bệnh qua nguồn thức ăn tự nhiên. Việc thử nghiệm cỡ tôm giống phù hợp trước khi thả nuôi, bao gồm cả việc sử dụng các xét nghiệm PCR là rất quan trọng để đảm bảo không có vật nuôi bị nhiễm bệnh.

Ương nuôi

Ngay sau khi ấu trùng tôm bắt đầu ăn, việc đảm bảo dinh dưỡng tối ưu là vấn đề cốt lõi cho sự tồn tại và phát triển của chúng. Đây là quá trình phức tạp, đòi hỏi phải cân bằng nguồn thức ăn từ các vi sinh vật tự nhiên, thức ăn nhân tạo và thức ăn tươi sống (tảo, Artemia). Theo các nghiên cứu, bổ sung vi khuẩn probiotic, cân bằng chất lượng Artemia sẽ giúp người nuôi hạn chế được việc sử dụng kháng sinh khi không cần thiết. Đồng thời, giúp tôm tăng cường sức đề kháng khi vận chuyển và đưa vào môi trường nuôi. Gần đây, các nhà khoa học đã tiến hành trồng loại thực vật có khả năng diệt một số vi khuẩn gây bệnh như V.parahaemolyticus và giúp tôm chống sốc nhiệt với môi trường. Việc tiến hành bổ sung và đảm bảo dinh dưỡng cho ấu trùng tôm trước khi đưa vào thả nuôi giúp hạn chế tối đa được EMS.

Ngoài ra, để hạn chế EMS, ao ương nuôi đòi hỏi phải có sự đầu tư cao, riêng biệt với ao nuôi thương phẩm và phải có quy trình an toàn sinh học nghiêm ngặt. Hơn nữa, việc sử dụng các thức ăn thiếu khoa học cũng làm cho môi trường ao nuôi bị suy thoái và ảnh hưởng xấu đến đường ruột và hệ vi sinh vật của tôm. Việc nuôi trong hệ thống raceway cho phép kiểm soát tốt hơn và ổn định các điều kiện sinh trưởng của tôm và nuôi được nhiều vụ trong năm. Quan trọng hơn cả, để kiểm soát tốt EMS, người nuôi cần nắm vững kỹ thuật, có kinh nghiệm, hiểu biết về quản lý môi trường nuôi và sử dụng kháng sinh đúng cách. Đồng thời, phải kiểm tra thường xuyên sự có mặt của V.parahaemolyticus để kịp thời loại bỏ ra khỏi ao nuôi.

Nuôi thương phẩm

Trước khi đưa vào ao nuôi thương phẩm, người nuôi tiếp tục tiến hành việc chọn lọc và khử trùng lại các mầm bệnh Vibrio và đẩy mạnh khả năng chống stress của tôm. Ngay từ trong tuần đầu thả tôm, cần lưu ý:  Quản lý các chất hữu cơ tích tụ để loại bỏ V.parahaemolyticus có trong bùn ao; Thực hiện các biện pháp vật lý, hóa học, sinh học để loại bỏ mầm bệnh trong nguồn nước; Khử trùng nước trước khi cấp vào ao nuôi; Cung cấp các vi sinh vật có lợi vào ao nuôi để cạnh tranh, ức chế V.parahaemolyticus; quản lý tảo trong ao nuôi.

Trong giai đoạn này, có 3 vấn đề quan trọng cần lưu ý là: Sục khí, pH và quản lý bùn. Các thiết bị sục khí phải đầy đủ và đặt đúng cách để cung cấp đủ ôxy cho ao (đặc biệt trong hệ thống biofloc) và duy trì nồng độ ôxy > 4 mg/l. Độ pH của nước phải được đảm bảo có hệ đệm bằng lượng kiềm trong ao (> 150 mg/l) và không dao động quá lớn. Lượng bùn dư trong ao được loại bỏ bằng cách hút dần thường xuyên. Người nuôi nên bổ sung hệ vi khuẩn Bacillus.sp trong ao nuôi. Cùng với đó là việc quản lý nguồn nước, xả nước trong ao khi nuôi và khi xảy ra dịch bệnh. Việc lây nhiễm do nguồn nước từ ao này qua ao khác là vấn đề nan giải thời gian qua.  Một vấn đề lớn trong nuôi thương phẩm là việc quản lý thức ăn. Bổ sung chất dinh dưỡng, enzyme, các chất kích thích miễn dịch cho phép tôm tích trữ được nhiều năng lượng hơn, tăng khả năng miễn dịch để chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn.


Có thể bạn quan tâm

mot-so-kinh-nghiem-quan-ly-moi-truong-va-dich-benh-nuoi-tom-tren-cat Một số kinh nghiệm quản… tom-hoai-tu-do-mac-benh-nhiem-trung Tôm hoại tử do mắc…